Phụ huynh... “tự kỷ”, trẻ gian nan hòa nhập

(Dân trí) - Nhiều trẻ có những dấu hiệu rõ về chứng bệnh tự kỷ, giáo viên thông tin với gia đình để có phương pháp can thiệp sớm thì hầu hết phụ huynh đều không thừa nhận con mình có vấn đề. Thậm chí, có người còn cho rằng giáo viên “trù” con mình.

Con tôi giỏi nên bị... ghét

Cô Bích Trân, dạy tại Trường mầm non T. (Q.3, TPHCM) kể, trong quá trình tiếp xúc dạy học, gặp những trẻ có nhiều dấu hiệu của chứng bệnh tự kỷ, giáo viên (GV) rất ngại khi thông tin đến phụ huynh. Hầu hết phụ huynh có chung phản ứng không thừa nhận những dấu hiệu ở đó ở con.

Cô Trân nhớ mãi trường hợp một trẻ có nhiều biểu hiện tự kỷ, lên 4 tuổi vẫn không biết nói, đến lớp chỉ ngồi một góc chơi ô tô. Cô trao đổi với phụ huynh để sớm đưa cháu đi điều trị thì phụ huynh này nổi giận, lên tiếng ầm ĩ ở trường, mắng GV không tiếc lời. Thương đứa trẻ nhưng cô Trân cũng đành chịu, đau lòng nhìn cháu bệnh ngày càng phát triển. 

Phụ huynh... “tự kỷ”, trẻ gian nan hòa nhập
Việc trẻ tự kỷ hòa nhập ở trường học cần sự phối hợp chặt giữa nhà trường và phụ huynh. (Ảnh: Lê Phương)

“Hai năm sau, khi vào lớp 1 em HS này phải bỏ dở việc học, người mẹ tìm đến cô than hồi đó nhà trường không làm căng, cho trẻ nghỉ học thì gia đình đã sớm có phương pháp can thiệp”, cô Trân tâm sự.

Cô Ng.Q.Hương, giáo viên một trường tiểu học ở Q.2 cho biết việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nhất là trẻ tự kỷ rất khó khăn. Nhiều GV đã từng bị trẻ bất ngờ níu tóc, cào vào mặt. Việc giúp các em học tập, vui chơi với bạn cũng rất khó.

Bản thân cô Hương từng phụ trách ở lớp một vài HS tự kỷ nhưng hầu hết không phụ huynh không thừa nhận con mình bị tự kỷ. Khi phụ huynh không thừa nhận, trẻ không có hồ sơ bệnh thì GV cũng không được nhận chế độ dành cho việc giáo dục hòa nhập, kết quả dạy học không tốt nên còn bị cắt thi đua.

Nhưng quan trọng nhất, theo cô Hương là đứa trẻ bị thiệt thòi, nhiều em bị nặng không thể hòa nhập mà phụ huynh vẫn để con ở trường chứ không xác định bệnh cho trẻ để áp dụng biện pháp can thiệp sớm. 

Với trẻ tự kỷ, GV sẽ có cách giao tiếp, ứng xử khác với trẻ bình thường. Với những trường hợp phụ huynh không thừa nhận con có bệnh nên thấy như vậy có phụ huynh còn cho rằng GV đối xử phân biệt với con mình. Như GV tiểu học ở Q.11 lắc đầu kể mình đã từng bị phụ huynh trách khi con của họ không được thay đổi chỗ ngồi như các HS khác trong lớp. 

“Nhân cơ hội đó, tôi nói tính cách của cháu vốn không thích sự thay đổi, đổi chỗ cháu sẽ phản ứng rất mạnh. Nghe đến đó, ông bố hậm hực nói rằng con mình thông minh hơn bạn bè nên bị cô giáo ghét, gán cho bệnh tự kỷ. Gia đình chủ quan nên bệnh của cháu ngày càng nặng”, cô thở dài.

Bỏ thì thương, vương thì... rầu

Hiện nay, các trường học tại TPHCM đã “rộng cửa” đón trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ mắc chứng tự kỷ vào hòa nhập. Công tác này vô cùng nan giải, nhất là với những trường hợp trẻ có dấu hiệu tự kỷ rõ ràng nhưng phụ huynh nhất quyết không thừa nhận con mình có vấn đề.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho rằng, có một thực tế về phía gia đình, nhất là những người có địa vị xã hội rất ngại thừa nhận con bị tự kỷ nên họ phủ nhận tình trạng của con. Khi thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của gia đình thì GV có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể cho kết quả bởi yếu tố quyết định vẫn nằm ở gia đình. 

Cán bộ quản lý, giáo viên tại TPHCM tham gia tập huấn về giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. 
Cán bộ quản lý, giáo viên tại TPHCM tham gia tập huấn về giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. 

Việc đưa trẻ tự kỷ vào trường hòa nhập là cần thiết nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho rằng, ngành giáo dục cần có tiêu chí tiếp nhận trẻ tự kỷ ở mức độ nào để có thể thực hiện hòa nhập được, dạy học được.

“Nhà trường chỉ nên nhận trẻ tự kỷ biết nói và từ chối trẻ không biết nói. Với trẻ tự kỷ, không nên tính vào sĩ số lớp chính thức, đánh giá trên tiêu chuẩn chung mà các em có thể chỉ học một vài tiết, vài buổi, chỉ tham gia một vài môn để giảm áp lực cho cả trẻ lẫn GV”, bà Thanh nhấn mạnh.

Với những trường hợp bệnh nặng không thể hòa nhập, theo BS Ngọc Thanh sẽ chỉ làm cho GV dễ trở nên cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng; ảnh hưởng đến những HS khác lẫn đến kết quả dạy học. Những em này cần phương pháp giáo dục đặc biệt và người dạy đặc biệt chứ không phải là những GV bình thường ở trường học. 

Một trong những cách để phụ huynh không chủ quan trong trước tình trạng của con, BS Thanh gợi ý, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, có thể dán các dấu hiệu tự kỷ lên bảng thông tin đến cha mẹ HS để họ chú ý đến các dấu hiệu, hành vi của trẻ giúp phát triện và can thiệp càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, chuyên viên phụ trách giáo dục hòa nhập (Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, cái khó hiện nay là chưa có một tiêu chí trẻ khuyết tật ở mức độ nào thì trường tiếp nhận hòa nhập. Có những em tự kỷ nặng nhưng phụ huynh không chấp nhận, nhà trường rơi vào cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội. Trong khi chỉ một số trường tiểu học tại TPHCM có GV dạy hòa nhập, còn hầu hết do giáo viên bình thường kiêm nhiệm. 

Hiện nay, tiền hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho GV mỗi tháng/HS  là 200.000 đồng ở bậc mầm non, 260.000 đồng bậc tiểu học và 320.000 đồng ở THCS. Và mức chi trả mỗi lớp không quá 2 HS. 

Hoài Nam