Thiết kế đồ họa - ngành nghề phù hợp xu thế việc làm thời Covid-19
(Dân trí) - Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình làm việc từ xa để tồn tại. Những ngành nghề có thể làm việc từ xa như thiết kế đồ họa lại dễ dàng thích ứng, phù hợp với xu thế này.
Ngành học thu hút người trẻ đam mê sáng tạo
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc tuyển sinh - truyền thông Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, ngành thiết kế đồ họa là một trong những ngành học rất được ưa chuộng, trở thành "sân chơi" để nhiều bạn trẻ phát triển tài năng, bức phá sáng tạo.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng cho biết, rất nhiều học sinh hỏi về ngành này trong các buổi tư vấn hướng nghiệp vì nghĩ làm nghề này sung sướng và thu nhập cao.
Thực tế trong các mùa tuyển sinh gần đây cũng cho thấy tỷ lệ cạnh tranh của ngành thiết kế đồ họa rất cao, thí sinh ứng tuyển luôn cao hơn chỉ tiêu gấp cả chục lần.
Về nhu cầu nhân lực, theo ông Trần Anh Tuấn, khoảng 10 năm gần đây, cơ quan dự báo đều xếp nhóm ngành này vào nhóm thiếu hụt nhân lực, chiếm khoảng 5%-6% trong nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật. Do đó, cơ hội việc làm của ngành này rất lớn và mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung.
Trong khi dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào chấm dứt trên toàn cầu, nhiều người trẻ bắt đầu có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp có thể dễ dàng thích ứng với điều kiện "sống chung với dịch".
Trong xu thế đó, ngành thiết kế đồ họa càng hấp dẫn hơn vì ngành này dễ dàng thích ứng với đặc thù làm việc từ xa, không phải đến văn phòng công ty.
Theo báo cáo thị trường lao động quý 3/2021 của Adecco Việt Nam, bất chấp đại dịch, lĩnh vực công nghệ với các hoạt động kỹ thuật số vẫn dẫn đầu về số lượng nhân sự tuyển dụng.
Cũng theo báo cáo này, đại dịch đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình làm việc từ xa để trụ vững. Trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ như thiết kế đồ họa, Adecco ghi nhận sự gia tăng 100% nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí từ xa.
Theo bà Nguyễn Thu Hà (Adecco Việt Nam), làm việc từ xa là điều hiển nhiên trong tương lai gần.
Vẽ không đẹp có học ngành thiết kế đồ họa được không?
Theo các chuyên gia, ngành thiết kế đồ họa khá kén chọn người học vì người theo ngành này theo ngành này cần có năng khiếu về màu sắc, trí tưởng tượng phong phú...
Tuy nhiên, người học ngành này lại không cần thiết phải có kỹ năng vẽ đẹp bằng tay như họa sĩ, bởi kỹ thuật viên thiết kế đồ họa đều sử dụng các công cụ đồ họa để vẽ trên máy.
Thạc sĩ Võ Công Trí cho biết, công việc thiết kế đồ họa là xây dựng và tạo nên những ý tưởng thông qua việc sử dụng các loại phần mềm hỗ trợ, bằng nhiều hình thức khác nhau như game, website, video, poster, bao bì…
Năng khiếu cần thiết của người học ngành này là sáng tạo hình ảnh, phối hợp màu sắc và sắp xếp bố cục để tạo ra sản phẩm có thể truyền tải thông tin đến người xem một cách bắt mắt, thu hút và dễ hiểu nhất.
Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng: "Điểm quan trọng của người chọn học ngành này là phải có sự sáng tạo. Ngành này là sự kết hợp giữa công nghệ và mỹ thuật ứng dụng, vừa phải giỏi các thao tác kỹ thuật trên máy tính, vừa phải có tư duy sáng tạo".
Theo ông Võ Công Trí, học ngành thiết kế đồ họa ở trình độ cao đẳng, sinh viên được trang bị kiến thức về nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới...
Khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.
Về cơ hội nghề nghiệp, thạc sĩ Võ Công Trí cho rằng: "Thiết kế đồ họa vẫn luôn là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng trong thời đại 4.0 khi truyền thông bằng hình ảnh ngày càng chiếm ưu thế".
Theo ông, sinh viên ngành này có thể làm nhiều vị trí công việc như: Chuyên viên thiết kế; Nhân viên marketing phụ trách thiết kế, quảng cáo; Nhân viên kỹ thuật sản xuất của tòa soạn báo, tạp chí; Kỹ thuật viên xử lý hình ảnh...