Người mẹ chia sẻ lý do đồng thuận ký đơn không cho con thi lớp 10
(Dân trí) - Vụ việc ép HS lớp 9 học lực kém không thi vào lớp 10 dường như đã lắng xuống, nhưng rất nhiều phụ huynh Hà Nội vẫn tiếp tục lên tiếng phản ánh với Dân trí về câu chuyện của mình.
Mong mỏi của họ là đơn vị quản lý sẽ sớm có biện pháp để ít nhất các năm tới, sẽ bớt đi những gia đình rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Bắt viết cam kết thi thử Văn trên 7 điểm mới được thi lên lớp 10
Tâm sự với Dân trí, một người mẹ có con đang học lớp 9 tại trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết con trai chị có thành tích học Toán, các môn tự nhiên xếp loại Khá. Tuy nhiên, với hai môn Văn và Tiếng Anh, cháu học không được tốt. Năm lớp 8, cháu vẫn được học sinh tiên tiến, nhưng đến năm nay kết quả kém đi do thời gian dài học online ở nhà.
Bắt đầu từ khi các cháu được đi học trực tiếp trở lại, tức sau Tết 1-2 tuần tới nay, gia đình chị đã có khoảng 10 lần được cô giáo chủ nhiệm mời đến thông báo về tình hình học tập của con và đưa ra khuyên nhủ, mà thực chất là "ép" con thi vào trường dân lập. Mỗi lần, cô đều mời cả gia đình gồm học sinh, cha mẹ cùng đến để định hướng vào trường nghề, trường dân lập, vì "ai cũng làm thầy lấy đâu ra thợ".
"Có khi mới mời lên họp được 2 hôm, lại thấy cô nhắn mời tiếp. Cô khẳng định là con thi chắc chắn không đỗ, hỏng hết cả chỉ tiêu của trường của lớp. Khi tôi nói con em chưa thi thì làm sao biết được cháu không đỗ, cô bảo con chỉ học được môn Toán, nên chắc chắn là không thể", vị phụ huynh tâm sự.
Sau mỗi cuộc họp, về đến nhà, con trai chị lại ỉu xìu: "Hay là cho con đi học dân lập cũng được" khiến chị vừa xót xa, vừa bức xúc.
Khi gia đình kiên quyết giữ mong muốn để cháu được thi vào lớp 10, cô giáo đã yêu cầu làm cam kết: ở tất cả các kỳ thi tới đây như thi thử, môn Văn phải đạt 7 điểm mới được thi lên lớp 10.
"Tôi thấy rất vô lý. Cô không có quyền ép buộc như vậy. Nếu cháu vi phạm kỷ luật, hạnh kiểm yếu kém thì là một nhẽ, nhưng vì cháu học không giỏi 2 môn Văn, Tiếng Anh mà không được thi thì rất tội nghiệp cho cháu. Con có quyền học tập, thi cử, không thể nào không cho cháu thi, bắt viết cam kết như vậy", người mẹ chia sẻ.
Theo chị, hiện tại lớp học của con trai đã có hơn 10 học sinh học lực chưa tốt đồng ý không thi vào lớp 10. Tuy nhiên, gia đình chị vẫn quyết định sẽ cho con đi thi.
Mong muốn lớn nhất của chị là các thầy cô hãy "có tâm" với các con hơn, động viên các cháu cố gắng học thay vì "ép" bỏ thi. Các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng, có giải pháp để dần loại bỏ tình trạng này.
"Không còn gì để mất, nhưng cũng không thể lên tiếng tố cáo trực tiếp"
Một người mẹ khác có con đang học lớp 9 tại một trường THCS tại Hà Nội (xin giấu tên trường) thì tâm sự, chị đã tự viết tay, tự ký vào lá đơn xin cho con không thi lớp 10, chuyển sang trường dân lập. Thế nhưng, đằng sau sự "đồng thuận" ấy là bao nhiêu xót xa, ân hận. Theo người mẹ này, bản thân chị bị ung thư, ly dị chồng, một mình nuôi con trai duy nhất. Dù khó khăn, chị luôn mong con được ăn học tới nơi tới chốn, thành người có ích.
Con chị là một trong những học sinh có thành tích học tập ở top dưới trong lớp. Sau lần thi thử đầu tiên vào lớp 10, cô giáo chủ nhiệm đã mời phụ huynh các bạn điểm dưới trung bình lên họp, thông tin về tình hình "báo động" và định hướng nên cho con vào trường nghề, trường dân lập. Khi thấy vị phụ huynh này "lờ đi", không xin tư liệu về trường nghề, vài ngày sau cô lại gọi cho chị và nói con không thể thi đỗ, gia đình nên xem xét cho con không thi lên cấp ba, vào thẳng trường cao đẳng nghề.
