Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu:

"Tôi chỉ là người đá quả bóng đã được đặt trước khung thành"

(Dân trí) - “Tôi lớn lên bằng cơm độn, rau khoai luộc và mắm tôm trên đường chạy giặc”, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu thường hay nói về tuổi thơ của mình như vậy. Bây giờ, khi đã vào tuổi gần cổ lai hy, ông vẫn ngày đêm miệt mài với công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn những học trò của mình.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh năm 1938 tại Thị xã Hà Đông trong một gia đình tri thức cách mạng. Bố ông là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ trước Cách mạng tháng Tám và khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ làm Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà. Năm tháng tuổi thơ của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu gắn liền với những cuộc tản cư tưởng như kéo dài bất tận. Hình ảnh người mẹ gánh hai đứa em trong hai cái thúng và theo sau lóc nhóc một lũ trẻ thơ đã in đọng trong tâm trí cậu bé Hiệu…

 

Chúng tôi vừa có có cuộc trò chuyện khá dài với Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu:

 

Lớn lên trên đường chạy giặc

 

Nghe nói ông có một tuổi thơ đầy gian nan, vất vả với những cuộc tản cư triền miên. Với những khó khăn như vậy, bằng cách nào để ông theo học?

 

Tôi sinh ra trong gia đình có 7 anh em. Năm lên 8 tuổi, tôi đã cùng với gia đình phải đi tản cư chạy giặc. Pháp đánh đến đâu thì chạy theo tới đó. Đến bây giờ, tôi không hiểu tại sao ngay từ những ngày đầu độc lập nhưng ở đâu ta cũng có trường, có lớp. Rồi tình cảm của người dân những vùng đất gia đình tôi đã đi qua. Phải nói một cách đúng mức, chúng tôi sống được là nhờ tấm lòng của bà con đồng bào những nơi mình đến. Họ đã nhường cơm, sẻ áo và đùm bọc chúng tôi rất nhiều. Đến bây giờ, tôi cũng không lý giải tại sao ngày ấy nhân dân mình lại tin tưởng đến như vậy vào cách mạng. Nhà cửa để lại, gia tài để lại, cứ đi không có điểm dừng và cũng không biết ngày nào quay lại. Thế nhưng lòng vẫn tin chắc chắn kháng chiến sẽ thắng lợi, sẽ có ngày về.

 

Và đã nhiều lần ông phải bỏ học?

 

Đúng là ngày đó, việc học hành của tôi không được suôn sẻ.  Năm 1948, tôi thi tuyển vào tiểu học ở Hà Đông nhưng do nhà xa, neo người, tôi đành phải bỏ dở. Năm 1949, gia đình tôi phải tản cư vào Thanh Hoá, tôi tiếp tục theo học trung học ở đây. Thời kỳ đó, gia cảnh nhà tôi rất khó khăn. Bố tôi đi công tác liên miên hàng tháng không về một lần. Mẹ tôi một nách nuôi 7 anh em nên là con trai cả, tôi phải làm rất nhiều nghề như dệt kim, dệt bít tất, bấc đèn, áo sợi... để mẹ tôi đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Năm 1952, đang học dở dang lớp 7 thì một lần nữa, tôi lại nghỉ học để giúp mẹ nuôi nấng các em.

 

Hầu hết những người thành đạt đều có ấn tượng rất sâu nặng về những năm tháng tuổi thơ. Ông có phải là một ngoại lệ?

 

Tôi nghĩ rằng không. Những ngày đẹp nhất, cần đến ý chí con người nhất của tôi cũng là những năm tháng tuổi thơ. Nhưng ấn tượng để lại trong tôi sâu nặng nhất, buồn nhất là những ngày phải nghỉ học vì trong đời tôi chỉ có một niềm say mê duy nhất và lớn nhất là được đi học. Nhiều hôm đi làm, nhớ trường, nhớ lớp, tôi không cầm được nước mắt. Thấy tôi ham học, các thầy thương lắm. Lần nghỉ học vào năm 1952, thầy Phạm Quốc Dũng đã đến tận nhà tôi động viên, bảo trường cũng khó khăn nhưng sẽ giảm học phí và cấp thêm học bổng để tôi có thể đến trường. Vì thế, tôi lại được đi học. Sau, mẹ tôi nhắc mãi chuyện này với tấm lòng biết ơn, cảm phục các thầy.

 

Rất may cho tôi là đúng khi học xong cấp II, Thanh Hoá thành lập trường cấp III Đào Đức Thông (sau sáp nhập với trường Lam Sơn) và đúng vào dịp chiến thắng Điện Biên Phủ thì tôi học xong trung học.

 

(Ông chìa cho tôi bàn tay bị mất một đốt nói như trầm ngâm): Đây là kỷ niệm những ngày vào rừng lấy lá sim về nhuộm sợi. Tôi lớn lên trên đường chạy giặc, học hành tại những trường tản cư. Tôi không thể quên được những bữa cơm độn một hạt gạo cõng mấy lát khoai khô và nồi cơm hết nhẵn khi hãy còn nóng hôi hổi.

 

Có thể nói, ở nước ta cũng hiếm ai gặt hái được những thành công như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Năm 26 tuổi (1964) là Tiến sĩ khoa học Liên Xô, 30 tuổi (1968) là Giáo sư Đại học Lômônôxốp, năm 44 tuổi (1982) là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, năm 46 tuổi (1984) là Viện sĩ Viện hàn lâm Cộng hoà dân chủ Đức và Viện sĩ Viện hàn lâm Thế giới thứ Ba.

