Tự chủ đại học nửa vời và một tuần 7 vụ bạo lực học đường nghiêm trọng

(Dân trí) - Các trường đại học được thí điểm tự chủ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc tự chủ đại học vẫn được cho là nửa vời và đi ngược với xu hướng thế giới. Ngoài ra, trong tuần cũng xảy ra 7 vụ bạo lực học đường nghiêm trọng được phản ánh trên báo Dân trí.

Chủ tịch nước đặt ra 5 nội dung cho ĐH Kinh tế TP HCM

Sáng 27/10, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Đến dự lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tập thể trường thực hiện 5 nội dung để xứng với vị thế là một trung tâm nghiên cứu đào tạo hàng đầu của đất nước.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác tuyển sinh, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập; bảo đảm mở rộng quy mô đào tạo gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, sau ĐH; chú trọng gắn kết học tập kiến thức cơ bản với thực tiễn kinh tế xã hội và năng lực, kỹ năng thực hành, phát huy tính tích cực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm và công bố quốc tế. Xây dựng nhà trường thành trung tâm nghiên cứu khoa học về kinh tế, quản trị kinh doanh và luật học có chất lượng cao mang tầm khu vực và thế giới...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị 5 vấn đề mà trường ĐH Kinh tế TPHCM cần thực hiện
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị 5 vấn đề mà trường ĐH Kinh tế TPHCM cần thực hiện

Thứ ba, đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý coi đây là lực lượng nóng cốt quyết định chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường… Chú trọng mời các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và các trường ĐH danh tiếng trên thế giới đến báo cáo về các chuyên đề phát triển kinh tế xã hội… góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, sinh viên trường.

Thứ tư, coi trọng công tác quản lý giáo dục, rèn luyện định hướng lý tưởng, sống đẹp về lòng yêu nước để sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng…

Thứ năm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà trường, xây dựng đảng bộ nhà trường thật sự trong sạch, vững mạnh…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tạo điều kiện tối đa để học sinh vùng lũ trở lại lớp

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa đi kiểm tra khảo sát tình hình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với ngành giáo dục của các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, khảo sát tại các trường THCS Trung Giang (Huyện Gio Linh, Quảng Trị), Trường tiểu học Đại Phong (Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Phòng GD Hương Khê, Hà Tĩnh và Sở GD Nghệ An, Sở GD Thừa Thiên Huế. Bộ GD&ĐT đã trao tặng gần 1,5 tỷ đồng cho ngành giáo dục các tỉnh miền Trung và sách vở, cặp sách và đồ dùng học tập. Đoàn cũng đã đến viếng em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh) bị lũ cuốn trôi.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 Trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) không may thiệt mạng trong đợt bão lũ vừa qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Ngọc Hào, học sinh lớp 9 Trường THCS Gia Minh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) không may thiệt mạng trong đợt bão lũ vừa qua.

Chia sẻ với thầy và trò các trường chịu thiệt hại do mưa lũ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi xin chia sẻ với nỗi đau của ngành GD và gia đình các em bị mất trong lũ. Tôi cũng rất chia sẻ với khó khăn của ngành giáo dục Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị.

Chuyến đi lần này của đoàn công tác nhằm khảo sát, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra với ngành giáo dục địa phương. Chúng tôi cũng làm việc với lãnh đạo các địa phương, dù khó khăn đến mấy cũng không để học sinh phải bỏ học và để thầy cô rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Cần sửa đổi luật giáo dục đại học

Trước nhận xét việc tự chủ đại học vẫn được cho là nửa vời và đi ngược với xu hướng thế giới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo đó, bỏ quy định phân tầng đại học. Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”. Chuyển đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước: Từ cơ chế phân bổ theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo các tiêu chí đầu ra.

Hàng chục trường trả lại tiền thu sai

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, hàng chục trường học trên địa bàn thành phố đã trả lại một số khoản thu sai quy định cho phụ huynh học sinh mà các trường đã tổ chức thu trái quy định từ đầu năm học.

