Review sản phẩm, định hướng tiêu dùng: Nghề mới của giới trẻ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Những người có ảnh hưởng với cộng đồng trên mạng xã hội có thể kiếm tiền từ nội dung họ sản xuất trên mạng. Hình thức kiếm tiền này đang dần trở thành một nghề phổ biến trong giới trẻ.

Từ KOL chuyển thành KOC

KOL (viết tắt của cụm từ Key Opinion Leader) là những người có sức ảnh hưởng, dẫn dắt dư luận từ kiến thức chuyên môn của mình. Họ thường có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội và những ý kiến của họ tạo được sự đồng tình cao từ các fan (người hâm mộ).

Các thương hiệu thường đặt hàng KOL review (đánh giá) sản phẩm của mình với chi phí không nhỏ. Nhiều KOL có thu nhập rất cao bằng công việc đánh giá sản phẩm này.

Với những KOL làm công việc này một cách chuyên nghiệp, họ chuyển thành các KOC (Key Opinion Consumer) - những người tiêu dùng review và có sức ảnh hưởng lớn về marketing sản phẩm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Từ KOL đến KOC: Tác động xã hội và thương mại" do Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức, hoa hậu Hương Giang cho biết, cô là KOL cho các nhãn hàng từ nhiều năm nay.

Theo Hoa hậu Hương Giang, nói là người hâm mộ thì hơi quá, thật ra đó là một nhóm những người có cùng quan điểm, cái nhìn cuộc sống với mình. Hương Giang có tầm ảnh hưởng trong một nhóm các bà mẹ thích giáo dục con cái, những người phụ nữ biết kiểm soát tâm lý, tự tin với bản thân, độc lập tài chính…

Nhờ tầm ảnh hưởng đó, các nhãn hàng chuyên về bất động sản cao cấp, xe hơi, mỹ phẩm… thường tin tưởng đặt hàng Hương Giang đánh giá sản phẩm của họ trên tinh thần cô cảm nhận thực tế về sản phẩm như thế nào, tìm những khách hàng đồng cảm với những cảm nhận của cô.

Hoa hậu Hương Giang và bạn trẻ nói về nghề KOC

Bà Julie Nguyễn - Giám đốc khu vực Omega Media JSC cho rằng, nghề đánh giá sản phẩm xuất hiện từ văn hóa thần tượng. Với sự phát triển của mạng xã hội, hiện không chỉ diễn viên, người mẫu mới có fan mà cả những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội cũng có lượng fan rất lớn. Họ đều có thể tham gia nghề này và trở thành các KOC chuyên nghiệp.

Bà Đỗ Kim Dung (đồng sáng lập EcoMobi), cho biết, xu hướng chuyển từ KOL thành KOC đã có từ rất lâu. Hình thức mọi người thường thấy nhất là những người hay thực hiện các buổi livestream bán hàng, dẫn dắt hành vi người dùng.

Theo bà Kim Dung, các KOL và KOC là những người thực sự sử dụng sản phẩm và chia sẻ cảm nhận của họ. Họ phải biết cách tạo ra những nội dung chân thật, hấp dẫn về sản phẩm để tạo sự đồng cảm với các fan của mình.

Bà Võ Thị Hoài Nhơn, Giám đốc thương hiệu cấp cao của TIKI cho rằng, không chỉ các KOL có lượng fan lớn mới làm KOC được, mà hầu như bất cứ ai cũng có thể làm. Bởi ai cũng có một lượng người theo dõi nhất định, có mức độ tin tưởng rất cao với họ. Nhóm này là những KOC mà các đơn vị kinh doanh nhiều mặt hàng như TIKI nhắm đến.

9X có thể kiếm tiền từ mạng xã hội

Đồng tình với ý kiến của bà Hoài Nhơn, bạn trẻ Hương Trà cho biết mình vẫn đang làm công việc KOC dù không phải là người nổi tiếng. Theo Hương Trà, KOC là một nghề mà những 9X như bạn có thể lựa chọn và kiếm ra tiền từ nghề này.

Trà cho rằng, công việc định hướng hành vi tiêu dùng trên mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn. Khi những người theo dõi tin tưởng vào một KOL nào đó thì họ sẽ tin theo những nhận định của KOL và có xu hướng lựa chọn sản phẩm theo đánh giá của các KOL.

"KOL, KOC cũng không phải là thần tượng gì cả. Đó là một nghề mới và những người trẻ như em có thể kiếm tiền từ nghề đó. Nếu được định hướng rõ ràng, nhiều bạn trẻ có thể phát triển tốt với nghề này", Hương Trà nhận định.

Review sản phẩm, định hướng tiêu dùng: Nghề mới của giới trẻ - 1

Các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh, các bạn trẻ dễ dàng trở thành KOC và kiếm tiền từ công việc này (Ảnh minh họa: HUTECH).

Theo bà Võ Thị Hoài Nhơn, các nhãn hàng luôn muốn khách hàng nói về sản phẩm của mình; còn các bạn trẻ thì rất thích được nói lên tiếng nói của mình, mong suy nghĩ đó truyền được năng lượng tích cực cho người khác. Đó là cách tiếp thị sản phẩm hoàn toàn tự nhiên.

Mỗi bạn trẻ có thể chỉ có một lượng người theo dõi nhỏ, nhưng bà Hoài Nhơn gọi họ là những Nano KOL, nếu kết nối hàng triệu Nano KOL thì thông điệp họ truyền tải sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng. Kết nối những Nano KOL là hướng đi chuyên nghiệp hóa của nghề này chứ không chỉ dựa vào số lượng ít ỏi các KOL nổi tiếng.

Bà Võ Thị Hoài Nhơn khẳng định, với sự phát triển của mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, chỉ vài năm nữa, KOC sẽ trở thành một nghề thu hút rất đông bạn trẻ tham gia.

Hoa hậu Hương Giang cũng đồng tình. Cô nhận định KOC sẽ rất phát triển trong thời gian ngắn. Nghề này ở Trung Quốc rất phổ biến, phát triển rất mạnh và các KOC làm việc rất chuyên nghiệp.

"Họ có những học viện đào tạo cách livestream ra sao, chốt đơn thế nào… Có những KOC bán hàng một buổi mà doanh thu hàng triệu đô", Hoa hậu Hương Giang chia sẻ.

Theo bà Võ Thị Hoài Nhơn, người tiêu dùng tiếp xúc nhiều với nền tảng nào thì họ dần bị ảnh hưởng bởi nền tảng đó. Trước đây là tivi, sách báo; bây giờ chuyển dần sang google, youtube, facebook… Vai trò quảng bá sản phẩm của các KOC càng quan trọng.

Bà Võ Thị Hoài Nhơn cho rằng, hiện Việt Nam chưa có những nơi đào tạo nghề này chính quy nên người làm nghề phải tự học hỏi, tự thử nghiệm, có thể vấp ngã và tự rút kinh nghiệm cho mình. Đó là khó khăn và cũng là cơ hội cho những người tiên phong.