Vượt núi đến ngôi trường đặc biệt nhất Việt Nam:

Cảm phục 46 thầy giáo gieo chữ nơi "thâm sơn cùng cốc"

(Dân trí) - Nơi thâm sơn cùng cốc, giữa thiếu thốn bủa vây, các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) vẫn miệt mài gieo chữ cho trò. Ở đây chưa có sóng điện thoại, nhiều điểm trường chưa có sóng vô tuyến. Thỉnh thoảng, có việc cần phải liên lạc ra ngoài xã, các thầy phải trèo lên đỉnh núi cao nhất hứng “sóng rớt” phập phù.

Gieo chữ nơi biên cương

Gian nan nuôi chữ cho trò

Vượt qua hành trình gian nan và không kém phần nguy hiểm của gần 20km đường rừng núi, chúng tôi có mặt tại bản Mường Lống, nơi có điểm trường chính của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 - nơi 100% giáo viên, nhân viên là nam giới.

Giữa tháng 11, thời tiết ở Tri Lễ vẫn mang hình thái của 3 mùa. Từ đêm đến sáng là mùa đông lạnh buốt, sương mù như mưa. Sáng là tiết trời thu với nắng vàng trải khắp sườn núi trong cái se se lạnh. Trưa, nắng chói chang như đang ở giữa mùa hè. Các thầy giáo tự trào, chả ai sướng bằng mình, ở đây cứ như đang nghỉ dưỡng ở Đà Lạt.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An nơi 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông
Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An nơi 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông

Từ khi thành lập đến nay đã ngót 40 năm, trường chưa bao giờ có nữ giáo viên. Có lẽ, tổ chức cũng hiểu và thông cảm cho chị em bởi nơi đây vẫn còn hoang sơ và thiếu thốn nhiều quá. Thứ duy nhất nối nơi này với bên ngoài là cung đường hiểm trở, nắng toàn sống trâu, mưa thì bùn lầy ngập nửa bánh xe máy.

Các em học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đến trường trong buổi sớm mai
Các em học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đến trường trong buổi sớm mai

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp, phụ trách lớp 5 tại điểm trường chính, kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên trường cười: “Ở đây chưa từng có giáo viên nữ nên mới có chuyện khách nữ đến thăm trường, các em học sinh chào “thày tóc dài” để phân biệt với các “thày tóc ngắn”!

Hơn một nửa giáo viên của trường là người Thái, người Kinh, do vậy, để dạy học hiệu quả hơn, các thầy phải học thêm tiếng bản địa
Hơn một nửa giáo viên của trường là người Thái, người Kinh, do vậy, để dạy học hiệu quả hơn, các thầy phải học thêm tiếng bản địa

Trường có 46 giáo viên nam, 6 giáo viên mới, có người mới về trường được 2 tuần. 378 học sinh chia làm 29 lớp ở 6 điểm trường, 100% là người Mông, nhiều em còn chưa biết nói tiếng phổ thông. Các thầy vừa là thầy, vừa là cha, vừa là mẹ, uốn nắn, nhẫn nại với đàn con thơ.

Chỉ có gần 1 nửa giáo viên của trường là người bản địa, còn lại là giáo viên người Kinh, người Thái ở nơi khác đến. Ngoài rèn luyện, trau dồi chuyên môn các thầy phải học thêm tiếng bản địa. Để các em có thể tiếp thu được bài học, có những khi thầy phải dạy “song ngữ” Việt – Mông.

Thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4: Khó khăn nhiều lắm nhưng chúng tôi xác định bằng trách nhiệm, bằng tình thương, bằng tâm huyết của mình không để học sinh nào trong độ tuổi phải nghỉ học
Thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4: "Khó khăn nhiều lắm nhưng chúng tôi xác định bằng trách nhiệm, bằng tình thương, bằng tâm huyết của mình không để học sinh nào trong độ tuổi phải nghỉ học"

“Gia đình các em còn khó khăn lắm, cho con đến trường đã là một cố gắng rất lớn rồi. Sách vở, bút giấy được nhà nước hỗ trợ, thiếu cái nào thì các thầy kêu gọi, vận động các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp. Từ việc dạy dỗ, uốn nắn đến cắt tóc, rửa mặt, cắt móng tay… đều do các thầy đảm trách hết. Dù là đàn ông nhưng ai cũng thành thạo và khéo léo không thua chị em đâu”, thầy Hiệp cho biết thêm.

Những đứa trẻ ăn cơm chưa đủ no, quần áo chưa đủ mặc nhưng đã đến trường là vào quy củ, ngoan ngoãn ngồi vào lớp, chăm chú nghe thầy dạy bài. Những ngón tay đen đúa cầm phấn, cầm bút, cẩn thận đưa từng nét chữ, nhoẻn cười thật tươi mỗi khi thầy giáo lại gần động viên.

Với những em học trò người Mông đòi hỏi người thầy phải cực kỳ nhẫn nại và tâm huyết
Với những em học trò người Mông đòi hỏi người thầy phải cực kỳ nhẫn nại và tâm huyết

Đi học đối với các em không chỉ là việc có thêm con chữ mà có thêm cả quần áo mới, những món đồ chơi, những chiếc kẹo hay hộp sữa các thầy xin từ dưới xuôi lên.

“Người dân ở đây đều nghèo lắm, không phải phụ huynh nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành đâu. Vào sau kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè hay vào mùa rẫy, vẫn có tình trạng học sinh nghỉ học đấy. Các thầy phải về bản, vào tận rẫy để vận động đưa học sinh ra trường.

