Trẻ khủng hoảng tinh thần vì muôn vàn lý do, không riêng học tập
(Dân trí) - Liên tiếp những vụ học sinh khủng hoảng tinh thần khiến nhiều người bàng hoàng, dư luận trách mắng nền giáo dục thành tích nhưng công bằng mà nói, liệu áp lực trên có phải hoàn toàn do học tập?
Đồng ý áp lực học tập là áp lực phổ biến nhưng không nên quy chụp nó cho mọi trường hợp, nhất là khi chưa hiểu rõ sự tình. Việc bàn luận, suy diễn về bất cứ nguyên nhân nào một cách thái quá cũng làm tổn thương thêm gia đình của đứa trẻ có hành vi tự kết thúc cuộc sống.
Điểm số không phải mục tiêu cuối cùng của giáo dục
Vừa qua, nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đã bàng hoàng, chấn động khi đọc thông tin về cậu học trò trường chuyên tự tử. Tuy nhiên, chúng ta không khoét sâu thêm vào nỗi đau và sự bất hạnh quá lớn mà bản thân cháu bé và gia đình cháu phải gánh chịu nhưng nhiều người tự hỏi, làm thế nào để những sự việc tương tự không lặp lại dưới các mái nhà?
Làm thế nào để trẻ con không phải chịu những tổn thương tâm lý, những áp lực vô hình đè nặng lên cuộc sống? Làm thế nào để trẻ biết cách kiểm soát cảm xúc, giải phóng cảm xúc và tìm thấy cách giải quyết tích cực trong các tình huống xảy ra?
Thầy Đinh Đức Hiền, một giáo viên ở Hà Nội tâm sự, sau những gì tràn ngập trên mạng xã hội, thầy giáo này nghĩ lại những việc mình đang làm, đó là lên tiếng vì sự minh bạch trong các kỳ thi.
"Mục tiêu của mỗi đứa trẻ là điểm 9,10 hay là sự trưởng thành, hạnh phúc và tốt lên mỗi ngày? Phụ huynh sẽ hạnh phúc với các điểm số của các con hay sự công bằng giữa các kỳ thi ấy? Tại sao phụ huynh chỉ nhìn vào điểm số mà không nhìn thấy cả quá trình con nỗ lực?
Tôi cũng đã từng dạy với mục tiêu điểm số là duy nhất, nhưng sau đó chợt nhận ra, đó không phải mục tiêu lớn nhất của giáo dục, không phải mục tiêu duy nhất của con người", thầy Hiền nói.
Nhiều nhà giáo cũng cho rằng, đã đến lúc, dù rất muộn, ngành giáo dục phải thay đổi cách tuyển sinh, cách đánh giá năng lực học sinh. Nếu chạy theo điểm số, sẽ là cuộc chạy đua "bằng mọi giá" gây áp lực từ mọi phía.
Mới đây, chị Nguyệt Nga, một độc giả ở Hà Nội chia sẻ, năm con gái của anh tôi 16 tuổi, con nhắn tin: "Cô ơi con muốn kết thúc cuộc đời".
Theo chị Nga, nếu nói áp lực học tập thì không phải bởi gia đình chị rất thoải mái. Nếu vì thiếu tình yêu thương lại hoàn toàn không, vì cháu được nâng niu như một viên ngọc.
"Sau khi hỏi han, cháu bảo tôi: Vì con thấy buồn buồn! Liệu tâm trạng 'buồn buồn' có phải là sự biến đổi tâm lý của tuổi teen mà cha mẹ cần đón nhận và để ý để cùng con vượt qua"?, chị Nga băn khoăn.
Trẻ khủng hoảng tinh thần, không phải lỗi hoàn toàn do học tập
Đồng tình với góc nhìn của chị Nga, thầy Vũ Khắc Ngọc ở Hà Nội cho rằng, đồng ý áp lực học tập là áp lực phổ biến nhưng không nên quy chụp nó cho mọi trường hợp, nhất là khi chưa hiểu rõ sự tình. Việc bàn luận, suy diễn về bất cứ nguyên nhân nào một cách thái quá cũng làm tổn thương thêm gia đình của đứa trẻ.
"Tôi đã đọc được vô số các bài viết trên Facebook chửi bới nền giáo dục, phụ huynh, áp lực học tập, thành tích, ....
Đồng ý rằng "áp lực học tập" là một thứ áp lực phổ biến nhưng không nên quy chụp nó cho mọi trường hợp, nhất là khi ta không hiểu rõ sự tình của một trường hợp cụ thể", thầy Ngọc chia sẻ.
Cũng theo thầy Ngọc, thực tế qua nhiều năm dạy học và tư vấn cho trẻ, anh thấy các em học sinh có thể bị khủng hoảng tâm lý, thậm chí dẫn tới trầm cảm và muốn tự tử vì rất nhiều lý do: Áp lực học tập nặng nề kéo dài; hoặc bị bạn bè trêu chọc, bạo hành nghiêm trọng kéo dài; hoặc bố mẹ mâu thuẫn, đánh, chửi nhau kéo dài; mâu thuẫn trong tình bạn, tình yêu kéo dài ...
Đặc điểm chung của những trường hợp này là sự việc kéo dài liên tục, nặng nề, nghiêm trọng và trẻ có cảm giác "bất lực" trong việc giải quyết những vấn đề đó. Cảm giác không được ai lắng nghe, hoặc nghe nhưng không ai hiểu, ... khiến trẻ dần thu mình lại với những cảm xúc tiêu cực và sự tích tụ ngày càng lớn.
Trong điều kiện bình thường, bản thân học sinh tuổi teen vốn đã có những rối loạn về cảm xúc, tâm lý và hành vi, rối loạn trọng việc định vị bản thân mình là ai, điều gì là đúng/sai, điều gì là quan trọng/không quan trọng nên đã dễ có những cảm xúc bùng nổ bất chợt và hành vi bộc phát.
Ở tuổi này, phụ huynh cũng rất khó giao tiếp cởi mở với con, cảm thấy khó hiểu về con. Con có xu hướng trao đổi, chia sẻ với bạn bè, thầy cô nhiều hơn. Đặc biệt thời gian qua, dịch Covid-19 càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn đó. Công việc, sự nghiệp kinh doanh, tài chính của bố mẹ có thể bị ảnh hưởng; sự lo lắng về dịch bệnh, sức khỏe, ... có thể dẫn tới bố mẹ dễ nổi nóng, cáu gắt với trẻ.
Thế nhưng trẻ bị mất kết nối trực tiếp với thầy cô, bạn bè, nhà trường, ... vì trường học đóng cửa nên không có cơ hội để giải tỏa những năng lượng xấu, những cảm xúc tiêu cực vào những mối bận tâm khác. Đây thực sự mới là vấn đề!
Trong bối cảnh bức bối như vậy, bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể khiến trẻ con suy nghĩ và hành động tiêu cực, chứ không riêng áp lực học tập.
"Không có công thức chung nào cho tất cả mọi trường hợp. Chúng ta không thể khuyên bố mẹ hãy kệ cho con chơi, không phải học hành gì nhưng cũng không thể suốt ngày gây áp lực cho con.
Suy cho cùng, mỗi đứa trẻ là một cá thể với những đặc điểm riêng biệt mà bố mẹ phải cố gắng hiểu để ứng xử phù hợp, đúng cách", thầy Ngọc nói.