Bạn đọc viết:

Bài học “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

(Dân trí) - Trong môi trường học đường, sự tự do thể hiện cá tính theo kiểu nhuộm tóc, sơn móng, áo quần lòe loẹt… hoàn toàn không thể chấp nhận. Cần hướng các em đến với giá trị đích thực của chân - thiện - mĩ mà điều này chỉ có thể thành công khi người thầy phải là tấm gương sáng.

Đọc bài viết “Thầy cô hãy là tấm gương sáng để các em cô noi theo” của giáo viên Loát Trần trên báo Dân trí, tôi cảm thấy mình đã tìm ra được một tiếng nói đồng điệu trong quan niệm về cái đẹp của nhà giáo.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, chúng ta không có quyền cấm đoán giáo viên hướng tới cái đẹp. Nhưng so với nhiều ngành nghề khác thì có lẽ cái đẹp của người thầy bị chi phối nhiều bởi quan niệm, định kiến của xã hội nhất. Cái đẹp của người thầy phải gắn liền với sự mẫu mực, nghiêm trang.

Chúng ta không thể cấm học sinh nhuộm tóc trong khi tóc của thầy cô thì lòe loẹt xanh đỏ, ánh kim. Chúng ta không thể cấm học sinh sơn móng tay trong khi thầy cô liên tục đổi “mốt” đỏ rực, tím than. Là người thầy lại càng không thể khoác lên mình trang phục mỏng tang, xiêm áo diêm dúa…

Đó là những quy định ngầm có phần khắt khe mà cũng là mực thước buộc mỗi người phải tự trang bị cho mình khi đã chọn nghề giáo. Đứng trên bục giảng, có lúc chúng ta khi bắt gặp hàng trăm cặp mắt của học sinh nhìn ngắm từ mái tóc đến tận gót chân của cô giáo mà thầm cười. Nói không ngoa chứ đôi khi thầy cô tự thấy mình chẳng khác gì một thí sinh dự thi đang bị săm soi, đánh giá, so bì với người này, người kia về cách ăn mặc, chưng diện.

Trong bối cảnh ngày nay, khi mà nhu cầu cuộc sống đang dần nâng cao và học sinh ngày càng phát huy tính dân chủ, cá tính thì sự chỉn chu trong phong cách người thầy lại càng cần quan tâm nhiều hơn. Lứa tuổi “xì tin” ấy nhanh bắt chước, dễ học đòi, thích xun xoe ăn diện lắm. Nếu không khéo léo định hướng, các em rất dễ sa đà vào sự chưng diện, đua đòi.

Câu chuyện một phụ huynh cầm đơn thưa gửi đến Phòng Giáo dục về việc cô giáo nhuộm tóc và sơn móng tay rực rỡ ấy có vẻ là lạ. Nhưng chuyện giáo viên chưng diện quá mức lại là hiện tượng diễn ra nhan nhản khắp nơi. Thậm chí có nhiều trường học phải quy định cụ thể về trang phục, váy áo, tóc tai trong quy tắc ứng xử văn hóa học đường đối với thầy cô.

Nói thế để thấy rằng không phải nhà trường không quan tâm đến hình ảnh người giáo viên trong mắt học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt mà chính thủ trưởng đơn vị phải mời riêng, nhắc nhở khéo giáo viên về cái áo, cái quần chưa đúng tác phong.

Một tập thể cần có những qui định nghiêm ngặt, nhà trường cũng vậy, mỗi trường đều có nội qui đối với học sinh, giáo viên và nhân viên. Điều này thật sự cần thiết để khu biệt các hành vi, thái độ cần có của mỗi người và xác định các hành vi cấm để tạo ra một môi trường học tập nghiêm túc, lành mạnh, nề nếp, kỉ cương.

Lứa tuổi học sinh đâu phải chỉ chăm chăm làm đẹp và chạy theo “mốt” này nọ. Nhiệm vụ của các em là học tập và rèn luyện để có tri thức, nhân cách cần thiết xây dựng tương lai. Trường học chẳng thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục khi mái đầu nhiều màu của học sinh cứ thoải mái vào trường lớp và vô tư thay đổi cho “oách”, “sành điệu”, “đẳng cấp”… Suốt ngày chỉnh trang cho mái tóc công phu của mình rồi săm soi mái đầu của bạn, thời gian và tâm trí đâu mà các em dành cho việc học.

Thêm vào đó là sự cách biệt, phân chia tầng lớp trong học sinh. Vô tình sẽ tạo ra từng nhóm, nhóm sành điệu và nhóm quê mùa, nhóm giàu và nhóm nghèo… Điều này đi ngược lại với quan điểm giáo dục hòa nhập, hòa đồng trong học sinh. Đó là còn chưa kể nếu nhà trường dễ dãi, nó còn có thể khơi mào cho nhiều sự đổi thay trong học sinh chạy theo sự đua đòi, thích thể hiện.

Khi học sinh bị ràng buộc chặt chẽ về tư cách người đội viên thì tất nhiên giáo viên cũng không thể biến việc lên lớp thành buổi biểu diễn thời trang. Giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Tôi nghĩ, việc giáo viên nhuộm màu tóc nhẹ nhàng với tí phớt hồng, phớt nâu hay diện những bộ váy công sở là điều có thể chấp nhận được.

Bài học “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà ông cha ta đã dạy vẫn luôn trọn vẹn ý nghĩa. Giá trị của một con người nằm ở trí tuệ, nhân cách, tâm hồn chứ không phải ở hình thức bên ngoài. Trong môi trường học đường, sự tự do thể hiện cá tính theo kiểu nhuộm tóc, sơn móng, áo quần lòe loẹt này hoàn toàn không thể chấp nhận. Cần hướng các em đến với giá trị đích thực của chân - thiện - mĩ mà điều này chỉ có thể thành công khi người thầy phải là tấm gương sáng.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục