Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển người khuyết tật (NKT) làm việc nhưng đầu vào không đáp ứng yêu cầu, NKT thiếu kỹ năng nghề. Trong khi đó, NKT lại rất ít đến các trường học nghề.

Thiếu NKT có tay nghề nhưng ít người đi học nghề

Chương trình Bồi dưỡng giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong GDNN do Chính phủ Australia hỗ trợ, thông qua Chương trình Aus4Skills, được thực hiện bởi TAFE Nam Úc và DRD Việt Nam. Chương trình được thực hiện nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo bình đẳng cho tất cả mọi người, góp phần giải quyết tình trạng người khuyết tật thiếu khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Sau 2 năm triển khai, chương trình bồi dưỡng giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổng kết vào ngày 31/5. Tại hội nghị tổng kết, 31 giảng viên đến từ 14 cơ sở GDNN và đại diện 3 Hội NKT lớn tại Việt Nam (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội) đã cùng thảo luận về những vướng mắc lớn của công tác dạy nghề cho NKT.

Theo đại diện các trường nghề, về cơ sở vật chất, các trường mới xây dựng đều tuân thủ theo các quy chuẩn đảm bảo cho NKT tiếp cận, nhận thức của giảng viên và sinh viên đã tiến bộ rất nhiều, nhà trường có nhiều hoạt động giúp sinh viên khuyết tật hòa nhập, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ NKT học nghề… Tuy nhiên, điều quan trọng là rất ít NKT đi học nghề.

Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề - 1

Đại diện các cơ sở GDNN tham dự nhiều hội thảo bàn về công tác dạy nghề cho NKT trong 2 năm qua (Ảnh: BTC).

Chia sẻ tại hội nghị, cô Mai Thị Thủy - giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II - cho biết, Trường Kỹ nghệ II là cơ quan trực thuộc Bộ Lao động - Thương  binh & Xã hội, chuyên đào tạo nghề cho các thương binh nên rất có kinh nghiệm dạy nghề cho NKT. Tuy nhiên, đến nay thì sinh viên khuyết tật tại trường cũng rất hiếm.

Ông Nguyễn Văn Cử - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD) - cho hay: "Doanh nghiệp (DN) đặt vấn đề tuyển dụng NKT rất nhiều nhưng mình kiếm không ra người để cung cấp cho họ. NKT muốn làm thì đầu vào không đạt yêu cầu vì không có tay nghề, kỹ năng làm việc".

Đại diện trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chia sẻ, một công ty cảng biển lớn từng gửi công văn sang trường đề nghị giới thiệu các sinh viên khuyết tật ngành logistics đến làm việc. Nhưng tại trường không có một sinh viên khuyết tật nào để giới thiệu.

Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề - 2

Nhiều DN muốn tuyển dụng NKT nhưng không tìm được người làm, có người thì kỹ năng không đạt yêu cầu (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).

Phát biểu tại hội nghị, ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM, cho biết: "Theo một cuộc khảo sát gần đây, 93% NKT ở Việt Nam không được giáo dục nghề nghiệp chính thức. 68% NKT trên 15 tuổi hiện không có việc làm. Việc chưa thể thu hút NKT tham gia thị trường lao động và phát huy hết tiềm năng của họ khiến Việt Nam mất đi khoảng 3% GDP".

Cần truyền thông tốt hơn cho NKT

Trong quá trình tập huấn, các đơn vị tham gia chương trình chia thành 6 nhóm và thực hiện nhiều hoạt động như tuyên truyền thay đổi nhận thức cho giảng viên và sinh viên, nghiên cứu những nghề phù hợp với NKT và những vị trí công việc mà NKT có thể làm tại DN, những kỹ năng cần thiết để làm một vị trí công việc cụ thể tại DN, thiết kế chương trình đào tạo kỹ năng nghề phù hợp cho NKT theo học…

Theo các chuyên gia, khi có kỹ năng, tay nghề phù hợp với vị trí làm việc thì NKT có thể tham gia lao động với năng suất cao, thu nhập tốt không kém người không khuyết tật.

Thế nhưng, các hoạt động này sẽ không đạt hiệu quả nếu đối tượng nhắm đến là NKT không đi học nghề để có kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu công việc của DN.

Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề - 3

Ông Ciaran Chestnutt - Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM - trao chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn cho các học viên (Ảnh: BTC).

Thầy Phan Huy Đức - Trưởng khoa Kinh tế Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TPHCM - đã cùng các thành viên nhóm 6 dày công nghiên cứu, xây dựng chương trình khung giảng dạy nghề sơ cấp mới là Vận hành kho trong nhóm ngành logistics. Chương trình được thiết kế hoàn toàn phù hợp cho mọi người, trong đó có NKT học tập.

Nếu học đạt đủ bộ kỹ năng trong chương trình, NKT hoàn toàn có thể làm việc trong ngành này với mức lương khá cao (500 - 2.000 USD). Nhưng cái khó hiện nay của nhóm là… tìm NKT chịu học nghề này để chứng thực hiệu quả chương trình đào tạo.

Do đó, thầy Phan Huy Đức kiến nghị cần xây dựng một mạng lưới phối hợp, đưa được thông tin đến cho NKT, để họ biết đến những ngành nghề mà họ có thể học tại trường nghề, ra trường có kỹ năng thì có thể làm những công việc thu nhập cao tại DN…

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc DRD đề nghị: "Trước tiên, trong công tác tuyển sinh, các thầy cô cần chủ động dành 3-5 phút giới thiệu đến các em học sinh là trường mình có đào tạo những ngành mà NKT có thể học được, ra trường có thể làm những công việc gì để NKT biết đến".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm