Tập huấn bài bản cho hơn 3.000 giáo viên chương trình phổ thông mới

Lê Phương

(Dân trí) - Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức khóa tập huấn - bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán ở cấp THCS và THPT.

Tập huấn bài bản cho hơn 3.000 giáo viên chương trình phổ thông mới - 1

Hơn 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 19 tỉnh thành khu vực phía Nam tham gia khóa bồi dưỡng tập huấn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đây là nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT đã giao cho 7 Trường Đại học Sư phạm chủ chốt trong toàn quốc, trong đó có trường ĐH Sư phạm TPHCM với địa bàn phụ trách 19 tỉnh thành khu vực phía Nam từ Cà Mau đến Bình Phước…

Trong đợt bồi dưỡng lần này có sự tham gia của hơn 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán ở cấp THCS và THPT các môn/hoạt động giáo dục. Các giáo viên của các môn học và hoạt động giáo dục đã có 5 ngày học tập trên hệ thống và sẽ tập trung 3 ngày để cùng trao đổi, chia sẻ cũng như giải quyết các vấn đề chuyên sâu cùng với giảng viên sư phạm chủ chốt.

Đây là những người được lựa chọn từ các Sở GD&ĐT theo các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, đây là những học viên hạt nhân rất quan trọng cho từng môn học, hoạt động giáo dục cũng như của ngành giáo dục và đào tạo.

Đội ngũ này cũng sẽ đóng góp cho hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các tỉnh thành khu vực phía Nam cũng như ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.

Khác với những đợt thay sách hay triển khai chương trình giáo dục lần trước, chỉ một số ít giáo viên cốt cán sẽ đi tập huấn và triển khai lại.

Đợt này, với hình thức học tập trực tuyến trước và tiếp tục học tập trực tiếp sau theo mô hình lớp học đảo ngược, học viên cốt cán sẽ đầu tư thời gian để học tập liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối với đồng nghiệp. Cũng chính dữ liệu trên internet là những dữ liệu để học viên cốt cán sẽ hỗ trợ đồng nghiệp và đây là phương thức để tài liệu học tập chính thống được đảm bảo.

Tiếp nối thành công của Mô đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học cho GVPT cốt cán THCS/THPT được tổ chức trung tuần tháng 10/2020 đến hết tháng 11/2020, Mô đun 3: Kiểm tra, đánh giá học sinh THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực được kỳ vọng sẽ đem lại những điều bổ ích, giúp ích một cách thiết thực trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Đây cũng là mối quan tâm rất lớn của đại đa số giáo viên cốt cán khi tham dự khóa tập huấn bồi dưỡng này để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tập huấn bài bản cho hơn 3.000 giáo viên chương trình phổ thông mới - 2

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định "mô thức và phương thức bồi dưỡng này rất phù hợp trong bối cảnh mới".

Những giáo viên cốt cán sau khi được tập huấn sẽ là cánh tay nối dài của giảng viên chủ chốt các trường Sư phạm để hỗ trợ cho đồng nghiệp. Đây là sự chuẩn bị mang tính hệ thống theo mô thức bồi dưỡng hiện đại, tập trung, tiếp nối và lan tỏa ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám Đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết: “Hiệu quả của các khóa bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán từ mô đun 1 đến nay đạt được hiệu quả cao và tính lan tỏa rất lớn.

Sự thành công này có được chúng tôi nghĩ là do sự cố gắng phấn đấu học tập của tất cả các giáo viên, sự hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên sư phạm chủ chốt đến từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và 19 tỉnh/thành phía Nam.

Tôi cho rằng để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc bồi dưỡng giáo viên rất quan trọng. Với hơn 3.000 giáo viên cốt cán THCS và THPT cùng với 3500 giáo viên cốt cán Tiểu học, sẽ nhân rộng ra cho giáo viên đại trà mới có thể triển khai chương trình một cách hiệu quả”.

Tập huấn bài bản cho hơn 3.000 giáo viên chương trình phổ thông mới - 3

Các giáo viên của các môn học và hoạt động giáo dục đã có 5 ngày học tập trên hệ thống và sẽ tập trung 3 ngày để cùng trao đổi, chia sẻ cũng như giải quyết các vấn đề chuyên sâu

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng cho rằng, với sự lựa chọn để hình thành đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, các giảng viên sẽ truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao hệ thống bài giảng trực tuyến cũng như trực tiếp để giáo viên phổ thông cốt cán sẽ tự tin, chuyên sâu nhằm hỗ trợ đồng nghiệp.

“Mô thức củng cố nền tảng tri thức, kĩ năng; định hướng bồi dưỡng lại; tương tác tích cực theo kế hoạch và đồng hành đánh giá cho thấy tầm quan trọng của giảng viên sư phạm chủ chốt cũng như giáo viên sư phạm chủ chốt. Tôi đánh giá cao mô thức bồi dưỡng này và khẳng định rằng phương thức bồi dưỡng này rất phù hợp trong bối cảnh mới cũng như thực tiễn giáo dục và nhất là công tác bồi dưỡng đội ngũ hiện nay”, ông Sơn chia sẻ.