Shark Thái Vân Linh: "19 tuổi, suốt nửa năm đi làm tôi chỉ đứng máy photo"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Shark Thái Vân Linh tiết lộ, những năm đầu đời bước vào môi trường làm việc, bà đã được giao những công việc hết sức nhàm chán như photocopy, mua cà phê, nhập dữ liệu… đến cả năm trời.

Những câu chuyện thú vị và kinh nghiệm hữu ích được các khách mời giàu kinh nghiệm chia sẻ tại tọa đàm "Những điều thí sinh cần biết trước ngưỡng cửa đại học" do Khoa Quốc tế - ĐHQGHN phối hợp với báo điện tử Dân Trí tổ chức mới đây.

Shark Thái Vân Linh: 19 tuổi, suốt nửa năm đi làm tôi chỉ đứng máy photo - 1

Bạn trẻ hãy cởi mở với việc mình sẽ làm bất cứ cái gì…

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cho biết, sắp đến thời điểm điều chỉnh nguyện vọng. Trong vai trò nhà tư vấn tuyển sinh, ông Thuận cho hay, câu hỏi ông nhận được nhiều nhất chính là chọn ngành nghề nào ra trường, công việc có đủ tốt và vị trí việc làm nào lương cao, có cơ hội thăng tiến hấp dẫn không? Như vậy rõ ràng là băn khoăn về việc làm sau tốt nghiệp là câu hỏi chiếm tỷ trọng rất lớn.

Theo Shark Thái Vân Linh (CEO TVL Group, cố vấn cấp cao OpenSpace Ventures), điều quan trọng khi mới tốt nghiệp ra trường không phải là tiền lương, điều quan trọng là những gì mình học được. Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà muốn tìm những cử nhân mới ra trường rất trẻ, rất tò mò, rất chủ động và rất cởi mở với việc là mình sẽ làm bất cứ cái gì cần làm.

Shark Thái Vân Linh: 19 tuổi, suốt nửa năm đi làm tôi chỉ đứng máy photo - 2

Shark Thái Vân Linh - CEO TVL Group, cố vấn cấp cao OpenSpace Ventures.

Shark Linh lấy câu chuyện những năm đầu đời đi làm chỉ chuyên làm công việc "lặt vặt" như đứng máy photo copy, pha cà phê, nhập dữ liệu… của bản thân làm ví dụ. Bà khuyên bạn trẻ, điều quan trọng phải chấp nhận là khi bản thân vừa mới 19, 20 tuổi bước môi trường làm việc, người ta sẽ không giao cho bạn những công việc vui đâu. Những việc bạn sẽ được giao rất nhàm chán.

"Tôi nhớ hồi đó mình vào làm công việc đầu tiên là copy. Nghĩa là họ đưa một cuốn sách và họ nói photocopy đi. Rồi đi làm suốt 6 tháng, tôi chỉ đứng ở cái máy làm photocopy. Rồi từ đó mình đã chuyển qua công việc khác là đi mua cà phê cho người ta, rồi sau đó mình cứ nhập dữ liệu.

Nói chung là nó không có gì quá thú vị, nhưng mình đang tìm những cơ hội để học hỏi thì khi nhập dữ liệu thì tôi nghĩ là đây là cơ hội để cho tôi có thể gõ máy nhanh và chính xác; làm copy tôi cũng rất xuất sắc. Nói chung tất cả những gì bạn được giao thì hãy cố gắng chuyển sang nó thành một cái gì đó mà bạn có thể cải thiện, làm hay hơn, giỏi hơn tất cả mọi người trong văn phòng", Shark Linh nhắn nhủ bạn trẻ.

Còn về kỹ năng mềm, Shark Linh khuyến khích mọi người phải có ít nhất một công việc về sale. Chẳng hạn, đi bán hàng ở một cửa tiệm bán bánh mì hay là đi bán phần mềm…

Nữ khách mời giải thích: "Để làm gì vậy? Để cho mình được trải nghiệm, người ta la hét vào mặt của mình để cho người ta nói không muốn, họ cúp điện thoại… Tại vì trong cuộc sống mình sẽ có rất nhiều người nói không với mình và cái da mặt mình phải dày lên. Mình phải chấp nhận được cái việc đó và phải hoàn toàn có thể giữ bình tĩnh trong những trường hợp đó. Trải nghiệm những tình huống này khi mình còn trẻ, tôi đã khóc và tức giận.

Những tình huống đó sau nhiều lần nữa, mình sẽ không có phản ứng gì luôn. Chưa có kinh nghiệm, quá non sẽ rất dễ bị cảm xúc, rất dễ bị rối và cũng không biết thực hiện".

