Sử dụng bản đồ GIS để tuyển sinh: Dấu chấm hết cho tình trạng chạy trường?

Hoài Nam

(Dân trí) - Năm học này, TPHCM chính thức thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo hệ thống bản đồ GIS thay vì phân tuyến theo phường. Với phương thức này, nhiều ý kiến lo ngại có thể diễn ra cảnh "kẻ khóc, người cười".

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tuyển sinh đầu cấp lớp mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6 và cả lớp 10 năm học 2023-2024 tại thành phố sẽ áp dụng hệ thống thông tin bản đồ GIS.

Cụ thể, năm nay, Sở đề xuất thí điểm tuyển sinh theo hệ thống bản đồ GIS tại TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình thay vì phân tuyến theo địa giới hành chính phường như trước. 

Sở đề xuất thí điểm 3 địa bàn đặc thù

Mùa tuyển sinh năm ngoái, ứng dụng bản đồ số GIS cũng đã được TPHCM tích hợp vào hệ thống đăng ký trực tuyến tuyển sinh lớp 10 của học sinh. Qua đó giúp phụ huynh, học sinh xác định được vị trí, khoảng cách của trường mình lựa chọn.

Sử dụng bản đồ GIS để tuyển sinh: Dấu chấm hết cho tình trạng chạy trường? - 1

Học sinh thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM(Ảnh: Hoài Nam).

Ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, mục đích của bản đồ GIS trong tuyển sinh lớp 10 là để học sinh, phụ huynh tham khảo khoảng cách trường học. Hệ thống bản đồ số sẽ được tích hợp vào hệ thống đăng ký trực tuyến tuyển sinh, khi học sinh chọn các nguyện vọng, khoảng cách các trường sẽ hiện ra bên cạnh.

Nhờ vậy, học sinh, phụ huynh có thể biết trường này, trường kia sẽ cách nhà bao nhiêu cây số để lựa chọn phù hợp.

Ông Cang chia sẻ, lâu nay, có những trường hợp đăng ký lớp 10 cách nhà 30-40 km rất vô lý. 

Trong tuyển sinh lớp 10, ông Võ Thiện Cang cho rằng, hệ thống bản đồ GIS mang tính nhắc nhở, cảnh báo học sinh cần cân nhắc, tránh chọn những trường quá xa nhà. Còn học sinh, phụ huynh chọn thế nào là quyết định của họ. 

Đối với việc tuyển sinh theo hệ thống bản đồ GIS thay cho phân tuyến địa giới hành chính, ông Cang thông tin, Sở đề xuất thí điểm 3 địa bàn mang đặc thù gồm TP Thủ Đức mang quy mô thành phố, quận 8 dân nhập cư không quá đông, quận Tân Bình gần như không có dân nhập cư. 

Nếu phân tuyến theo địa giới hành chính như trước, học sinh quận nào sẽ học quận đó nhưng với bản đồ GIS học sinh quận này có thể học trường gần nhà nằm bên quận khác, học phường này trường gần nhà thuộc phường khác.

Theo ông Cang, bản đồ GIS không áp dụng cho tất cả, chủ yếu để xử lý tình huống ở những nơi giáp ranh giữa quận này quận khác, phường này phường khác. 

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, địa bàn sẽ thực hiện thí điểm đưa hệ thống bản đồ GIS vào tuyển sinh năm nay cho biết, quận đang rà soát dữ liệu dân cư, trẻ, trong độ tuổi tuyển sinh cư trú thực tế tại địa bàn, tại trường. Căn cứ vào điều tra thực tế và căn cứ vào bản đồ GIS, quận mới phân tuyến cho các trường. 

Nguyên tắc tuyển sinh học sinh sẽ học tại địa bàn ở trường gần nhà, tiếp đó là xoay trục. Những trường hợp ở địa bàn khác có thể được phân vào trường gần nhà nhưng thuộc phường khác. 

Có tình trạng "kẻ cười, người khóc"?

Với phương thức phân tuyến theo bản đồ GIS có thể xảy ra tình trạng "kẻ cười người khóc" khi học sinh muốn học tại phường nhưng có thể được phân qua trường khác gần nhà.

Thực tế lâu nay, nhiều gia đình khi mua nhà, chọn nơi cư trú từ nhiều năm trước đã nhắm đến việc sẽ được học tại trường địa bàn đó. Nhưng với GIS, khi hộ khẩu không còn giá trị, phụ huynh có thể bức xúc khi trẻ lại được phân tuyến sang học tại trường của phường khác. 

Trước băn khoăn này, ông Trần Khắc Huy cho rằng, tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc, đã đưa ra nguyên tắc thì theo nguyên tắc thực hiện để tránh chạy trường, chạy lớp kéo theo những tiêu cực trong dư luận. Phụ huynh có muôn vàn nhu cầu không thể chạy theo để đáp ứng. 

Ông Huy đưa ra ví dụ, hầu hết phụ huynh trong quận đều muốn con vào học trường trọng điểm, chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của họ. 

"Nguyên tắc tuyển sinh là học sinh học ở địa bàn trường gần nhà, dựa vào GIS để phân sang trường ở phường khác. Đương nhiên những trường hợp đặc biệt sẽ được xét cụ thể nhưng theo tôi những trường hợp này không nhiều", ông Huy nói. 

Sử dụng bản đồ GIS để tuyển sinh: Dấu chấm hết cho tình trạng chạy trường? - 2

TPHCM thí điểm thực hiện tuyển sinh đầu cấp dựa vào bản đồ GIS (Ảnh: Hải Long).

Vị Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho hay, quận đang triển khai thực hiện nên chưa thể nói về thuận lợi, khó khăn của hình thức tuyển sinh này. Rồi đây, nếu thực tế phát sinh khó khăn, vướng mắc, quận sẽ phải xin ý kiến từ Sở để có hướng giải quyết. 

Theo ông Huy, năm nay tuyển sinh có nhiều điểm mới như không dựa vào hộ khẩu mà sử dụng bản đồ GIS để phân tuyến đòi hỏi công tác rà soát dữ liệu, tuyên truyền để phụ huynh hiểu là cực kỳ quan trọng. 

Phương thức tuyển sinh dựa vào hệ thống bản đồ GIS được kỳ vọng sẽ là "dấu chấm hết" cho trạng chạy trường, trái tuyến.

Tuy nhiên, ông Võ Thiện Cang cho rằng không thể khẳng định điều này, việc sử dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh chỉ có thể góp phần hạn chế nạn chạy trường, trái tuyến.