ĐBSCL: Tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước

(Dân trí) - Ngày 25/9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị tổng kết 5 năm phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ý kiến thảo luận cần đi thẳng vào những khó khăn cụ thể trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề tại từng địa phương. Từ đó làm rõ đặc thù, đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, giải pháp tháo gỡ để giáo dục đào tạo và dạy nghề ĐBSCL có chuyển biến mạnh mẽ giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

ĐBSCL: Vẫn là vùng trũng về giáo dục

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL trong năm học 2014-2015, toàn vùng có 3.103 trường tiểu học (giảm 99 trường so với năm học 2011-2012), trong đó có 1.013 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 32,93%. Quy mô học sinh toàn vùng hơn 1,5 triệu học sinh, tăng 1% so với năm 2011-2012; tỉ lệ huy động học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi tăng dần qua các năm và đạt 98,31% năm học 2014-2015.

Toàn vùng có 1.468 trường THCS, trong đó có 384 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 26,15%. Tuy nhiên tỷ lệ huy động học sinh THCS trong vùng chỉ đạt 82,6% (cả nước 88,2%). Năm học 2014-2015, toàn vùng có 466 trường THPT (tăng 19 trường so với năm học 2011-2012), trong đó có 57 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 12,23%. Tỷ lệ huy động học sinh THPT trong độ tuổi cũng chỉ đạt 46,9% (tỷ lệ cả nước 59,4%, Tây Bắc 55,4%, Tây Nguyên 50,05%).

 

Toàn cảnh hội nghị sáng nay.
Toàn cảnh hội nghị sáng nay.

Hiện nay tình trạng học sinh ở các cấp học vùng ĐBSCL có tỷ lệ bỏ học vẫn còn cao nhất nước, cụ thể: Ở bậc THPT là 3,94% (cả nước 1,79%, Tây Bắc 1,99%, Tây Nguyên 1,32%); cấp THCS 3,26% (cả nước 1,37%, Tây Bắc 1,04%, Tây Nguyên 1,3%) và bậc tiểu học là 0,45% (cả nước 0,16%, Tây Bắc 0,1%, Tây Nguyên 0,3%).

Năm học 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL có 197.208 giáo viên, giảng viên, tăng 9% so với năm học 2011-2012 (180.775 giáo viên), trong đó giáo viên mầm non là 27.911 người; giáo viên tiểu học 76.999 người; giáo viên THCS 54.439 người; giáo viên THPT 25.153 người… Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều phòng học xuống cấp, toàn vùng còn 1.233 phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu chưa đảm bảo cho việc dạy và học.

Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, năm học 2014-2015, vùng ĐBSCL có 43 trường ĐH, CĐ (trong đó có 17 trường ĐH, 26 trường CĐ), ngoài công lập có 6 trường ĐH (tỉ lệ 14%). Trong 5 năm (2011 - 2015) đã thành lập thêm 6 trường (4 trường ĐH và 2 trường CĐ). Quy mô sinh viên chính quy của vùng là 130.896 sinh viên (trong đó ĐH là 86.230 và CĐ là 44.666), tăng 9% so với năm học 2011- 2012. Tuy nhiên tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, tỉ lệ sinh viên trình độ ĐH cao, chiếm trên 70% tổng quy mô; quy mô khối ngành kinh tế trên 30% trong tổng số sinh viên đào tạo đang là vấn đề bất cập.

Về đào tạo nghề so với mục tiêu của Quyết định số 1033/QĐ-TTg thì các chỉ tiêu phát triển dạy nghề trong vùng không đạt, cụ thể là: Số trường cao đẳng nghề đạt 78% (17/22 trường), số trường trung cấp nghề đạt 97,14% (34/35 trường). Quy mô tuyển sinh dạy nghề bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 mới chỉ đạt 56%. Cơ cấu tuyển sinh học nghề theo trình độ còn chênh lệch, mới chỉ tập trung vào trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng năm 2015 ước đạt 35,2%, đã tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%).

Sẽ tập trung nâng cao giáo dục toàn diện!

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: việc một số chỉ tiêu về phát triển giáo dục của vùng ĐBSCL chưa đạt được theo kế hoạch đề ra xuất phát đặc thù ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là vùng sông nước, dân cư phân bố không tập trung ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến trường; một số cơ sở giáo dục chưa phát huy hết quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, chưa chủ động đổi mới nội dung, việc đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực chưa đồng bộ...

“Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, trong giai đoạn 2016-2020 Ngành giáo dục sẽ tập trung nâng cao giáo dục toàn diện, quy hoạch cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học và dạy nghề phù hợp với quy mô phát triển, điều kiện vùng sông nước, chuyển đổi trọng tâm từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng và hiệu quả, đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo...” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phát triển Giáo dục & đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng cũng đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan tập hợp các ý kiến đóng góp của các địa phương vùng ĐBSCL, hoàn chỉnh các mục tiêu, giải pháp phát triển GD&ĐT, dạy nghề giai đoạn 2016-2020 trình Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời, dựa trên đặc thù của vùng các Bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động, linh hoạt xin chủ trương thí điểm một số mô hình giáo dục. Nghiên cứu xây dựng mô hình trường, phân hiệu vệ tinh giống như lĩnh vực y tế...”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục, chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn vấn đề của mình để sắp xếp lại. Tôi muốn thời gian tới chúng ta có một quyết định 1033 mới với mục tiêu sát thực tế hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Phạm Tâm

(phamtam@dantri.com.vn)