TPHCM:

Vì sao tiền bán trú của học sinh ở quận 1 cao hơn 6 lần huyện Cần Giờ?

Hoàng Chung

(Dân trí) - Tiền bán trú ở quận 1 thu 500.000 đồng/học sinh/tháng, trong khi TP Thủ Đức chỉ thu 200.000 - 350.000 đồng, quận 4 thu 160.000 - 170.000 đồng, Cần Giờ thu 80.000 đồng...

Chênh lệch lớn giữa các khu vực

Cùng một nội dung thu nhưng tại các quận huyện ở TPHCM lại có sự chênh lệch lớn, có nơi chênh đến hơn 6 lần - đây là nội dung được đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đặt ra tại buổi làm việc tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) ngày 21/3.

Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, đã nêu ra số liệu tổng hợp các khoản thu dịch vụ tại các trường mầm non công lập theo quận huyện. Số liệu này cho thấy những chênh lệch quá xa nhau và đặt ra những câu hỏi cần được giải đáp, cần truyền thông rõ cho phụ huynh hiểu.

Ông lấy ví dụ, tiền tổ chức phục vụ bán trú nơi thu cao nhất là quận 1 với 500.000 đồng/học sinh/tháng, trong khi các khu vực khác thấp hơn nhiều: TP Thủ Đức với mức 200.000 - 350.000 đồng, quận 4 với mức 160.000 - 170.000 đồng, quận Phú Nhuận 220.000 - 320.000 đồng, huyện Nhà Bè 130.000 đồng; huyện Cần Giờ chỉ 80.000 đồng… Nhiều khoản thu khác cũng trong tình trạng tương tự.

"Thống kê sơ bộ bước đầu thì thấy rõ ràng trong cùng 1 địa bàn thôi mà các trường chênh lệch nhau rất nhiều. Sở GD&ĐT phải suy nghĩ tới việc quản lý thu chi tài chính các đơn vị, phải kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh… Nếu thu lệch như thế về chuyên môn của ngành giáo dục phải tính toán bởi thêm 1 khoản là thêm 1 gánh nặng cho phụ huynh", ông Bình nói.

Vì sao tiền bán trú của học sinh ở quận 1 cao hơn 6 lần huyện Cần Giờ? - 1
Bảng tổng hợp một số khoản thu chênh lệch giữa các đơn vị (Tổng hợp: Hoàng Chung).

Trả lời Đoàn giám sát, bà Lê Thị Bình - Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 - cho biết, các khoản thu theo đề nghị của các đơn vị phù hợp với tình hình thực tế địa phương và trên cơ sở tham khảo đề xuất của từng đơn vị, đảm bảo hợp lý và phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh từng đơn vị, không cào bằng mức thu.

Lý giải về vấn đề mức thu tại quận 1 cao hơn nhiều quận huyện khác, bà Bình cho rằng, về mặt sĩ số các lớp học ở quận 1 tương đối lý tưởng. Đặc thù của quận trung tâm là trường, phòng học có diện tích nhỏ, sĩ số bình quân bậc tiểu học là 32 học sinh/lớp, bậc THCS là 37 học sinh/lớp, có những trường sĩ số dưới 30. Với sĩ số này, các trường phải tính toán mức thu sao cho đủ chi trả các hoạt động, do đó mức thu ở quận 1 cao hơn.

Vì sao tiền bán trú của học sinh ở quận 1 cao hơn 6 lần huyện Cần Giờ? - 2
Bà Lê Thị Bình - Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Chung).

Tương tự, tiền vệ sinh bán trú, theo quy định, mỗi trường chỉ có 1 phục vụ như vậy không thể đảm đương được điều kiện vệ sinh nên phải thuê thêm và phải thu thêm để lấy tiền chi trả lương cho những trường hợp như vậy.