"Khi tôi phản đối, nói vẫn muốn cho con thi, lúc này cô "lật bài ngửa". Cô bảo con em thi 1, 2 điểm thì các chị biết để mặt vào đâu. Cô cũng bảo vấn đề con được tốt nghiệp hay không thì không chỉ dựa vào điểm số, mà còn là hạnh kiểm ở trên lớp do các cô xét nữa. Lúc này, tôi mới hiểu rõ ý của cô", chị tâm sự.
Theo người mẹ, chị thống nhất với gia đình, cô không thể cho con hạnh kiểm trung bình, yếu kém, vì con không vi phạm nội quy như đánh nhau, chửi bậy, hút thuốc lá hay có lỗi lớn về đạo đức. Thế nhưng, vài ngày sau, bà ngoại của cháu bé đến gặp cô và được cho xem rất nhiều bức ảnh chụp cảnh con ngủ gật ở trên lớp hoặc nằm bò ra bàn. Đáng nói, trong suốt quá trình học, cô không nhắc nhở với gia đình, nhưng đến thời điểm này lại "như đã chuẩn bị sẵn".
Mặt khác, con trai khi đi học về cũng tâm sự với chị rằng nhiều lần được cô nhắc nhở về vấn đề không nên thi vào cấp 3 công lập. "Cô không chỉ gây áp lực với phụ huynh mà cũng tạo áp lực cho cháu. Tôi nghĩ con mình đi học mà ở nhà thì mẹ dặn vẫn phải cố để thi, đến lớp thì cô áp lực không cho thi, chắc chắn con sẽ bị giằng co tâm lý. Đã có nhiều trường hợp vì áp lực mà phải tự tử rồi", chị nói.
Cũng theo người mẹ này, con chị được một số bạn học yếu khác trong lớp chia sẻ rằng không thi lớp 10 thì nhà trường vẫn hỗ trợ cho đỗ tốt nghiệp. Từ sự tác động của cô và các bạn, cháu dần sinh tâm lý muốn bỏ thi, bỏ sách vở, buông lơi việc học để không phải ôn thi vất vả nữa.
Vì tất cả những lý do trên, chị quyết định ký đơn cho con vào dân lập dù trong lòng rất ức chế, bức xúc. Sau đó, con trai chị cùng các bạn học yếu khác đồng ý không thi lên cấp 3 đã được xếp ngồi học trong một lớp riêng, không ngồi cùng các bạn sẽ thi vì sợ ảnh hưởng đến các bạn.
Đáng nói, khi những câu chuyện phụ huynh chia sẻ về việc giáo viên ép học sinh học lực yếu không thi vào cấp 3 rầm rộ trên mạng thời gian qua, chị đã thử nhắn tin cho cô để xin rút lại đơn. Thế nhưng, cô từ chối với lý do đã lên điểm xong.
"Tôi nói với cô rằng, nuôi con ăn học 9 năm trời, bây giờ là kỳ thi đầu tiên quan trọng trong cuộc đời của con, nếu con không được thi thì tôi không cam lòng. Cháu đi học thì phải được trải qua các kỳ thi, có thể trượt thì cũng nên được thi. Biết đâu, khi có một chút cơ hội, cháu lại vào được công lập. Thế nhưng, kết quả vẫn là như vậy", chị tâm sự.
Hiện nay, con trai chị cùng các bạn học yếu khác đồng ý không thi lên cấp 3 đã được xếp ngồi học trong một lớp riêng, không ngồi cùng các bạn sẽ thi vì sợ ảnh hưởng đến các bạn. Gia đình cũng đã xin cho con vào trường dân lập, chấp nhận mức học phí lớn hơn nhiều lần.
Theo vị phụ huynh, các cấp lãnh đạo cần có sự xem xét, chỉ đạo để tránh sự việc tương tự.
"Đây là những câu chuyện đã diễn ra nhiều năm, việc "không biết" rất vô lý. Cũng không thể bảo đã đi kiểm tra, đi gặp từng phụ huynh rồi và được xác nhận không có tình trạng ấy. Như tôi là người đã xác định cho con vào dân lập, "không còn gì để mất" nhưng nếu phải lên tiếng trực tiếp thì cũng là không thể, vì học bạ của cháu còn ở đó, giáo viên vẫn nắm "đằng chuôi", sao chúng tôi dám chia sẻ", người mẹ nói.
Chị cũng hy vọng sẽ có thật nhiều thông tin từ truyền thông, mạng xã hội đến phụ huynh về cách xử lý tình huống này, để họ mạnh mẽ hơn, biết làm thế nào đảm bảo quyền lợi cho con.
"Nếu như còn một đứa con nữa, nhất định tôi sẽ chiến đấu bằng được để con được thi, nhưng tôi chỉ có một cháu. Sang năm, tôi chắc chắn sẽ đồng hành cùng những người bạn có con học lớp 8 để giúp đỡ họ", chị chia sẻ.