Đại học không đảm bảo cho bạn một công việc tốt, lương cao

Theo Shark Linh, chắc chắn có khoảng cách giữa kiến thức đại học và kiến thức phục vụ công việc mà doanh nghiệp cần. Và đại học không trực tiếp mang công việc tốt đến với các em chỉ với một ngành học nào đó mà xã hội đang thiếu nhân sự.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận đồng tình và cho rằng, bạn trẻ nên chọn nghề trước khi chọn trường đại học. Cụ thể, các bạn nên xác định sau này tốt nghiệp đại học ra trường thì mình muốn làm nghề gì, lĩnh vực gì. Sau đó các bạn học sinh đối chiếu lại các trường đại học mình mong muốn.

"Chúng ta trường đại học có môi trường để tạo cho các bạn sinh viên có cơ hội để phát triển bản thân. Môi trường ở đây là gì? Môi trường ở đây có thể là môi trường tạo cho các bạn có cơ hội để tiếp cận được chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận được giảng viên giỏi, chúng ta được cung cấp các kỹ năng mềm, một số những kỹ năng rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

Shark Thái Vân Linh: 19 tuổi, suốt nửa năm đi làm tôi chỉ đứng máy photo - 3

Nguyễn Tuyết Lan, một cựu sinh viên của Khoa Quốc tế.

Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Tuyết Lan, một cựu sinh viên của Khoa Quốc tế vừa tới Hồng Kông nhận vị trí Quản trị viên tập sự của tập đoàn Jardine Matheson cũng cho rằng, các bạn trẻ nên chọn nghề trước. Từ nghề nó chỉ tượng trưng cho việc là bạn thích làm gì, bạn không thích làm gì.

Bàn về chủ đề chọn nghề, mặc dù đồng ý với hai khách mời, theo Shark Linh đúng là nên chọn nghề nhưng khi nhớ lại bản thân thời trẻ, thậm chí đến lúc này cũng vậy mỗi người chúng ta có thể chưa biết chính xác là mình đang đam mê cái gì.

"Nếu mà ngay lúc 18 tuổi mình phải chọn ngành nghề thì tôi thấy áp lực nó khá cao. Tôi nghĩ, nếu bạn là một trong những người mà chưa chọn được ngành nghề thì bạn cứ tập trung vào kỹ năng, nghĩa là mình chọn những kỹ năng mà có cho mình nhiều cơ hội để thay đổi.

Nữ CEO lưu ý, ở tuổi 20 khi còn ngồi ghế giảng đường đại học, bạn trẻ hãy cứ luôn tập trung tìm kiếm những cơ hội học hỏi. Chúng ta không nhất thiết phải đi cà phê với bạn bè mỗi chiều thứ bảy, đi về nhà ăn tối mỗi tối cuối tuần. Ở độ tuổi này chúng ta có thể giảm bớt những điều đó. Chẳng hạn trước đây, bà dành tối thứ 6 để đi ăn với bạn trai, tối thứ 7 để đi ăn với bạn bè và tối Chủ nhật đi ăn với gia đình; còn lại tất cả các ngày trong tuần dành thời gian cho công việc.

Đó là cách sắp xếp lịch để bà có thể tăng trưởng càng nhanh càng tốt vì môi trường đại học cần có để tạo nền tảng về kiến thức, về một chủ đề nào đó nhưng để có trải nghiệm thực tế và phát triển các kỹ năng kiến thức đó thì cần có trong môi trường văn phòng hoặc môi trường thực tế trong ngành, lĩnh vực bạn muốn theo đuổi.

Shark Thái Vân Linh: 19 tuổi, suốt nửa năm đi làm tôi chỉ đứng máy photo - 4

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận.

Thái độ được tính bằng hàm mũ

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận cũng nhấn mạnh: "Trường đại học chỉ tạo cho các bạn môi trường để dẫn dắt các bạn học hỏi, những kỹ năng đấy còn các bạn phải chủ động là chính. Ở Khoa Quốc tế thì chúng tôi tin tưởng vào công thức C = (K + S) mũ A, trong đó C là năng lực, K, S, A lần lượt là kiến thức, kỹ năng mềm và thái độ. Có nghĩa là bạn phải có cả ba. Bạn chỉ có kỹ năng thái độ nhưng không có kiến thức thì vứt đi. Bạn có kiến thức mà không có kỹ năng mềm, không có thái độ đúng đắn thì cũng vứt đi.

Khoa Quốc tế chúng tôi bên cạnh việc trang bị cho các em những kiến thức nền tảng thì rất chú trọng các kỹ năng mềm và thái độ. Ở đây chúng tôi còn đặc biệt quan tâm chú trọng đến thái độ. Thái độ được tính bằng số mũ - có nghĩa nó cực kỳ quan trọng".

Theo ông, nội hàm của thái độ ở đây chỉ là tính cam kết với công việc cao, tư duy suy nghĩ tích cực, tình yêu thương đóng góp cho cộng đồng.