 

Năm 1986, với công trình khoa học nổi tiếng “Quy luật về các tính chất của các quá trình sinh nhiều hạt ở năng lượng cao”, ông cùng với 5 nhà khoa học lớn khác đã được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Lê nin. Về con đường chính trị, ông cũng là người thành đạt. Năm 44 tuổi, là Uỷ viên Trung ương Đảng, năm 45 tuổi, là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, 6 khoá liền là Đại biểu Quốc hội.

 

Từ năm 1993 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học quốc gia.

Tôi là sản phẩm của tinh thần vô sản thế giới

 

Có người nói sự nghiệp của một thiên tài gồm 99% mồ hôi và 1% tài năng. Tỉ lệ này ở ông là bao nhiêu? ?

 

Tôi không phải là tài năng mà chỉ là nhờ vào sự may mắn và tính cần cù, chăm chỉ. Kỳ thi vào Đại học Sư phạm, điểm của tôi thấp do phải thi cùng với những người học hệ 12 năm ở Hà Nội. Đứng trước tôi khi đó có tới hàng chục người. Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, nhờ nỗ lực phấn đấu, tôi đã đứng thứ nhì sau ông Vũ Thanh Khiết (Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục sau này). Do học 2 năm 3 lớp, nên năm 1956 chúng tôi đã tốt nghiệp đại học. Vào thời điểm đó, hàng loạt các trường đại học được mở ra nên đến 1/3 số sinh viên khoá chúng tôi được giữ lại làm giảng viên.

 

Có người nói không có Liên Xô sẽ không có Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ông thấy ý kiến này có xác đáng?

 

Tôi nghĩ rằng đây là ý kiến rất chính xác. Ngày đó, các nước xã hội chủ nghĩa chủ trương xây dựng một Viện nghiên cứu khoa học chung. Nói là chung nhưng thực chất, hầu hết là do Liên Xô và của Liên Xô. Năm 1960, Nhà nước Việt Nam cử tôi sang Liên Xô nghiên cứu ở Viện này. Cũng nói là nghiên cứu nhưng thực chất là đào tạo vì chúng ta chưa có bộ môn này nên chẳng mấy ai hiểu gì về nó. Tại đây, may mắn là tôi đã có được môi trường nghiên cứu tuyệt vời với những người thầy tuyệt vời. Phải nói thẳng, những thành công của tôi trên con đường khoa học là nhờ Nhà nước Liên Xô và những người thầy Xô viết lỗi lạc. Tôi như tờ giấy trắng được các hoạ sĩ tài năng vẽ lên.

 

Thưa Viện sĩ, có thể những điều trên là do ông khiêm tốn còn thực chất, những công trình của ông đã được cả thế giới công nhận?

 

Không phải là tôi khiêm tốn mà là sự thật. Tôi chỉ là người đá quả bóng đã được đặt trước khung thành. Những nhà khoa học Liên Xô khi đó là những người lỗi lạc nhất thế giới. Trước đó, đã có bao nhiêu nhà khoa học, những công nhân lành nghề đổ công sức để làm nên cỗ máy và cỗ máy đó được giao cho 5 người chúng tôi sử dụng, điều hành.

 

Liệu ông có quá lời?

 

Không. Tôi là sản phẩm của chủ nghĩa vô sản thế giới và cũng là sự sáng suốt, biết nhìn xa, trông rộng của Đảng ta, Nhà nước ta lúc bấy giờ. Việc cử một thanh niên 22 tuổi sang một trung tâm khoa học lớn nhất thế giới đào tạo là một minh chứng cho cách nhìn đúng đắn, tin tưởng vào lớp trẻ của Đảng và Nhà nước. Chính ý chí của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đó đã “bắn” chúng tôi lên quỹ đạo. Tôi rất mong ý chí đó, cách nhìn xa trông rộng đó ngày một phát triển.

 

Những trăn trở của một nhà khoa học

 

Thưa Viện sĩ, sự thật là chúng ta rất có tiềm năng nhưng lại rất hiếm những nhà khoa học lớn. Điều mà chúng ta thiếu là gì?

 

Đúng là chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Cái mà chúng ta thiếu là ý chí của cá nhân các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và cách tổ chức của những người lãnh đạo. Tôi nghĩ thành công của tôi là nhờ ý chí của những người lãnh đạo khi đó cộng với ý chí của 2 Nhà nước Việt Nam và Liên Xô. Tôi sang Liên Xô không chỉ học về khoa học mà còn học cả về ý chí của người dân Xô Viết.

 

Viện sĩ đánh giá gì về khoa học nguyên tử ở Việt Nam?

 

Rất khó khăn. Sau khi phe XHCN ở Đông Âu tan rã, chúng ta gần như không còn có khả năng phát triển, bởi đây là lĩnh vực rất tốn kém về kinh tế cũng như rất cần sự tập trung cao độ nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực. Đây là điều trước mắt, chúng ta không thể. Tôi vẫn rất trăn trở là làm thế nào để sánh vai với các cường quốc trong lĩnh vực này.

 

Theo Viện sĩ  thì gia đình có vai trò như thế nào đối với thành công của ông?

 

Tôi rất may mắn được sinh ra trong một đại gia đình có truyền thống yêu nước, nên tác động lớn nhất đối với anh em tôi cũng là lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Có lẽ điều đó chính là sức mạnh, là động lực để chúng tôi phấn đấu.

 

Xin cám ơn Viện sĩ!  

 

Bùi Hoàng Tám

(thực hiện)