Đắk Nông:

Sinh viên rời giảng đường, theo học nghề để mở quán, lập nghiệp

Đặng Dương

(Dân trí) - Đang học đại học, nhiều sinh viên quyết định rẽ ngang sang học nghề với mong muốn sớm tìm được việc làm. Đặc biệt, có người chọn học nghề chỉ để có kinh nghiệm rồi tự kinh doanh, lập nghiệp

"Học" lại từ đầu

Nguyễn Sơn Tùng (sinh năm 1999, TP Gia Nghĩa) từng là sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm theo học, Tùng nhận ra rằng đại học không phù hợp với bản thân, đặc biệt là ngành mà Tùng theo học được dự đoán là thừa lao động.

Ngay sau đó, Tùng quyết định nghỉ đại học để vào học ngành điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Chia sẻ về quyết định này, Tùng cho biết, nếu học tập tốt thì 4 năm sau Tùng sẽ tốt nghiệp và sử dụng tấm bằng đại học đi xin việc. Tuy nhiên trường hợp không xin được việc, thì tấm bằng đại học coi như không có giá trị.

Sinh viên rời giảng đường, theo học nghề để mở quán, lập nghiệp - 1
Học viên ngành điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Nam sinh dự đoán, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, cùng dây chuyền sản xuất hiện đại đầu tư vào Đắk Nông, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Tùng chọn học điện công nghiệp với dự định sẽ xin vào làm việc tại các doanh nghiệp này.

"Nếu không tìm được một nơi làm việc mong muốn, thì em có thể dùng kiến thức của mình mở một cơ sở nhỏ, tự làm để nuôi sống bản thân. Bây giờ nhà nào cũng có thiết bị điện thì mình không sợ không có việc làm", Tùng cho hay.

Sinh viên rời giảng đường, theo học nghề để mở quán, lập nghiệp - 2
Nguyễn Thị Kim Hằng (bên phải) lựa chọn học nghề thay vì vào đại học.

Giống như Tùng, Nguyễn Thị Kim Hằng (SN 2000, trú TP Gia Nghĩa) cũng từng thi đỗ vào ngành Quản trị Du lịch- Nhà hàng- Khách sạn của trường Đại học Công nghệ TPHCM.

Nhưng sau đó, Hằng quyết định học pha chế. Lý do đơn giản vì gia đình Hằng đang kinh doanh dịch vụ ăn uống ngay tại trung tâm tỉnh Đắk Nông.

Cô gái 20 tuổi chia sẻ, tỉnh Đắk Nông chưa phát triển ngành dịch vụ khách sạn và du lịch nên nếu tốt nghiệp đại học, Hằng phải ở lại thành phố tìm việc. Quyết định học nghề, Hằng sẽ trở về quê làm việc với dự định phát triển quán ăn của gia đình.

"Dịch vụ ăn uống không đòi hỏi cần quá nhiều kiến thức quản lý mà cần một thợ lành nghề. Thế nên, nghề bếp sẽ trang bị những kỹ năng cần thiết để em làm tốt công việc gia đình", Hằng chia sẻ thêm.

Cơ hội việc làm rộng mở

Nguyễn Sơn Tùng cho rằng, trong thời gian tới, cơ hội việc làm ở Đắk Nông rất cao, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực làm đẹp, pha chế đồ uống, điện công nghiệp hoặc sửa chữa máy móc nông nghiệp, ô tô …

"Hiện nay em đã hoàn thành được 2/3 chương trình học và đang thực tập tại một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử ở TP Gia Nghĩa. Họ đã đề nghị em sau khi tốt nghiệp, trở về đây làm việc", nam sinh ngành điện công nghiệp cho biết thêm.

Sinh viên rời giảng đường, theo học nghề để mở quán, lập nghiệp - 3
Nhiều lao động trong ngành dịch vụ đồ uống được đào tạo qua các lớp trung cấp nghề pha chế.

Anh Lê Hoàng, chủ thương hiệu cà phê nổi tiếng của tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện anh đang sử dụng 50 lao động, chủ yếu làm việc cho lĩnh vực pha chế, chế biến nông sản sau thu hoạch.

"Công việc của chúng tôi không đòi hỏi người lao động phải có trình độ đại học, cao đẳng mà cần nhân viên có kỹ năng và khả năng sáng tạo. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, yêu cầu cao nhất vẫn là thái độ làm việc", anh Hoàng nói.

Hiện tại, với 8 cơ sở kinh doanh đồ uống, lương của người lao động tại doanh nghiệp này tương đối ổn định so với mặt bằng chung của tỉnh Đắk Nông.

"Mức lương cao nhất của người lao động là 15 triệu đồng/tháng; còn lại trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Trên 50% nhân viên đều tốt nghiệp các trường THPT sau đó lựa chọn học nghề để đi làm", anh Hoàng thông tin.

Sinh viên rời giảng đường, theo học nghề để mở quán, lập nghiệp - 4
Các nghề sửa chữa máy móc thu hút nhiều học viên là người dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, một trưởng phòng thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập Đoàn Than- Khoáng Sản Việt Nam) cho biết, công ty thường xuyên tuyển dụng công nhân làm việc cho các phân xưởng.

Đối tượng tuyển dụng là người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp, thuộc các ngành điện công nghiệp, cơ khí, hàn, điện cơ, hóa tự động…

"Thông thường những học viên trung cấp có tay nghề sẽ có cơ hội làm việc hơn tại các phân xưởng vì họ đã được thực hành, cọ xát rất nhiều trong thời gian học. Khi làm việc tại các phân xưởng thì lương của công nhân gần như giống nhau, không phân biệt bằng cấp mà chỉ dựa trên hiệu quả làm việc", vị này cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm