Viết cho em cuối mùa thi

Tôi gặp em vào mùa tuyển sinh năm nay, khi tôi đi coi thi còn em là thí sinh. Em khiến tôi chú ý không chỉ vì lớn tuổi nhất phòng (sinh năm 1982, trong khi thí sinh đúng tuổi sinh năm 1988) mà còn vì nước da sạm đen mưa nắng, gương mặt khắc khổ của người sớm vất vả mưu sinh.

Nhìn bàn tay gân guốc, thô mộc của em cầm viết một cách khó nhọc mà tôi thương đứt ruột. Trông em không có vẻ gì giống với những thí sinh có “thâm niên” làm thân chủ cho những trung tâm luyện thi đại học. Tôi nghi em đi học trễ nhiều năm. Nhưng không, bằng tốt nghiệp THPT của em cấp năm 2001, nghĩa là đến năm nay em đã dự thi đại học đến lần thứ sáu!

 

Hôm ấy em thi môn cuối cùng. Em chỉ làm bài trong 60 phút đầu tiên, viết kín hai mặt giấy rồi ngồi thừ ra đến hết giờ chứ không về sớm. Khi nộp bài, em thẫn thờ, thất vọng, tủi thân. Em không khóc nhưng tôi chưa từng thấy gương mặt nào buồn bã như thế ở chốn trường thi.

 

Tôi muốn nói với em nhiều lắm. Tôi biết đường đến trường thi của em chông gai hơn những thí sinh khác. Quê em ở một tỉnh miền Trung cát cháy. Nỗi nhọc nhằn của nghề nông hằn sâu trên gương mặt sớm già trước tuổi của em. Em học không giỏi. Bằng tốt nghiệp loại trung bình và những gì em thể hiện trong buổi thi hôm ấy chứng minh điều đó.

 

Dù rất mến phục ý chí và lòng nhẫn nại của em, tôi vẫn muốn khuyên em tạm gác lại giấc mơ đại học. Ngành em thi có hệ số chọi vào hàng top. Sáu lần rồi, chưa đủ thử sức sao em? Em hãy tỉnh táo mà tìm những định hướng tốt hơn cho tương lai.

 

Tôi không hề có ý là đại học chỉ dành cho những người có điều kiện thuận lợi. Cánh cửa giảng đường rộng mở cho tất cả những ai xứng đáng. Sự trì chí của em xứng đáng nhận điểm 10, nhưng chúng ta còn cần những điều khác nữa em à.

 

Thành đạt và hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của tất cả chúng ta. Vào đại học chỉ là một trong những phương tiện để đạt được mục tiêu ấy. Vậy nếu em đi bằng một con đường khác nhưng vẫn thành công thì việc có bằng đại học hay không đâu còn quan trọng.

 

Khi cuộc sống đỡ chật vật, em có thể trở lại với giấc mơ đại học qua những loại hình đào tạo phong phú. Con đường vòng này dẫu khá dài so với con đường thẳng nhưng khả thi hơn nhiều đúng không em?

 

Theo Thuỷ Nguyệt

Tuổi Trẻ