Đã hết thời của quan niệm “Gõ đầu trẻ”!

(Dân trí) - “Ngày xưa đi học, tôi cũng từng bị cô giáo quật thước vào tay bầm tím không thế cầm bút đến mấy ngày. Khi ấy, tôi nghĩ, tại cô giáo nóng giận, rồi chắc là cô có thương mình nên mới thế. Nhưng đó là thời của chúng tôi…

Chúng tôi ngày ấy có thể chịu thế được chứ quả thật, bây giờ, nếu tôi phải chứng kiến cảnh con tôi, cháu tôi bị quật thước kẻ đến bầm tím hai tay thì tôi không thể chấp nhận được và cũng không thể tự nhủ rằng do cô giáo “thương” học trò nên mới thế” - ông Phạm Điền, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ NN&PTNT nói.

 

Quan niệm thay đổi theo thời thế

 

Thời thế đã thay đổi rồi thì quan niệm về thầy và trò cũng phải thay đổi là nhận xét chung của hầu hết các ông bố bà mẹ khi được hỏi về cách mà giáo viên cho roi vọt đối với học sinh ngày nay.

 

Anh Đăng Khoa, giảng viên trường CĐ Du lịch cho hay: “Thế hệ của bọn tôi, chắc là cũng hiếm có đứa nào thoát khỏi ít nhất là một lần “ăn đòn” từ giáo viên và hồi đó chúng tôi cũng chỉ thấy điều đó là hết sức bình thường.

 

Nhưng bây giờ thì điều đó rõ ràng đã trở thành bất thường. Xã hội ngày càng tiến bộ thì con người cũng phải được đối xử văn minh hơn, nhất là ở lứa tuổi non nớt của thời đi học”.

 

Cũng theo hồi ức của anh Khoa thì cách đây độ chừng 15, 20 năm về trước, hình ảnh người giáo viên thường được gắn với những chiếc thước to tướng đủ để gõ lên bảng những tiếng cộc cộc to tướng yêu cầu “Hoc sinh! Trật tự”. Có lẽ, quan niệm “gõ đầu trẻ”  được ra đời cũng chính từ sự gắn bó mật thiết giữa giáo viên và chiếc thước kẻ như vậy!

 

Ngay cả bây giờ, mang theo người kè kè một chiếc thước kẻ cũng là thói quen của không ít giáo viên. Chiếc thước kẻ đã trở thành như một người bạn của nhà giáo trong sự nghiệp “gõ đầu trẻ” với tính năng vừa như một dụng cụ giảng dạy, vừa như một công cụ để trừng phạt.

 

Trong trí nhớ của nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cũng có hình ảnh một người thầy đã dùng thước lim đánh toạc đầu học sinh. Và khi càng ngày càng có nhiều nhà giáo biến thứ dụng cụ dạy học này thành thứ công cụ trừng phạt thì khái niệm “gõ đầu trẻ” đã đến lúc phải lên án, thậm chí là báo động.

 

Vấn đề là khái niệm “gõ đầu trẻ” đã trở nên càng đáng sợ hơn khi người thầy ngày nay không chỉ dùng thước để “gõ” mà họ đã dùng tay hay thậm chí SGK, giẻ lau bảng... thành công cụ trừng phạt.

 

Em Nguyễn Thị Nga, hiện là nhân viên của một công ty TNHH kể về những ngày đi học đã không ít lần chứng kiến cô giáo của mình mỗi khi bực bội thường ném giẻ lau bảng, sách giáo khoa vào học sinh ào ào như... đĩa bay!

 

Cũng có phụ huynh tỏ ra thông cảm với sự “xuống tay” của thầy cô giáo đối với học trò. Như lời kể của chị Hoàng Phương, chuyên viên Bộ NN&PTNT: “Ngày còn bé, khi kèm tôi học, nhiều lúc bố tôi còn nổi đoá lên cho tôi vài cái bạt tai ấy chứ. Thế nên việc không kiềm chế được của giáo viên trên lớp cũng là việc có thể thông cảm vì đến bố, mẹ mà cũng có lúc còn không chịu được con cái nữa là”.

 

Tuy nhiên, cũng theo chị Phương thì: “Nhưng giờ, đối với con cái, không mấy khi tôi dùng vũ lực với chúng nên tôi cũng đòi hỏi nhà trường cũng phải như vậy”.

 

Không nên quá đề cao vai trò người thầy?

 

Không ai phủ nhận quan hệ thầy trò luôn là một quan hệ thiêng liêng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đưa người thầy lên  vị trí của một quan toà tối cao trong nhà trường để tự cho phép mình có quyền thưởng phạt theo cảm tính.

 

Vì thế, muốn chấm dứt nạn bạo hành của giáo viên đối với học sinh thì không chỉ khái niệm “gõ đầu trẻ” cần được xoá bỏ mà vị trí của thầy và trò trong xã hội ngày nay cần phải được thay đối và không phải cứ thay đổi thì mối quan hệ thầy - trò sẽ bị tổn thương.

 

Tại diễn đàn của Bộ GD-ĐT, khẳng định của một thành viên có tên là Nguoiyeunuoc2008:Đề cao người thầy hơn trò là điều tối kỵ của bất kỳ một nền giáo dục tiên tiến nào, ấy vậy mà chúng ta lại phạm vào điều cấm kỵ ấy” đã được đẩy lên thành vấn đề nổi bật.

Nguoiyeunuoc2008 đặt vấn đề: Có nên quá đề cao người thầy hay không?


Người thầy cần được đề cao - quan niệm đó rất đúng ở thời xa xưa khi mà trình độ phát triển của xã hội rất thấp, nhưng hiện nay thì quan niệm đó là chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Khi ta đọc cuốn sách của người khác thì ta thu nhận được kiến thức của người ấy, người ấy là thầy của ta, mặc dù người ấy không đứng trên bục giảng, không làm trong ngành giáo dục.

 

Còn nếu những giáo viên đứng trên bục giảng nói những toàn điều mà ta đã học rồi, biết rồi, chưa có gì mới, ta không tiếp thu kiến thức nào thì giáo viên ấy không phải là thầy của ta.

 

Vậy, vị trí thầy - trò trong xã hội ngày nay nên thế nào? Khi có quá trình cho, nhận kiến thức thì có quan hệ thầy trò. Ở thời xưa, quá trình cho, nhận kiến thức là một quá trình lâu dài, nhưng trong thời đại hiện nay, quá trình đó có thể diễn ra một cách rất nhanh, thậm chí là tức thời.

 

Khi ta tìm kiếm thông tin trên Internet, chỉ cần vài giây ta đã có thể nhận được kiến thức. Và vì thế việc hoán đổi vị trị thầy - trò cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, tức thời: phút trước ta là thầy, nhưng phút sau ta đã là trò và ngược lại.

 

Mai Minh