TS Nguyễn Khánh Trung:

4 điểm cần bổ sung cho Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể

(Dân trí) - “Phải ghi nhận sự tiến bộ của Dự thảo chương trình tổng thể lần này, chứng tỏ các tác giả biên soạn đã thực sự học hỏi các nước phát triển. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn quá nhiều sự níu kéo của quá khứ trong tư duy và cách làm” -TS Nguyễn Khánh Trung cho biết trong bài viết tâm huyết gửi riêng cho Dân trí.

Trước hết, phải ghi nhận sự tiến bộ của Dự thảo chương trình tổng thể lần này so với những lần trước đây theo hướng hiện đại về cơ cấu nội dung, cách thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và cách thức đánh giá trong giáo dục phổ thông.

Các tác giả biên soạn đã thực sự học hỏi tinh thần, cách làm của các nước phát triển, các sáng kiến và định hướng của Unesco. Điều này chứng tỏ một phần qua các tài liệu tham khảo, đặc biệt là các tài liệu tham khảo liên quan đến giáo dục Phần Lan (tuy chưa được phong phú lắm).

Tuy nhiên, sự tiến bộ nói trên theo tôi, chưa đủ "căn bản và toàn diện". Vì lợi ích chung của đất nước, vì chất lượng nguồn nhân lực tương lai của quốc gia, và vì tương lai của mỗi một con em chúng ta, tôi tha thiết đề nghị bổ sung những điểm sau:

Giáo dục tư duy phản biện (esprit critique, critical thinking).

Tại các nước phát triển như Phần Lan, Pháp, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia, nó được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục.

Tinh thần phản biện (hay tư duy phê phán) không chỉ là chuyện luôn nói "phản" lại những gì có sẵn. Đứng trước một động cơ, nếu học sinh không có óc phản biện thì sẽ đơn giản biết và chấp nhận động cơ đó vận hành như thế, không muốn tò mò, đặt câu hỏi hay tìm hiểu về nó, nhưng một học sinh có tinh thần phản biện sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi trên nguyên lý vận hành và muốn khám phá…


Đọc toàn bộ Dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm tinh thần phản biện- TS Nguyễn Khánh Trung nhận xét. (ảnh minh họa)

"Đọc toàn bộ Dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm "tinh thần phản biện"- TS Nguyễn Khánh Trung nhận xét. (ảnh minh họa)

Óc phản biện trước hết là trí tò mò muốn học hỏi, là trạng thái cởi mở của trí óc; là sự tư duy độc lập, là biết nghi ngờ với những khẳng định đã có; là khả năng phân định những gì đã biết chắc chắn, những gì cần đặt câu hỏi, những gì bản thân hoàn toàn chưa biết gì; ý thức về sự cần thiết bổ sung cho thực tại, thái độ chấp nhận mình có thể sai và thất bại; và sau cùng là thái độ lắng nghe ý kiến của người khác.

Do đó, giáo dục tinh thần phản biện phải được nhấn mạnh hàng đầu, bởi lẽ đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến, các sáng tạo. Đó là năng lực tối cần để học sinh có thể tự khai phóng và tự phát triển bản thân, đạt được sự tự chủ về mặt trí tuệ và khả năng nghiên cứu, khả năng tự học hỏi mà Dự thảo đã đề cập.

Nó đặc biệt quan trọng trong xã hội thông tin của thời hiện đại, nơi tràn ngập các thông tin tốt xấu lẫn lộn, là năng lực cơ bản làm nên chất lượng của con người trong thế giới hôm nay mà chất lượng con người lại làm nên sự phát triển và sự thịnh vượng của quốc gia.

Đọc toàn bộ Dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm "tinh thần phản biện", trong khi đây là từ khóa chính trong chương trình giáo dục của các nước phát triển, và nếu như vậy thì chúng ta vẫn luôn mãi đi sau họ rất xa trên con đường tiến đến một xã hội văn minh và thịnh vượng.

