Thừa hay thiếu nguồn cử tuyển?

(Dân trí) - Theo Thạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Bào hiệu trường trường phổ thông vùng cao Việt Bắc thì, hiện tượng thiếu học sinh dự tuyển là do không thông báo tuyển sinh rộng rãi, số học sinh được giới thiệu đi học không có đối tượng so sánh tuyển chọn, nên chất lượng yếu.

Hệ thống các trường Dân tộc nội trú (DTNT) TW và các tỉnh có nhiều  học sinh khá, giỏi  thì lại ít được cử tuyển, vì nhiều tỉnh cho rằng học sinh các trường DTNT đã được cử đi học Nhà nước nuôi thì không được cử tuyển vào ĐH.

 

Chính vì lẽ đó 60% học sinh các trường DTNT sau khi tốt nghiệp THPT phải về quê không có nghề nghiệp  (có khoảng 3000 học sinh mỗi năm). Qua đó nảy sinh thừa, thiếu nguồn, tuyển giả tạo. Thừa học sinh PTTH DTNT, thiếu cử tuyển ở các huyện, do đó các trường ĐH, CĐ phải nhận những học sinh yếu kém, thậm chí một số trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu. 

 

Một số địa phương chưa phổ biến rộng rãi  chính sách cử tuyển và dự bị đại học, chưa chủ động tạo nguồn. Vì vậy mặc dù chỉ tiêu cử tuyển hàng năm chưa đến 1% tổng chỉ tiêu hệ chính quy  nhưng chưa năm nào thực hiện đủ chỉ tiêu.  Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thao hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên: “Số lượng học sinh thường không đủ chỉ tiêu do các tỉnh không đủ hoặc do học sinh không đến học, có phần do tiêu chuẩn cử tuyển đối  với học sinh  vùng cao, vùng sâu , vùng xa là quá cao”.

 

Do yêu cầu về địa bàn và khu vực, học sinh tốt nghiệp THPT năm nào tuyển sinh năm đó, đồng thời yêu cầu học lực và hạnh kiểm phải đoạt loại khá trở lên. Trong đó tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất ít học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT  hoặc bổ túc và học lực các em đều xếp loại yếu.  Không đủ chỉ tiêu là do công tác cử tuyển hàng năm chậm, thời gian thực hiện chỉ trong vòng 1 tháng. Nhiều địa phương đã không kịp thông báo cho các xã, các em học sinh thuộc địa bàn cử tuyển không nắm được thông tin để làm hồ sơ dự tuyển.  Đơn cử  tỉnh Bình Phước không cử đủ học sinh theo chỉ tiêu đuợc giao. Thậm chí có năm như năm 2000 – 2001 chỉ tiêu giao cử tuyển là 10 em nhưng tỉnh cử được có 2 em.

 

Tiến sĩ Trần Văn Thuật, Vụ trưởng Vụ chính sách  dân tộc UBDT nhận xét : “Việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các địa phương chưa nắm chắc khả năng tạo nguồn, nhiều địa phương thực hiện lúng túng. Công tác liên thông luồng đào tạo  đối với hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh ở một số địa phương chưa được chú trọng”.

 

 

Mai Minh