Không chỉ dạy chữ, các thầy còn kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để các em có điều kiện đến trường tốt hơn
Không chỉ dạy chữ, các thầy còn kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để các em có điều kiện đến trường tốt hơn

Không phải đi 1 lần, 2 lần là được đâu, có khi phải đi cả 5-6 lần mới “kéo” được học sinh. Khó khăn nhiều lắm nhưng chúng tôi xác định bằng trách nhiệm, bằng tình thương, bằng tâm huyết của mình không để học sinh nào trong độ tuổi phải nghỉ học”, thầy Lang Văn Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Món quà lớn nhất là trò không bỏ học giữa chừng

Ở đây chưa có sóng điện thoại, nhiều điểm trường chưa có sóng vô tuyến. Thỉnh thoảng, có việc cần phải liên lạc ra ngoài xã, các thầy phải trèo lên đỉnh núi cao nhất hứng “sóng rớt” phập phù. Có khi đang gọi, sóng mất, cuộc nói chuyện cũng đành lỡ dở.

Ngoài giờ dạy, các thầy phải ra suối xúc cá hay vào rừng hái măng để cải thiện bữa ăn
Ngoài giờ dạy, các thầy phải ra suối xúc cá hay vào rừng hái măng để cải thiện bữa ăn

Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, nói không buồn thì dối lòng. Các thầy cũng là con người, có vợ con, mang trên vai trọng trách của trụ cột trong gia đình. Nhưng ở đây giao thông cách trở, thông tin liên lạc bị gián đoạn, nhiều khi nhà có việc gấp hay con ốm, bố mẹ đau yếu cũng không thể giúp được gì. Gánh nặng lo toan trong gia đình đều dồn lên vai vợ.

46 thầy giáo, quá nửa là đang còn rất trẻ, có người còn chưa lập gia đình. Có những đêm lên cơn sốt, thèm lắm một bàn tay dịu mát đặt vào trán... Khi mặt trời ló dạng qua đỉnh núi, gạt những nỗi buồn riêng tư, các thầy lại lên lớp, dồn tâm huyết vào từng bài giảng, vào các em học sinh.

Măng rừng là nguồn thực phẩm chủ yếu của các thầy giáo, nhất là vào mùa mưa, không thể về nhà để lấy thực phẩm dự trữ
Măng rừng là nguồn thực phẩm chủ yếu của các thầy giáo, nhất là vào mùa mưa, không thể về nhà để lấy thực phẩm dự trữ

Lang Việt Hùng – giáo viên mới về trường được đúng 2 tuần. 2 tuần chưa đủ để Hùng nếm trải những gian nan, vất vả mà những đồng nghiệp đi trước đã trải qua. Đêm đầu tiên ở trường, 2 anh em nằm trên chiếc giường cũ trong căn phòng nhà công vụ vỏn vẹn chưa đầy 10m2, trong ánh tù mù của chiếc đèn pin, trong mùi ngai ngái của sương rừng len qua liếp gỗ, chàng giáo viên trẻ đã phải cắn bầm cả môi để không bật khóc.

“Ở đây anh em sống với nhau chân tình như người trong một nhà. Vui niềm vui của nhau, buồn nỗi buồn của nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bảo ban nhau nên em cũng dần quen với công việc, với nếp sinh hoạt mới và thấy yêu công việc, yêu học trò nhiều hơn”, Hùng tâm sự.

Các thầy giáo tự nấu nướng bằng nguồn thực phẩm dự trữ hay cải thiện được
Các thầy giáo tự nấu nướng bằng nguồn thực phẩm dự trữ hay cải thiện được

Ở đây không có chợ nên lương thực, thực phẩm phải đưa từ ngoài vào. Điện không có, cũng không có cách gì bảo quản nên cũng không dám đưa nhiều. Thành thử chỉ có ngày đầu tuần các thầy còn được bữa tươi. Ai có gì góp vào bếp ăn tập thể ăn chung. Tuần nào trời mưa, không ra được các thầy phải tự cải thiện bữa ăn.

Rời bục giảng, các thầy giáo dao dắt bên hông vào rừng hái măng hay xuống suối, ra ruộng bắt cá. Bữa ăn nhiều hôm chỉ có ít con cá sông nấu canh chua, măng luộc chấm muối, ít lá rau tàu bay và sự đùm bọc, sẻ chia của đồng nghiệp.

Các thầy giáo quây quần quanh mâm cơm. Sự sẻ chia của đồng nghiệp giúp họ vượt qua những phút chông chênh trong cuộc sống
Các thầy giáo quây quần quanh mâm cơm. Sự sẻ chia của đồng nghiệp giúp họ vượt qua những phút "chông chênh" trong cuộc sống

Với họ, cũng chẳng bao giờ có khái niệm ngày lễ, Tết hay 20/11 nên những món quà cũng trở thành xa xỉ. Cũng có lúc chạnh lòng lắm chứ nhưng xác định là giáo viên cắm bản vùng khó nên chẳng ai bận lòng nhiều. “Niềm vui với chúng tôi đơn giản lắm, chỉ cần các em đến lớp đều đặn, không có em nào phải nghỉ học vì nhà nghèo”, thầy giáo Lữ Văn Sơn tâm sự.

Với những cống hiến không mệt mỏi, tháng 9 vừa qua, các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã giành chiến thắng ngoạn mục tại hạng mục “Nhật vật của năm” trong chương trình VTV Awards – 2017 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Hoàng Lam

(Còn nữa)