Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục: Đừng dính bệnh thành tích

(Dân trí) - "Toàn ngành cần giữ "kim chỉ nam", xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phải tránh hình thức và đừng dính bệnh thành tích”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đã nhấn mạnh chỉ đạo như trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là Chương trình) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 12/10.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục: Đừng dính bệnh thành tích - 1

Thứ trưởng Lê Hải An: "Xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phải tránh thành tích và đừng dính bệnh thành tích"

Hội nghị ghi nhận những thành quả của các cấp ngành GD & ĐT ở cả nước, nhất là ở những địa phương có nhiều trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã vượt khó để hướng tới hoàn thành cao nhất mục tiêu của Chương trình.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục: Đừng dính bệnh thành tích - 2
Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Lê Hải An trao bằng khen biểu dương các tập thể xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục

Bên cạnh đó, các đại biểu dự Hội nghị cũng góp ý về những tồn tại, hạn chế nhìn thấy qua thực tiễn thực hiện Chương trình. Đáng chú ý, so với mục tiêu Chương trình đến năm 2020, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 5 về tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia còn cách khá xa. Mục tiêu đề ra  đến năm 2020, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 5 là 80%, nhưng hiện mới có hơn 52% xã đạt tiêu chí này.

Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục: Đừng dính bệnh thành tích - 3
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia để được công nhận xã nông thôn mới (hơn 52%) còn cách khá xa mục tiêu đến năm 2020 (80%) - Ảnh minh hoạ: Xã miền núi ở tỉnh Đắk Nông

Nguyên nhân được cho là do việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở cả nước và 7 vùng đều chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra; Các quy định về chuẩn cơ sở vật chất còn chung chung dẫn đến việc đo lường, đánh giá còn hạn chế, nhiều địa phương còn “nợ” tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học khi xét công nhận xã nông thôn mới.

Chủ trì và ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Lê Hải An đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ngành cơ sở căn cứ vào thực tiễn của từng địa phương để xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, ưu tiên công tác tham mưu nguồn lực cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình. 

Đại diện lãnh đạo Bộ GD & ĐT đồng thời giao Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình ở Bộ tiếp thu góp ý của các cấp cơ sở, nhất là những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thực hiện chương trình. Từ đó, hoàn thiện hệ thống văn bản về các quy định, tiêu chí, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ngành cơ sở phối hợp và tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện và đạt mục tiêu Chương trình.

Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh yêu cầu: "Mọi nỗ lực đều hướng tới hoàn thành chương trình mục tiêu của quốc gia, song toàn ngành cần giữ "kim chỉ nam": Xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phải tránh hình thức và đừng dính bệnh thành tích” 

Thông tin từ Bộ GD & ĐT cho biết, cả nước hiện có hơn 52% xã đạt tiêu chí số 5 về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn thuộc lĩnh vực giáo dục (tăng gần 40% so với năm 2010).

Tuy nhiên, 

Đối với tiêu chí số 14 về tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập GD mầm non, tiểu học và tỷ lệ học sinh THCS học tiếp trung học, kết quả thực hiện như sau: Từ tháng 12/ 2018, cả nước có gần như 100% xã đạt chuẩn phổ cập GD mầm non. Năm 2019, gần 96% xã đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học ở mức độ cao nhất. Việc thực hiện phổ cập GD trung học cơ sở, động viên học tiếp trung học đang được củng cố và từng bước nâng cao chất lượng.

Khánh Hiền