Bé mầm non có hành động “nhạy cảm”:
Cần chú trọng giáo dục, giám sát con trẻ trong thời kỳ “nụ hoa tính dục”
(Dân trí) - Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, vụ việc bé mầm non có hành động “nhạy cảm” khiến phụ huynh bàng hoàng diễn ra vừa qua là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi trẻ đang ở thời kỳ “nụ hoa tính dục”.
Mới đây một phụ huynh chia sẻ lên mạng Internet một clip ghi lại cảnh bé trai mầm non có hành động nhạy cảm với bạn khác giới trong giờ ngủ trưa, vụ việc khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, lo lắng.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Việt Nam) nhấn mạnh, trẻ mầm non đang ở vào giai đoạn tâm lý tính dục đặc biệt gọi là thời kỳ “nụ hoa tính dục”.
Và vụ việc diễn ra vừa qua là điều hoàn toàn có thể xảy ra trước đó và trong tương lai, không chỉ ở trường mầm non này mà còn ở trường mầm non khác.
“Gọi là “nụ hoa”, bởi vì không có bông hoa nào không nở từ nụ, không có trái cây nào không thụ từ hoa, muốn bước vào thời hoa niên, con người phải đi từ cái chồi này trước đã. Đó là quá trình phát triển liên tục để trưởng thành.
Một đặc điểm quan trọng trong giai đoạn này đó là sự hiếu kỳ tính dục: Trẻ ý thức được sự khác biệt giới tính nam nữ nên nảy sinh tò mò muốn xem thử bộ phận của người khác phái”, TS. An cho biết.
Theo Tiến sĩ Tâm lý, sai lầm của người lớn là cứ nghĩ trẻ còn nhỏ, chưa biết gì, nên cứ vô tư thể hiện những hành động nhạy cảm trước mặt con, khiến cho con tò mò và muốn khám phá.
Trong khi đó, hoạt động chủ đạo, giữ vị trí trung tâm trong giai đoạn trẻ mẫu giáo là hoạt động “đóng vai theo chủ đề” - hoạt động vui chơi này mô phỏng lại một mảng nào đó sinh hoạt của người lớn (và tất nhiên không thể loại trừ trẻ muốn đóng vai “vợ - chồng” giống như những gì trẻ đã nhìn thấy qua cuộc sống thực tế hay qua phim ảnh).
Từ 3, 4 đến 5 tuổi - Giai đoạn này trẻ rất tò mò và bắt đầu phát hiện ra sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Chính vì vậy, việc hướng dẫn, giảng dạy và giám sát chặt chẽ các con, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giới tính, sự riêng tư cũng như cách ứng phó, xử lý tình huống là điều mà nhà trường bắt buộc phải chú trọng.
Đây cũng chính là giai đoạn trẻ bắt đầu xuất hiện ý thức về bản thân và nhận biết giới tính.
TS. Đào Lê Hòa An lưu ý các bậc phụ huynh và giáo viên hãy nhớ rằng giáo dục giới tính không đơn thuần là dạy về bộ phận và chức năng của cơ thể, mà còn về giáo dục cho trẻ mối quan hệ, giới hạn của sự riêng tư, ý thức tôn trọng bản thân và người khác…
“Dù bận rộn thế nào, hàng ngày cha mẹ cũng phải dành thời gian lắng nghe trẻ nói và trao đổi với con những điều xảy ra trong cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và cảm nhận cùng trẻ.
Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn, cha mẹ phải chỉ dẫn con thực hiện các quy tắc, các chuẩn mực để kiểm soát trẻ và cũng để giúp trẻ tự kiểm soát bản thân.
Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ chính bản thân mình. Quá trình tìm hiểu kiến thức về giới tính một cách đúng đắn là sự trưởng thành tự nhiên và tất yếu, đó cũng là khoảng thời gian để các em học cách hiểu về bản thân mình và người khác hơn, biết yêu thương, quý trọng bản thân nhiều hơn”, chuyên gia này cho hay.
Lệ Thu