Kon Tum:

Đầu năm học mới, thầy cô vùng cao “cõng chữ” đến từng nhà học sinh

(Dân trí) - Khi tiếng ve mùa hè vừa im tiếng, những giáo viên “cắm bản” ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại bắt đầu hành trình vận động học sinh đến lớp. Hình ảnh, người thầy đến gõ cửa từng nhà dân, cùng ăn, cùng nói chuyện nhằm đưa “ánh sáng giáo dục” đã không còn xa lạ với người dân nơi đây...

Ngôi trường “vùng khó” gieo chữ đến buôn làng

Nằm cách tỉnh Kon Tum hơn 100km, huyện Tu Mơ Rông nằm trên một ngọn núi dựng đứng, với độ cao trên 1.000m. Nhưng để vào được xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) phải vượt thêm hơn 30km, đường quanh co với lớp sương phủ trắng quanh năm. Theo đó, Ngọc Yêu là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, đời sống nhân dân khốn khó trăm bề, ánh sáng văn minh hầu như chưa đến với người dân nơi đây.

Để đến được ngôi trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Ngọc Yêu, nơi được mệnh danh như “ốc đảo” bởi 4 bề là núi cao, xã nằm giữa lòng chảo. Tuy nhiên, với những nỗ lực vận động học sinh đến lớp nên tỉ lệ duy trì sĩ số của trường luôn đạt 100%, những điều này cũng khiến các trường vùng xuôi phải ghen tị.

Đầu năm học mới, thầy cô vùng cao “cõng chữ” đến từng nhà học sinh - 1
Hình ảnh những người thầy cô giáo trường PTDTBT TH và THCS Ngọc Yêu đến từng nhà để vận động học sinh

Sau hơn 1 giờ vật lộn với đường rừng, cuối cùng trường PTDTBT THCS Ngọc Yêu cũng hiện ra dưới cơn mưa tầm tã. Kể về ngôi trường, thầy Hoàng Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 15 thầy cô giáo. Toàn bộ số giáo viên này đều ở các huyện xa về gieo chữ. Có người ở tận huyện miền núi Đăk Glei, có người lại ở dưới thành phố. Khi kì nghỉ hè gần kết thúc, các thầy cô lục tục kéo nhau lên Ngọc Yêu chuẩn bị giáo án, ổn định sinh hoạt và lên nương rẫy vận động học sinh ra lớp. Thời điểm này đúng vào mùa mưa ở Tây Nguyên nên hành trình đi vận động của thầy cô giáo cũng chật vật không kém.

Năm học này nhà trường có 100 học sinh nhập học trong đó 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Số học sinh này ở 8 thôn làng của xã. Thôn xa nhất cách trường đến hơn 10km. Thời điểm nghỉ hè các em học sinh thường lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ.  Nên đến ngày đi học các em cũng quên đến lớp. Và cũng vì thế 15 giáo viên của trường hằng ngày phải tỏa ra khắp các thôn làng đi vận động. 5 giờ chiều khi con gà lên chuồng đi ngủ, dân bản cũng từ trên nương rẫy trở về cũng là lúc các thầy cô lên xe rẽ về các làng.

Đầu năm học mới, thầy cô vùng cao “cõng chữ” đến từng nhà học sinh - 2
Dù mưa gió, địa hình hiểm trở nhưng các thầy cô giáo vẫn đều đều đội mưa đi vận động học sinh

“Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp. Những hôm mưa xối xả, tối mặt tối mũi nhưng để các em không bỏ học các thầy cô vẫn cố mặc áo mưa lên bản. Cũng có hôm mưa lớn quá, các thầy cô ngủ luôn tại nhà học trò cùng ăn, cùng uống với họ”, thầy Hải chia sẻ.

“Cắm bản”, đưa học sinh đến tận trường

Như mọi ngày, buổi sáng chúng tôi theo đoàn các giáo viên đi vận động học sinh ra lớp. 6h sáng những cơn mưa rừng dai dẳng nhưng các giáo viên vẫn trùm kín người bằng bộ áo mưa đã cũ, chân đi ủng vào làng Ba Tu 1.

Vừa đi thầy Võ Văn Cương tâm sự, cũng vì đây là công việc hàng ngày nên thầy đã quen từng góc bếp, nóc nhà. Cũng phải thôi, 15 năm qua thầy Cương vẫn luôn miệt mài đến gõ cửa từng mái nhà vận động học sinh ra lớp. Những ngày mới ra trường (năm 2004), thầy Cương bắt xe ôm lên xã Văn Xuôi hết 30 ngàn. Rồi thầy Cương phải lội rừng từ đó về đến trường Ngọc Yêu xa hơn 10km. Cũng có những lúc thầy giáo Cương mệt nhoài, muốn bỏ hết để trở về nhà làm ruộng. Nhưng khi đối diện với những ánh mắt trong veo như giọt mưa rừng, thầy Cương lại giấu lòng đi mà ở lại.