Vậy nên tôi đề nghị nên đưa giáo dục tinh thần phản biện này vào trong thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, và nhấn mạnh nó như là những năng lực cốt lõi làm nên chất lượng của sản phẩm đào tạo, làm nền tảng cho mọi nội dung, công đoạn và hành động giảng dạy - học tập trong nhà trường.


Đọc toàn bộ Dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm tinh thần phản biện- TS Nguyễn Khánh Trung nhận xét. (ảnh minh họa)

"Đọc toàn bộ Dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm "tinh thần phản biện"- TS Nguyễn Khánh Trung nhận xét. (ảnh minh họa)

Đẩy mạnh giáo dục cá nhân hóa và khác biệt phân hóa (différenciation).

Các nghiên cứu và các suy tư triết học đã khẳng định rằng, mỗi một cá thể con người ngay từ trong bụng mẹ đã là một chủ thể duy biệt, có một năng khiếu, khuynh hướng riêng, thiên về một loại hình thông minh nào đó trong nhiều loại hình thông minh.

Vậy nên, một nền giáo dục chất lượng là nền giáo dục tìm cách phát triển tối đa những khả năng được thiên nhiên cài cắm sẵn trong một một con người. Do vậy, Phần Lan đang đẩy mạnh giáo dục cá nhân hóa, khác biệt hóa trong phương thức giảng dạy của họ bằng những chương trình giáo dục hỗ trợ dành cho hầu hết tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Giáo dục Pháp và một số quốc gia khác cũng đang cải cách theo hướng này.

Áp dụng phương thức này cũng là một cách giải quyết dứt điểm tệ nạn dạy thêm học thêm tràn lan lâu nay, bởi lẽ, khi nhà trường, các giáo viên nhận trách nhiệm "bao" học sinh trong chuyện học hành theo cách của từng em thông qua các hình thức hỗ trợ cá nhân học sinh, thì các phụ huynh sẽ hết nhu cầu gửi con đi học từ bên ngoài, và các giáo viên cũng không dám dạy "nửa vời" để rủ rê học sinh học bên ngoài với mình như vẫn hay xảy ra lâu nay.

Tôi thấy đây là một tiếp cận đúng xét về mọi mặt, nhưng rất tiếc trong Dự thảo không làm nổi bật và cụ thể được điều này.

Cần phân quyền mạnh mẽ hơn cho các giáo viên, hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục địa phương.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều sự tiến bộ nhưng vẫn còn quá nhiều sự níu kéo của quá khứ trong cách tư duy và cách làm.

"Tôi nghĩ, việc chúng ta đang thảo luận liên quan đến Dự thảo chương trình giáo dục hôm này là hết sức hệ trọng, nó sẽ quyết định tương lai của con cháu chúng ta - các thế hệ người Việt trong tương lai. Điều này liên quan đến số phận của cả quốc gia,nên tôi mong các tác giả trong ban soạn thảo hãy dành thời gian đủ dài và thực tâm tiếp nhận hết các đóng góp ý đến từ dân chúng để chúng ta có một công trình chung chất lượng phù hợp với xu thế của thời đại nhất. Đó cũng là cách tốt nhất để tạo ra sự đồng thuận xã hội, tạo thuận lợi cho việc thực thi dự án". (TS. Nguyễn Khánh Trung)

Tiếp cận giáo dục khác biệt hóa nói trên kéo theo nhu cầu cần phân quyền trong cách tổ chức và quản lý, bởi lẽ nhà trường không thể giáo dục con người tự chủ, phát triển tối đa từng học sinh theo cách riêng của từng em, nếu giáo viên và nhà trường không có tự chủ, không được tôn trọng và đối xử như những chủ thể duy biệt.

Việc phân quyền và trách nhiệm đủ rộng và rõ ràng cho các chủ thể bên dưới sẽ kích thích sáng tạo, đóng góp phong phú từ các chủ thể trong hệ thống giáo dục, nhất là các giáo viên. Một quốc gia mạnh là một quốc gia biết làm làm cho từng công dân của mình phát huy tối đa sức mạnh của mình và biết gom tất cả những điều này làm thành vốn quốc gia.

