Bạn đọc viết:
Thi vào lớp 10 trường top: Tôi không muốn con phải gánh "ước mơ" của bố mẹ
(Dân trí) - Giờ tôi rất lo lắng cho tương lai của con. Chỉ sợ con mơ cao rồi mệt mỏi theo đuổi ước mơ. Tôi không muốn con phải gánh những ước mơ của cha mẹ nữa. Con đừng gồng mình quá sức mà khổ.
Năm nay, cậu con trai thứ 2 nhà tôi sắp thi tuyển 10. Những ngày này, con đang chạy nước rút với những kì thi quan trọng. Nhìn con sấp ngửa chạy xô học suốt mà thương quá chừng. Hai vợ chồng tôi đều lo lắng cho sức khỏe của con. Tôi khuyên con thi vào trường cấp 3 gần nhà. Vậy mà, con nhất quyết không nghe. Con vẫn quyết tâm thi vào trường top. Tôi thật sự buồn và lo cho chặng đường phía trước của con.
Lúc trước, tôi từng đau đầu vì cậu con trai này. Cháu ham chơi và chỉ thích các hoạt động phong trào. Hai vợ chồng tôi rất buồn lòng về chuyện học hành của con. Ông xã tôi rất hay la rầy con. Anh lo lắng cho tương lai của cháu.
Vậy mà chẳng hiểu sao năm nay cháu lại chăm chỉ học. Cháu bảo sẽ quyết tâm thi đậu vào trường cấp 3 mà anh Hai đang học. Cháu bảo cháu thích được học ở trường đó. Cháu sẽ quyết tâm thi đậu để đạt được ước mơ của mình.
Thấy con trai có chí, hai vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con chăm chỉ nhưng cũng lo con mơ ước cao quá, sẽ gặp áp lực trong chuyện học hành. Tôi không muốn con lặp lại những áp lực mà cậu con trai đầu lòng trải qua. Vợ chồng tôi từng ân hận vì ép con thi trường điểm. Con mệt mỏi, chúng tôi cũng mệt mỏi theo.
Nhớ năm cậu con trai đầu lòng của tôi chuẩn bị thi vào cấp 3. Ông xã cứ o ép để cháu thi vào một trường điểm cách nhà 10 cây số. Ông xã cho rằng, học trường top nề nếp hơn học trường làng. Vào đó, con sẽ có ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Nhắm cao cũng là để tạo động lực cho con phấn đấu.
Lúc đầu cháu không thích, nhưng dưới sức ép của ba, cháu đành miễn cưỡng nghe theo. Khi con đậu, chúng tôi mừng vui vô cùng. Vậy nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nhìn con gồng mình học ngày, học đêm để theo kịp bạn bè mà tôi thương quá chừng. Chưa kể, trường xa, con đi lại vất vả vô cùng. Nhìn con sụt kí rồi đổ bệnh, ông xã tôi bắt đầu ân hận.
Năm nay, anh không o ép cậu con trai thứ hai nữa. Anh chỉ nhắc con ráng học và thi vào trường con thích. Anh cũng gợi ý con thi vào một trường cấp 3 gần nhà để đi lại cho tiện. Nói chung, ông xã tôi đã thay đổi tư tưởng. Anh mong con luôn được vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.
Vậy nhưng, cậu con trai thứ 2 nhà tôi lại nhất quyết muốn thi vào trường top đầu. Trong khi đó, lực học của cháu không thật sự xuất sắc. Tôi bắt đầu sợ, con sẽ lặp lại y chang áp lực mà cậu con trai đầu đã trải qua. Nhìn con gầy xọp mà tôi rầu lòng. Cứ đà này, tôi sợ cháu sẽ đổ bệnh mất. Tôi thương con và càng không muốn con vất vả quá sức về chuyện học hành chút nào.
Thực tế, ai chẳng mong con cái học hành mình giỏi giang để có một tương lai tươi sáng. Sự thành đạt của các con chính là niềm vui vô bờ bến của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, đến giờ thì tôi hiểu, sức khỏe của con mới là điều quan trọng. Nhìn bé lớn vất vả vô cùng trong chuyện học hành mà tôi ân hận. Giờ tôi chỉ mong sao các con luôn khỏe mạnh và vui tươi trong cuộc sống.
Bản thân tôi từng chứng kiến một cậu bé gần nhà bị trầm cảm vì áp lực chuyện học hành. Cháu thi đậu vào một trường điểm của thành phố. Ba mẹ cháu từng hãnh diện về cháu vô cùng. Lúc nào họ cũng khoe con trên Facebook. Không hiểu sao năm vừa rồi cháu học đuối hẳn. Thế là ba mẹ cháu bắt cháu học thêm suốt.
Cuối cùng, không chịu nổi, cháu đã uống thuốc ngủ tự vẫn. Rất may, ba mẹ cháu phát hiện kịp thời. Bây giờ thì cháu đã ổn và chuyển về học một trường nghề gần nhà. Ba mẹ cháu đã nhận ra cái sai và bắt đầu sửa. Họ tôn trọng mọi ý thích của con, miễn sao con vui và khỏe mạnh là được rồi.
Giờ tôi rất lo lắng cho tương lai của con. Chỉ sợ con mơ cao rồi mệt mỏi theo đuổi ước mơ. Tôi không muốn con phải gánh những ước mơ của cha mẹ nữa. Con đừng gồng mình quá sức mà khổ. Tôi chỉ mong sao, mỗi ngày đến trường của con là một ngày vui thôi.