Bộ GD&ĐT yêu cầu “siết” dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô sau vụ học sinh Gateway tử vong

(Dân trí) - Gần đây xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT vừa có công văn đến các địa phương, yêu cầu “siết” chặt quy trình này.

Sau vụ học sinh Trường tiểu học Gatewway tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các trường học trên toàn quốc “siết” dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô.

Theo công văn này, hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động đưa đón và sự an toàn của học sinh.

Cụ thể, công văn nêu rõ, thời gian qua, dịch vụ đưa đón trẻ em mầm non và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông đi học bằng ô tô, khá phát triển trong cả nước.

Tuy nhiên, gần đây xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ này tại một số địa phương, như xe không đảm bảo chất lượng, chưa đủ tiêu chuẩn, chưa đúng quy trình khi đưa đón.

Cá biệt, có trường hợp bỏ quên học sinh nhiều giờ trên ô tô dẫn đến tử vong, gây lo lắng bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ GDĐT yêu cầu “siết” dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô sau vụ học sinh Gateway tử vong - 1

Mới đây, một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Gatewway tử vong nghi do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón.

Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn cho học sinh khi được đưa đón bằng ô tô của nhà trường tổ chức, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập huấn kĩ năng an toàn giao thông cho cho giáo viên, học sinh.

Trong đó, lưu ý về kĩ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống khi không có người trợ giúp.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thông có dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đủ điều kiện theo quy định. Lái xe đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, có đạo đức tốt, giao tiếp ứng xử văn hoá với phụ huynh và học sinh, nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn giao thông.

Các cơ sở giáo dục cần xây dựng và thực hiện đúng quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị dịch vụ và gia đình học sinh.

Khi kí kết hợp đồng vận chuyển, cần xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về sức khoẻ, an toàn tính mạng cho học sinh.

Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm, đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kĩ năng về an toàn giao thông để tham gia đưa đón học sinh bằng ô tô.

Giáo viên này phải kiểm tra danh sách học sinh, bảo đảm trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh sinh thực hiện các quy định an toàn khi ngồi trên xe, khi lên xuống xe, bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp.

Về trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, phải quản lý học sinh, thông báo cho gia đình ngay nếu học sinh vắng mặt không lí do.

Hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của nhà trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình, học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh.

Công văn nêu rõ: “Các đơn vị cần thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của giáo viên và nhân viên đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh của cha mẹ học sinh về chất lượng dịch vụ đưa đón học sinh, kịp thời thông báo để cha mẹ học sinh biết và giám sát.

Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng phương án tổ chức giao thông quanh trường học, nhất là cổng trường để đảm bảo an toàn cho học sinh”.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở GTVT và các cơ quan trên địa nàn nhằm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng vận chuyển với các cơ sở giáo dục và đơn vị có dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Trước 30/9/2019, các đơn vị phải báo cáo về Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai, thực hiện.

Mỹ Hà