Cụ thể, tại Thông báo số 513/TB-UBND, ngày 14/10 kết luận hội nghị chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các trường đã thu những khoản thu trái quy định phải hoàn trả lại cho cha mẹ học sinh chậm nhất vào ngày 20/10.

Một tuần, 7 vụ bạo lực học đường

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, cố 7 vụ bạo lực học đường đã được phản ánh trên báo Dân trí.

Tại TP HCM: Ngày 28/10, một clip kéo dài khoảng 2,5 phút xuất hiện trên mạng quay lại cảnh hai cô gái trẻ hành hạ dã man một bạn gái và bắt liếm chân.

Sự việc xác định xảy ra tại Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM). Bước đầu công an đã xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do ghen tuông tình cảm đồng giới. Có 14 thiếu niên nam, nữ (có người giám hộ) liên quan đến clip đã được triệu tập để làm việc.

Nữ sinh bị đánh dã man và bắt liếm chân ở TP Hồ Chí Minh (ảnh từ clip)
Nữ sinh bị đánh dã man và bắt liếm chân ở TP Hồ Chí Minh (ảnh từ clip)

Thanh Hóa: Liên quan đến việc thầy giáo Nguyễn Qúy Cầu hành hung em N.H.T. (học sinh lớp 8A, Trường trung học cơ sở Quảng Đông, TP Thanh Hóa) khiến em bị thương phải sơ cứu tại trạm y tế xã, Công an xã Quảng Đông cho biết đã phạt hành chính thầy Cầu 2 triệu đồng. Nguyên nhân là do em N.H.T. trong lúc chơi đùa đã ném chai nước từ tầng 2 xuống sân trường không may suýt trúng người thầy.

Hải Dương: Một nam sinh lớp 7, Trường THCS Minh Tân bị đánh đập dã man và tè bậy trước mặt vì thiếu 5 nghìn đồng nộp cho một nhóm học sinh lớp 11 (khác trường) ăn sáng.

Theo hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân, nhóm đánh nam sinh đều là học sinh lớp 7A của trường do bị 2 học sinh lớp 11 của trường khác ép buộc. Dự kiến, nhóm nam sinh đánh bạn sẽ bị đình chỉ học có thời hạn.

Thừa thiên Huế: Chiều 26/10, bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết ra quyết định kỷ luật đối với thầy Lâm Minh Hào, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/1 Trường Tiểu học - THCS Bến Ván (xã Lộc Bổn).
Theo đó, thầy giáo Lâm Minh Hào chịu mức kỷ luật “cảnh cáo” vì đã có hành vi đánh 6 em học sinh tím đùi do các em giành ghế ngồi nên bị gãy.

6 học sinh bị thầy giáo đánh tím đùi ở TT Huế
6 học sinh bị thầy giáo đánh tím đùi ở TT Huế

Thái Bình: Một thầy giáo thuộc Trường THCS Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bị 3 thanh niên xông vào trường đánh vì cho rằng, thầy nợ tiền lô đề. Người bị hành hung là thầy Bùi Đình Nhưng, giáo viên dạy Ngữ Văn Trường THCS Vũ Tiến. Theo trình bày, thầy Tiến cho hay, mình không hề nợ ai.

Quảng Trị: Ngày 24/10, cảnh hai nữ sinh đánh nhau, kéo lê trên nền đất đã được đăng tải trên mạng xã hội. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác minh vụ hai nữ sinh đánh bạn trong clip là có thật, xảy ra giữa hai học sinh lớp 9 hiện đang học tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Trà Vinh: Một clip ghi lại cảnh giáo viên giang tay tát một bé mầm non cũng được đăng tải khiến nhiều người phẫn nộ. Sự việc xảy ra tại Trường Mầm non thị trấn Cầu Kè (khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Người đánh mạnh vào miệng một đứa trẻ là cô giáo Nguyễn Thị Trúc L. (SN 1979). Còn em bé bị hành hung là cháu Thạch Ngọc Phương T. (con của một giáo viên cùng trường). Bước đầu cô giáo này đã bị đình chỉ công tác.

Mỹ Hà (tổng hợp)