Đầu năm học mới, thầy cô vùng cao “cõng chữ” đến từng nhà học sinh - 3
Hình ảnh người thầy đã coi dân bản như là nhà, coi học sinh như con đã gắn kết tình thầy trò

Lúc bấy giờ cả học sinh lẫn phụ huynh còn mù mờ về con chữ. Buổi sáng thầy Cương dạy cho con em viết lách, tối thầy lại gặp phụ huynh để mở lớp “A Bờ Cờ”. Hôm nào thấy học sinh nghỉ nhiều, thầy lội bộ lên làng vận động học sinh. Những hôm mưa lớn quá, thầy Cương ngủ lại luôn trong làng. Tối uống rượu với phụ huynh các em, thầy dốc hết lòng mình ra khuyên bảo. Khi phụ huynh hiểu ra vấn đề cũng là lúc các em quay trở lại lớp.

Vào giữa làng, thầy Cương dắt chúng tôi ghé thăm nhà em A Khuôn (học sinh lớp 9). Em là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của trường. Cha em bệnh nặng mới mất khoảng 3 năm nay. Một mình mẹ A Khuôn chật vật trên nương nuôi 2 con ăn học. Nhiều lúc khó khăn quá, Khuôn đã tính đến chuyện nghỉ học để theo mẹ cầm cây cuốc. Biết chuyện thầy Cương liền đến tận nhà khuyên nhủ em cố gắng theo đuổi con chữ để thay đổi cuộc sống. Nghe lời thầy, A Khuôn đã quyết định tiếp tục đi học, theo đuổi con chữ.

Đầu năm học mới, thầy cô vùng cao “cõng chữ” đến từng nhà học sinh - 4
Hình ảnh những thầy cô giáo tỏa ra các làng để vận động học sinh đến trường

Nói đoạn thầy quay sang tâm sự với bà nội Khuôn bằng tiếng Xê Đăng, đại ý: phải để con em đi học để có kiến thức, từ đó các cháu mới có thể ổn định cuộc sống và xây dựng buôn làng. Hiện nay các cháu ở làng Ba Tu 1 rất chăm lo học tập. Gia đình nên nhắc nhở cháu chú tâm học hành để không tụt hậu so với các bạn…

Cuộc đối thoại bằng tiếng Xê Đăng cứ kéo dài ra mãi. Thế rồi khi nghe cái bụng thầy réo, bà nội Khuôn vội vàng đi nướng mấy trái bắp để đãi người thầy giáo đáng quý.

Rời mái nhà sàn của A Khuôn, chúng tôi theo chân cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga tìm đến nhà của A Khuyến (học sinh lớp 7). Thấy cô giáo đến thăm, A Khuyến chạy ra trước bậc thềm chào rồi dẫn khách vào nhà. “Em đừng buồn nữa mà phải cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ. Năm học mới sắp đến rồi, em phải đi học đầy đủ, nếu có khó khăn gì thì cứ nói với cô. Cô cũng giống như mẹ của em vậy mà. Cô sẽ hỗ trợ hết sức để em được đến lớp”, cô Nga xoa đầu rồi nhìn khuyến trìu mến.

Cứ thế, những thầy cô ở trường PTDTBT THCS Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà. Rồi họ lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên con em ra lớp. Cũng nhờ những cuộc vận động trong mưa núi, sương mù này mà trường có tỉ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện.

Như để đáp lại những công lao của thầy cô, hàng chục học sinh của trường đã tiếp tục học tập và đtạ nhiều kết quả cao. Theo thống kê của nhà trường từ năm 2016 đến nay có 63 em tốt nghiệp THPT. 6 em quay về xã làm cán bộ, 9 em học trung cấp, 23 em đậu đại học và cao đẳng.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Con em người đồng bào thiểu số có ý thức học tập đang còn thấp. Bên cạnh đó, trong các kì nghỉ hè, con em lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ rồi quên cả việc lên lớp. Ngoài ra, những thời điểm đầu năm học vì đang là mùa mưa nên các em học sinh cũng lười đi học. Thế nên hàng chục năm qua, các thầy cô giáo đang công tác ở huyện luôn tích cực vận động học sinh ra lớp tìm con chữ. Năm nay huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp cùng ngành Giáo dục tuyên truyền vận động học sinh đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học...”.

Phạm Hoàng