Bạn đọc viết:

Giáo viên với “quy tắc ngầm” về văn hóa

(Dân trí) - Chưa bao giờ như bây giờ, vấn đề trang phục của cô giáo lại được “mổ xẻ” nhiều như thế. Bản thân là giáo viên - người trong cuộc, tôi xin có đôi lời tâm sự.

Thật ra đã từ rất lâu, khi vào học các trường Sư phạm, các sinh viên đã được học cách ăn mặc và những quy định của nhà trường về trang phục một cách “mô phạm”. Tôi nhớ không nhầm thì thời tôi học, quy tắc “bất di bất dịch” mà chúng tôi luôn làm theo và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng tôi lúc nào không hay: Đến trường, giáo sinh luôn luôn mặc áo sơ mi và quần tây (cấm mặc áo pull và quần jeans). Tôi là một sinh viên có ngoại hình nhỏ nhắn và ưa nhìn, nên tôi lúc nào cũng quần tây, áo sơ mi đóng thùng. Tôi thấy mình tự tin trong cách ăn mặc này.

Đến nay ra trường hơn mười năm, trang phục giản dị đó vẫn theo tôi mỗi khi đến lớp. Và tôi thấy rắng không một trang phục nào thanh lịch và trang nhã hơn bộ đồng phục này cả. Cùng với đó là một tác phong sư phạm mẫu mực.

Vì khi đã xác định và chọn nghề “gõ đầu trẻ” thì vấn đề trên không có gì để bàn cải. Và tôi thấy hạnh phúc vì mình để chọn đúng nghề cho nên khi khoác lên người những bộ trang phục như vậy thấy mình thêm hãnh diện.

Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây, vấn đề “một con sâu làm rầu nồi canh” lại nổi lên làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn và đánh giá của học sinh và xã hội về nhân cách của người thầy, người cô qua cách ăn mặc nhiều đến thế.

Nếu những ai làm nghề giáo, ắt hẳn sẽ biết rằng văn hóa có quy tắc ngầm của nó, trang phục cũng vậy. Tôi xin trích dẫn một đoạn văn ngắn trong bài học về Trang phục trong sách giáo khoa Ngữ Văn (tập 2 - lớp 9, trang 9, bài Phép Phân tích và tổng hợp): “Trang phục không có pháp luật nào can thiệp, nhưng có những quy tắc ngầm phải tuân thủ… Dù mặc đẹp đến đâu, sang đến đâu mà không phù hợp thì cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ, làm mình tự xấu đi mà thôi. Xưa nay, cái đẹp bao giờ cũng đi với cái giản dị, nhất là phù hợp với môi trường.”

Vậy với môi trường trường học, đối tượng của giáo viên là học sinh, các em đang độ tuổi học làm người lớn, nên mọi thứ học sinh để ý và bắt chước rất nhanh. Và đặc biệt hơn nữa, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng để các noi theo, thậm chí giáo viên sẽ trở thành thần tượng để các em vươn lên, là động lực để học sinh cố gắng trở thành người có ích cho xã hội. Vậy thì không lí do gì, người thầy, người cô lại tự làm xấu mình đi với hình thức bên ngoài lòe loẹt, tóc nâu, môi đỏ

Liệu những người thấy, người cô như vậy sẽ dạy được ai khi bản thân mình chưa đúng?

Mỗi lần đứng trên bục giảng, giáo viên như người ca sĩ biểu diễn trên sân khấu trước khán giả chính là học sinh của mình. Các em nhìn thầy cô từ đầu đến chân, không bỏ sót một chi tiết nào.

Có lần tôi bắt gặp những học sinh ngồi phía trong, muốn nhìn rõ tôi mặc như thế nào. Trong buổi học hôm đó, em nhoài người ra phía đầu bàn, giương đôi mắt to tròn nhìn tôi chầm chầm. Tôi thấy em học sinh này đáng yêu vô cùng! Có khi đang say sưa giảng bài, bắt gặp những ánh mắt của học sinh đang quan sát trang phục, tóc tai, tay chân… cô giáo. Tôi mỉm cười bảo rằng: “Vừa nhìn cô vừa lắng nghe cô giảng bài nhé.”

Hôm rồi, tôi mới cắt tóc và có uốn gợn sóng một tí. Điều ngạc nhiên khi tôi bước vào lớp, một em học sinh lớp 6 nhanh nhảu nói to: “Cô làm tóc kiểu này, trông cô như bà già tám mươi.” Tôi pha chút sượng sùng. Qua đó, để thấy rằng học sinh để ý thầy cô từng tí một.

Cái đẹp luôn song hành giữa nội dung và hình thức. Một tác phong sư phạm cùng với một chuyên môn vững vàng, lòng nhiệt huyết với nghề, lối sống lành mạnh - chắc hẳn như vậy giáo viên luôn đẹp trong mắt học trò của mình.

Theo tôi, “trang phục hợp văn hóa, hợp môi trường mới là trang phục đẹp”.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!