"Chúng tôi đề ra mức tối đa còn tùy vào từng trường, số học sinh tham gia hoạt động sẽ có mức thu cụ thể. Trường đông thì mức thu sẽ có thể thấp hơn. Đối với những trường hợp học sinh khó khăn, nhà trường cũng vận động nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân nhằm giúp đỡ các em", bà Bình cho hay.

Quản lý việc thu chi từ các lớp

Báo cáo về các khoản thu chi, ông Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình - cho biết, từ năm học 2019 - 2020 đến nay, việc thu chi hàng tháng nhà trường thực hiện gửi thông báo cụ thể tới từng phụ huynh. Nhiều năm nay, nhà trường không thu quỹ phụ huynh.

"Với hoạt động hỗ trợ, tài trợ sẽ thực hiện "chìa khóa trao tay", tức phụ huynh trang bị và bàn giao cho nhà trường sử dụng chứ không nhận tiền trực tiếp", ông Huệ chia sẻ.

Tuy nhiên, qua trao đổi với phụ huynh, Đoàn giám sát được biết một số lớp có tổ chức thu từ cấp lớp để thực hiện các hoạt động.

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh, quận 1 và các nhà trường cần tìm hiểu thực tế triển khai khi báo cáo có khoảng 50% các trường không thu quỹ cha mẹ học sinh cấp trường. Nếu thu ở lớp thì đó là hình thức mới. Các đơn vị cần nắm bắt để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Cần thực hiện đúng và phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để tạo điều kiện cho học sinh được học tập, để các em phát triển tốt nhất về trí tuệ, thể chất, tinh thần và hội nhập quốc tế.

Về các quy định, cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các đơn vị tham mưu phải thực hiện rà soát, chấn chỉnh, đánh giá sát thực tế các văn bản, phải triển khai sớm, nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo.

"Cha mẹ học sinh rất đồng thuận với xã hội hóa giáo dục, đồng thuận với việc có thêm một số nguồn thu, tuy nhiên, không lạm thu. Cơ sở vật chất, hoạt động nào có thể duy trì thì nên tận dụng, đừng để lạm thu", ông Bình nói.

Vì sao tiền bán trú của học sinh ở quận 1 cao hơn 6 lần huyện Cần Giờ? - 3

Đoàn giám sát làm việc tại Trường Tiểu học Hòa Bình (Ảnh: Hoàng Chung).

Đại diện Đoàn giám sát cũng đồng tình với ngành giáo dục thành phố sắp tới sẽ đồng bộ, tính toán, đánh giá tác động của toàn thể các trường tại TPHCM về các khoản thu, mức thu để đưa ra 1 quy chuẩn chung. Trong đó, từ thực tế của quận 1 thì ngoài mặt bằng của trường, khu vực nội thành, ngoại thành cần quan tâm tới các yếu tố khác như sĩ số lớp, học sinh và điều kiện tham gia giảng dạy.

Ông cũng nhấn mạnh cần quan tâm chính sách cho những giáo viên thu nhập thấp, giáo viên bộ môn không thể tăng tiết, giáo viên dạy 2 buổi chương trình phổ thông 2018 … toàn diện để không phải tâm tư giữa khu vực này, khu vực kia, môn này môn kia để toàn tâm cho công tác dạy và học.

Trước đó, ngày 6/3, UBND TPHCM có tờ trình gửi Thường trực HĐND TPHCM đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2023 - 2024 (dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 7).

Theo tờ trình, nguyên tắc tổ chức các khoản thu tại nghị quyết là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tiễn của cơ sở giáo dục và nhu cầu của phụ huynh học sinh, cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết.

Các cơ sở giáo dục chủ động tính toán các khoản thu dựa trên dự toán thu - chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ và sử dụng các khoản thu đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu - chi của từng khoản thu đến phụ huynh học sinh trước khi tổ chức thực hiện.

Điểm mới là từ năm học 2024 - 2025 trở đi, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng có điều chỉnh tăng thì cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh được thỏa thuận tăng mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục nhưng không vượt quá 7,5%/năm và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp.