Bạn đọc viết:

Giáo viên giỏi vì chỉ dạy… học sinh giỏi?

(Dân trí) - Nơi nào còn tồn tại kiểu sàng lọc năng lực học sinh để dạy tiết mẫu, tiết chuẩn thì nơi ấy căn bệnh thành tích vẫn mãi là "nan y".

"Thứ 4 (9/1) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Những học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!"

Một mẩu tin nhắn từ trường tiểu học Lê Hồng Phong (Hải Phòng) làm nhiều người hốt hoảng vì sự sàng lọc học sinh trong các tiết dạy giáo viên giỏi. Vậy nhưng theo tôi được biết thì đây là một thực trạng vẫn tồn tại như một tảng băng chìm trong nhiều hội thi giáo viên giỏi, thi tay nghề hay các tiết dạy chuyên đề, hội thảo…

Tất nhiên là chúng ta không quy chụp tất cả các tiết dạy thi giáo viên giỏi đều lọc học sinh theo kiểu "chọn mặt gửi vàng". Chúng ta cũng không đánh đồng tất tần tật các tiết dạy của thầy cô đều là "diễn" và không thực chất, không hiệu quả.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nơi nào còn tồn tại kiểu sàng lọc năng lực học sinh để dạy tiết mẫu, tiết chuẩn như thế thì nơi ấy căn bệnh thành tích vẫn mãi là "nan y".

Người thầy lên lớp vẫn mong mỏi rằng tiết học sôi nổi, học sinh tích cực phát biểu bài và sự tương tác tốt giữa thầy - trò sẽ là điểm nhấn không thể thiếu để đánh giá một tiết dạy thành công. Tuy nhiên, ngoại trừ các trường chuyên và lớp chọn thì ở các lớp phổ thông, không phải tất cả học sinh của chúng ta đều giỏi, chăm, năng nổ, tự tin, sáng tạo…

Ở đó còn có một bộ phận không nhỏ các em năng lực còn hạn chế so với các bạn, mức độ tập trung yếu hơn các bạn và sự rụt rè trong giao tiếp như một vách ngăn lớn giữa các em. Lẽ nào khi giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi, học sinh hạn chế về năng lực sẽ là một gánh nặng và bị "sàng lọc"?

Và phải chăng danh hiệu giáo viên giỏi các cấp được tạo nên bởi vì người thầy đã tổ chức hoạt động dạy học thành công cho… học sinh giỏi? Nếu tình trạng đề nghị học sinh yếu kém ở nhà để thầy cô thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng là sự thật thì quả thực tài năng sư phạm và danh hiệu giáo viên giỏi ấy cần được cân đo đong đếm lại.

Tôi đã từng tham dự các tiết dạy chuyên đề của đồng nghiệp với khoảng 20 đến 25 em học sinh. Khuôn mặt nào cũng sáng láng, những cánh tay xung phong phát biểu bài giơ lên rào rào và câu hỏi của giáo viên được các em trả lời rành rọt, suông sẻ.

Người dạy hài lòng và người dự cũng khen ngợi không ngớt lời sao học sinh của lớp bạn, trường bạn giỏi quá. Vậy nhưng, ai cũng ngầm hiểu đó là những "hạt gạo trên sàng" của lớp, thậm chí là học sinh tiêu biểu được chọn trong khối. Và dường như tiết học thành công nhưng vẫn thiếu thiếu một chút gì đó sự tự nhiên, sự trung thực…

Cảm giác thiếu hụt đó lại được lấp đầy trong các tiết dạy bình thường với số lượng học sinh dẫu đông đúc nhưng đủ các năng lực giỏi, khá, trung bình, yếu. Vai trò dẫn dắt, tổ chức hoạt động của giáo viên diễn ra nhịp nhàng, tự nhiên trong một lớp học có sự phân hóa mạnh về trình độ như thế mới được đánh giá đúng đắn và đầy đủ nhất.

Đôi khi câu hỏi của thầy bị trò trả lời sai, đôi khi lời phát biểu của trò còn ngượng nghịu, đôi khi hoạt động nhóm của trò còn vụng về… thì chính những lúc ấy, năng lực sư phạm của người thầy mới có cơ hội phát huy để uốn nắn, sửa chữa, động viên khiếm khuyết, thiếu sót của trò!

Xin đừng để giáo viên giỏi chỉ dạy… học sinh giỏi!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!