Thủ khoa Đại học Kiểm sát "cầu cứu" vì hình ảnh bị quảng cáo làm bằng giả
(Dân trí) - Hình ảnh của Thủ khoa Trần Ngọc Thảo bị quảng cáo trái phép cho dịch vụ làm giả bằng cấp, chạy quảng cáo công khai khiến những người quan tâm đến cô không khỏi hoang mang.
Sau khi những cái tên hotgirl đình đám bị lợi dụng hình ảnh, đăng tải những thông tin sai lệch hoặc lạm dụng để lừa đảo, mới đây, thủ khoa Đại học Kiểm sát Trần Ngọc Thảo cũng khiến nhiều người không khỏi hoang mang khi cô thông báo mình bị sử dụng hình ảnh trái phép cho dịch vụ làm bằng cấp giả.
Trước tình huống trớ trêu này, Ngọc Thảo buộc phải lên tiếng đính chính: "Mọi người đi qua report bài viết này giúp mình với ạ. Mình không bao giờ nhận quảng cáo như vậy đâu ạ!"
Thực tế, hình ảnh kỷ yếu của Trần Ngọc Thảo trên các trang mạng xã hội đều được để ở chế độ công khai. Đây hầu hết là hình ảnh rất xinh đẹp, rạng rỡ, cùng với việc cô là Thủ khoa của Đại học Kiểm sát 2021, sở hữu bảng thành tích "dài cả trang A4" nên thường xuyên bị các đơn vị khác lấy hình ảnh về sử dụng một cách vô tội vạ. Phản ứng của Ngọc Thảo đã nhận được sự đồng cảm từ cư dân mạng.
Liên hệ với Ngọc Thảo, cô bày tỏ: "Đối với mình, vấn đề hình ảnh cá nhân của một người bị sử dụng trái phép đã trở thành vấn nạn, diễn ra thường xuyên và liên tục ở các mức độ khác nhau.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh đã được ghi nhận tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ những trường hợp liên quan đến lợi ích công cộng theo luật định.
Hiện tượng này diễn ra phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: cơ chế pháp luật còn lỏng lẻo; sự bùng nổ của các trang mạng xã hội; cơ chế quản lý của cơ quan có thẩm quyền; người bị sử dụng hình ảnh trái phép thường chủ quan, bỏ qua mà không truy cứu đến cùng; sự bất chấp của người sử dụng hình ảnh....
Việc sử dụng hình ảnh trái phép này có thể dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường như: xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của người bị lấy hình ảnh; lợi dụng hình ảnh, uy tín người đó để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; một số trường hợp liên quan đến vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ..."
Luật sư Đào Tiến Thịnh cho biết: "Theo Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, Điều 341 quy định: người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Người bị sử dụng hình ảnh trái phép có thể: yêu cầu cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình gỡ bỏ những hình ảnh đó hoặc tiến hành gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, Tòa án sẽ ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép đó có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải tố giác ngay đến các cơ quan có thẩm quyền tố tụng để được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật hình sự".
Được biết, hiện nay Ngọc Thảo đã trở về quê nhà Bạc Liêu, và làm công việc tại một văn phòng Luật. Việc bị sử dụng hình ảnh trái phép như thế này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và uy tín của nữ thủ khoa nhưng cô vẫn đưa ra cảnh báo để tránh trường hợp các đơn vị này lợi dụng hình ảnh của mình để lừa đảo, trục lợi.