Cái làm nên sự thành công của hệ thống giáo dục phổ thông Phần Lan là yếu tố giáo viên, nhưng chất lược đó không phải được đánh giá thông qua các hình thức kiểm soát, đánh giá từ bên ngoài kiểu «đạt chuẩn » như trong Dự thảo nói tới. Người Phần Lan đầu tư rất mạnh vào chất lượng của giáo viên trong quá trình tuyển lựa đầu vào và quá trình đạo tạo, nhưng khi đã tuyển họ vào trường học, thì họ được tôn trọng, có tự do và quyền hạn trong công việc… đây là bài học quý với chúng ta là những người đi sau.

Người Thầy phải là chủ thể chủ động trong nghề nghiệp, có năng lực chuyên môn vững, có tinh thần phản biện, có sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương trẻ và tinh thần phục vụ con người, những điều vốn khó có thể cân đo đong đếm bằng những con số định lượng.

Phương pháp học và cao hơn nữa là phương pháp nghiên cứu tự bản thân chúng là một khoa học. (Ảnh minh họa)
"Phương pháp học và cao hơn nữa là phương pháp nghiên cứu tự bản thân chúng là một khoa học". (Ảnh minh họa)

Giáo dục phương pháp học và nghiên cứu

Tùy theo từng độ tuổi để đưa các nội dung liên quan đến phương pháp vào chương trình bên cạnh giáo dục tư duy phản biện như đã nói. Phương pháp học và cao hơn nữa là phương pháp nghiên cứu tự bản thân chúng là một khoa học.

Đa số người đi học tại Việt Nam thường chỉ chú trọng đến học kiến thức mà không chú trọng đến học phương pháp, trong khi bản chất của sự học phải là học phương pháp. Học sinh nên học biết làm thế nào để có các kiến thức hơn là chỉ học bản thân của kiến thức đó. Hơn nữa được trang bị vững về phương pháp, các em mới có phương tiện để tự học và học suốt đời.

Đó là giáo dục văn hóa đọc (đọc cũng cần có phương pháp), phương pháp thẩm định chọn lựa, trích dẫn các tài liệu; phương pháp tổ chức triển khai một đề tài khoa học cá nhân hay nhóm phù hợp với lứa tuổi; phương pháp ghi chép, tổ chức lưu trữ tài liệu; phương pháp tổ chức cuộc sống học tập ở nhà cũng như ở trường; phương pháp nhận diện típ học và loại hình thông minh của bản thân...

Dự thảo đã đưa ra "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo" nhưng trong nội dung của phần này, lại thấy chủ yếu đề cập đến các hoạt động do Đoàn - Hội tổ chức bên trong hoặc bên ngoài trường học, không thấy nhấn mạnh đến các hoạt động để giúp học sinh làm quen và tập tành nghiên cứu.

Con tôi đang học ở Pháp, ngay từ tiểu học, các cháu đã được chia nhóm, chọn đề tài làm nghiên cứu, chẳng hạn các cháu có thể chọn tìm hiểu về nghệ thuật của điêu khắc, chọn quan sát đời sống của một loại động thực vật nào đó trong thế giới tự nhiên...

Cứ 5 tuần, các phụ huynh lại được mời đến tham quan kết quả nghiên cứu của các học sinh được trình bày trong các lớp học. Các nhà "khoa học nhí" sẽ giới thiệu sản phẩm của nhóm mình và các phương pháp nghiên cứu, quan sát được sử dụng...

Tóm lại, theo tôi, tinh thần phản biện, phương pháp học tập, nghiên cứu, và sự phân quyền như tôi đã trình bày là những năng lực, những phương tiện và điều kiện cần thiết giúp học sinh tự khai phóng bản thân, tự học tập và tự phát triển. Chúng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của một nền giáo dục nói riêng và sự thành bại của một quốc gia nói chung.

TS Nguyễn Khánh Trung

(Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED)