SV ĐH FPT ứng dụng AI làm "giám thị ảo"
(Dân trí) - Phần mềm của nhóm SV ĐH FPT Hà Nội cung cấp giải pháp công nghệ có khả năng dự đoán và phát hiện hành vi gian lận thi cử, đặc biệt phù hợp với các kỳ thi trực tuyến.
Ý tưởng xây dựng một phần mềm hỗ trợ giám sát, dự đoán và phát hiện hành vi gian lận thi cử của Nguyễn Khánh Luân và Phạm Thị Thu Hà (sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính, ĐH FPT) được phát triển từ quá trình nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của nhóm sinh viên này.
Phần mềm sử dụng dữ liệu đầu vào là hình ảnh được thu lại từ các camera laptop/điện thoại của người thi. Sau đó, sử dụng thuật toán và thị giác máy tính để phân tích các biểu cảm gương mặt, hoạt động cơ thể nhằm nhận diện các hành vi bất thường, phần mềm sẽ đưa ra dự đoán về khả năng diễn ra hành vi gian lận. Nếu người đang làm bài thi có những chuyển động "đáng ngờ", phần mềm sẽ hiện thị thông báo về "khả năng gian lận" trên màn hình giám sát và lưu lại trên máy chủ ngay lập tức.
"Thị trường đã có một số phần mềm với mục tiêu tương tự, nhưng hầu hết các sản phẩm này mới chỉ phát hiện hành vi dựa trên phân tích hình ảnh của 1 camera trước mặt, vô tình tạo ra kẽ hở để người làm bài thi gian lận ở những góc quay khác mà camera không thể thu hình", Khánh Luân (thành viên nhóm) chia sẻ. Nhóm sinh viên ĐH FPT đã khắc phục hạn chế đó bằng cách phát triển phần mềm tích hợp cả camera trước và camera quay ngang. Với 2 góc quay này, phần mềm có đủ cơ sở dữ liệu hình ảnh về hành vi của người thi một cách vừa tổng quát, vừa chi tiết, qua đó tối ưu khả năng phát hiện những hành vi gian lận.
Khánh Luân cũng cho biết thêm: "Không bỏ sót bất cứ hành vi lạ nào trong suốt quá trình làm bài thi nhưng cũng không "vơ đũa cả nắm", đưa ra những nhận định, phán đoán sai, có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của sĩ tử cũng như quyết định cuối cùng của các giám thị trông thi là yêu cầu nhóm tự đặt ra với chính mình trong quá trình nghiên cứu, chọn lựa công nghệ để đưa vào sản phẩm này".
Điều khiến nhóm SV ĐH FPT Hà Nội tâm đắc nhất về sản phẩm của mình đó là việc thu thập được bộ dữ liệu hình ảnh đa dạng. Ứng dụng công nghệ AI, với bộ dữ liệu này, nhóm có thể sử dụng để "huấn luyện" phần mềm phán đoán một hành vi có phải là gian lận trong thi cử hay không.
"Nhóm mình đã phải chia nhau thu thập data nhiều nhất có thể về góc quay, cử chỉ, khung xương, trang phục, gương mặt của người thi... Nhờ đó mà "giám thị ảo" có thể "đọc" được hành vi nào là gian lận, hành vi nào không, đưa ra những dự đoán, "báo động" chính xác nhất", Khánh Luân cho biết thêm. Do đó, sản phẩm của nhóm sinh viên ĐH FPT được tối ưu độ chính xác trong phán đoán hành vi và có thể nhận diện được những hành vi có tính chất lặp lại, phức tạp hơn so với những sản phẩm không ứng dụng AI.
Trong bối cảnh mùa thi năm nay đang "nóng" lên từng ngày và hình thức thi trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, nhóm SV ĐH FPT Hà Nội hy vọng sản phẩm của mình có thể góp phần "số hóa" công tác coi thi, tinh giản về khâu tổ chức, phân công giám thị mà vẫn đảm tính công bằng, mình bạch.
Được biết, sản phẩm này là đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học máy tính của nhóm sinh viên ĐH FPT. Khi trình bày và demo sản phẩm tại buổi bảo vệ đồ án tại ĐH FPT vừa qua, nhóm đã nhận được nhiều nhận xét tích cực. Ngoài ra, các giảng viên ĐH FPT cũng chia sẻ thêm một vài lưu ý về công nghệ để nhóm có thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.