Mẹ gào, con khóc... vì “nhồi” chữ trước lớp 1

(Dân trí) - "Sao mày vẫn chưa viết hết một nửa. Ngồi vào, viết ngay, viết hết cho tao. Nhanh lên!", chị ấn đứa con ngồi xuống ghế. Đứa bé nức nở cúi mặt xuống bàn, không dám òa lên thành tiếng.

 Cậu bé hàng xóm nghe tiếng anh khóc, ngó vào ở cửa, hồn nhiên: "Anh Bon ơi, ra trượt patin với em". Người mẹ đi ra, đẩy vai đứa bé: "Anh Bon đang học, con đi về". Phía bên trong, tiếng khóc của Bon càng rõ... 

Mẹ gào, con khóc... vì “nhồi” chữ trước lớp 1 - 1

Bon chuẩn bị vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Từ lúc 4 tuổi, Bon đã được bố mẹ cho học chữ bằng cách tự học, tự tô nét ở nhà. Bắt đầu từ 3 tháng nay, Bon theo lớp học chữ do một giáo viên tổ chức bám theo chương trình lớp 1. 

Bon được cô giáo chỉnh tư tế ngồi, cách cầm viết và được giao bài để về nhà viết. Trước đây học cho vui, giờ học "thật", cứ Bon ngồi vào bàn y như rằng trong nhà có "chiến". 

Chị Anh, mẹ Bon từ dỗ dành, chẳng mấy chốc quay sang quát mắng. Nhất là mỗi lúc chị quay lại mà thấy con trai viết chưa xong, chưa hài lòng thì lại tái diễn cảnh mẹ gào, con khóc. 

Không những vậy, mỗi lần con ngồi tập viết là vợ chồng chị cũng choảng nhau. Chị nói, anh giỏi ở nhà mà dạy con. Có khi hai cha con xách đồ bơi chuẩn bị đi chị kéo lại, bắt Bon ở nhà "viết cho xong rồi tính".

Viết chưa xong thì bị nhốt vào nhà vệ sinh 

Con 6 tuổi đi học chữ trước tại nhà cô giáo với lịch kín mít trong hai tháng qua, chị Tr.T.Nh., ở Hà Nội thấy khá yên tâm về chữ viết, cách tính nhanh của con nhưng vẫn lo lắng con còn ham chơi. 

Chưa vào lớp 1 nhưng có thể nói, bé Nhím đã ở viện đọc thông viết thạo do được bố mẹ cho học chữ từ sớm. Mỗi lần thấy con lơ đãng hay ham chơi không chịu đi học là chị như phát hỏa, lôi đủ đứa trẻ khác, nhất là chị em họ hàng ra để "răn" con. 

Mẹ gào, con khóc... vì “nhồi” chữ trước lớp 1 - 2

Hôm nào chị đi làm về mà con làm chưa xong là chị la hét, mắng mỏ luôn cả nhà, Nhím lúc nào cũng trong trạng thái... người có tội. Có lần Nhím bẻ gãy chiếc bút chì loại mới chị Nh. vừa mua, viết lại không xong trang, người mẹ gào lên, cầm áo lôi con xềnh xệch... nhốt vào nhà vệ sinh. 

Người mẹ uất ức: "Mẹ đổ bao nhiêu tiền cho mày đi học mà mày chỉ giỏi phá". Cô con gái khóc toáng lên. Sau đó, chị lại xin lỗi con và tiếp tục bắt con ngồi vào viết cho xong hai trang với lời dỗ dành "Con viết xong, mai mẹ cho đi rạp xem phim". 

Và mỗi lần con viết không xong, viết xấu là chị nổi đóa, lặp lại hành vi nhốt con vào nhà vệ sinh. 

Giờ học trở thành giờ phạt

Những ngày trước khi bước vào năm học mới, rất nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 lo lắng con mình không tập trung, chữ viết không đẹp... Nhất là khi thấy những bé khác cùng tuổi, hay con bạn bè hàng xóm đã viết đẹp, viết cứng là phụ huynh càng căng thẳng như thể con mình thất bại, thua cuộc đến nơi. 

Nhiều phụ huynh dùng phần thưởng quà tặng, đi chơi để "dụ dỗ" con hay có người vừa kèm con vừa... cầm cái roi bên cạnh. Con không tập trung hay viết sai là gõ ngay vào tay. Cứ vậy giờ học của nhiều đứa trẻ trở thành những cuộc trao đổi hoặc trừng phạt từ bố mẹ. 

Mẹ gào, con khóc... vì “nhồi” chữ trước lớp 1 - 3

Nhiều đứa trẻ bị bố mẹ "đày đọa" để biết chữ trước khi đi học 

Cách phụ huynh áp dụng nhiều nhất để dạy chữ cho con là đưa bạn bè, chị em họ cùng lứa tuổi ra để "làm gương". Nào là, con nhìn thấy chị Na không, chị Na viết đẹp lắm rồi; anh Tin ngồi vào bàn học rất ngoan...

Lo lắng con mình kém con người, con người hơn con mình trong suy nghĩ của phụ huynh dễ dàng buột ra trong quá trình kèm cặp con. 

Nhiều phụ huynh mang niềm tin rằng, chỉ cần biết chữ trước thì con sẽ tự tin khi đến lớp, con sẽ không thua kém bạn bè khi đi học, con sẽ không bị cô "đì" vì không biết chữ...  Thế rồi họ làm mọi cách để "nhồi" chữ vào con bất chấp việc mình dẫn dắt con bước vào việc học bằng nước mắt và nỗi sợ hãi.

Học chữ trước tuổi là việc không cần thiết kể cả có những thực tế đang tồn tại như lớp học sĩ số đông, các bạn khác đã biết trước... Học với hình thức ép uổng, phải dùng đến thưởng, dùng đòn roi trên sự yếu đuối của con trẻ lại càng phản khoa học. 

Một chuyên gia giáo dục ở TPHCM cảnh báo, bố mẹ đổ nhiều công sức, tiền bạc để con học chữ trước mang kỳ vọng rất lớn và sẽ càng dễ thất vọng. Vì học chữ trước, nhất là học bằng cách ép không phải là nền tảng để con yêu thích việc đến trường cũng như việc học lâu dài mà có thể làm trẻ chủ quan, chán nản, ám ảnh về việc học trước khi đến trường. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm