Thủ tướng: "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải tránh tư tưởng này".

Trên đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, được tổ chức từ ngày 26-27/3 tại Vĩnh Phúc.

Thủ tướng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4 (Ảnh: M.H).

Phong trào khởi nghiệp không ngừng lan tỏa

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, bắt buộc chúng ta phải phát triển từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trên thế giới đã có những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả về quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với những "không gian startup", "vườn ươm khởi nghiệp", các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng.

Do đó, chúng ta phải kiên trì, kiên định, bình tĩnh, sáng suốt trong mọi hoàn cảnh để đổi mới sáng tạo có hiệu quả.

Ở nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, chưa đi vào chiều sâu, tổng thể, thống nhất từ trên xuống dưới, cơ chế chính sách còn một số bất cập.

Thủ tướng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro - 2

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành khai mạc "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ 4" (Ảnh: M.H).

Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ.

Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế, còn khoảng cách, rời rạc, chia cắt, manh mún.

Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên, của từng vùng, miền khác nhau.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi thanh niên là nhân tố hàng đầu, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, các trường… cụ thể hóa đường lối của Đảng thành các chương trình, hành động để triển khai có hiệu quả, thiết thực.

"Tôi rất vui mừng được biết, qua 3 lần tổ chức, "Ngày hội Khởi nghiệp" đã thu hút ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên tham gia với nhiều dự án chất lượng ở các lĩnh vực, ngành nghề, các nơi trên khắp đất nước.

Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa; các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án ngày càng tăng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn và thuận lợi trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào.

Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

Thủ tướng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro - 3

Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thăm các gian hàng tại ngày hội (Ảnh: M.H).

Khởi nghiệp phải biết chấp nhận rủi ro

Tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, có tính chiến lược, nhưng không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu, chắc đến đó và phải tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ, liên thông, và cũng phải xác định không thể tránh khỏi rủi ro.

Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.

Phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.

Nhân diễn đàn này, Thủ tướng lưu ý 6 nội dung.  Một là, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế.

Thủ tướng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro - 4

Một gian hàng tại ngày hội (Ảnh: M.H).

Mặt khác, sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải hết sức tránh tư tưởng này, như thế mới đổi mới sáng tạo được.

Hai là, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Ba là, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo.

Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành. Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khởi nghiệp, khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ GD-ĐT tập trung thúc đẩy chương trình chuyển đối số trong giáo dục, gắn các hoạt động chuyển đối số với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro - 5

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp (Ảnh: M.H).

Bốn là, tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các bộ các ngành nghiên cứu cơ chế chính sách để có đầu ra cho các sản phẩm, bởi đổi mới sáng tạo thì cuối cùng cũng phải có sản phẩm và mang lại hiệu quả thiết thực.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp; đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB&XH phát triển các chương trình, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo hình thành các Quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học tập.

Sáu là, các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững.