Phải làm sao khi con sa vào chơi game, đánh bài trong kỳ nghỉ Tết?

Quang Trường

(Dân trí) - Mới chiều mùng 1 Tết, chị Hồng đã phải đi gọi con trai đang tụ tập đánh bạc trong đình làng về. Chị nổi giận nhưng không muốn quát mắng con vào ngày Tết, chỉ tịch thu hết tiền mừng tuổi của con.

Kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều học sinh coi đây là cơ hội để "vùi đầu" vào chiếc điện thoại, màn hình tivi để xem phim, chơi game, thậm chí dùng tiền lì xì để đánh bài mà không lo bố mẹ quản.

"Làm bạn" với điện thoại, tivi

Nhắc đến kỳ nghỉ Tết của con, chị Lê Thị Thanh (Hà Nội) chỉ mong thầy cô giao thật nhiều bài tập để vợ chồng chị đỡ phải quản con. Con trai chị Thanh đang học lớp 6, mấy năm nay, kỳ nghỉ Tết nào con cũng "làm bạn" với chiếc điện thoại, chơi game chán, con lại mở tivi lên xem.

Chị Thanh coi nghỉ Tết là dịp để con giải trí, nạp lại năng lượng sau một học kỳ căng thẳng. Chị cho phép con được chơi game, xem phim thay vì cấm đoán như ngày thường. Chị cũng không quên quy định con chỉ được dùng điện thoại và tivi mỗi buổi 2 tiếng. Trước khi con được nghỉ, chồng chị đã mua hàng chục quyển sách về cho con đọc trong kỳ nghỉ Tết.

Phải làm sao khi con sa vào chơi game, đánh bài trong kỳ nghỉ Tết? - 1
Con trai chị Thanh dành cả buổi để xem tivi trong kỳ nghỉ Tết (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, con được nghỉ Tết sớm, vợ chồng chị lại buôn bán đến chiều 30 Tết mới hết việc nên không thể quản lý thời gian giải trí của con. Vậy là cậu bé tự do "vùi đầu" vào Internet từ sáng đến tối. Đống sách bố mua cho vẫn chưa được bóc vỏ bọc ni lông.

"Những buổi tối vợ chồng tôi ở nhà thì con mới không có cơ hội động vào điện thoại. Bảo con mang sách ra đọc thì con đọc chống đối, vừa đọc vừa đi vệ sinh, đi uống nước, đi lấy cái nọ cái kia hết cả buổi mới đọc được mấy trang sách. Nhưng nếu cho chơi game hay xem phim thì con có thể ngồi yên vài giờ liền", chị Thanh nói.

Chị Thanh cho biết, có hôm chị tịch thu điện thoại, điều khiển tivi của con và giao cho con làm bài tập trước khi đi làm. Theo dõi qua camera, chị thấy con không làm bài mà "nước mắt ngắn, nước mắt dài" trên bàn học. Thỉnh thoảng thằng bé lại lục tìm điện thoại, điều khiển. Tìm không thấy, con nằm lăn ra ngủ. Tối hôm đó, con khóc lóc năn nỉ mẹ cho chơi game, xem phim, hứa chỉ chơi đúng giờ quy định.

"Thương con ở nhà một mình, không có ai chơi cùng nên tôi đành phải cho con "làm bạn" với Internet. Gia đình tôi không có thời gian bên con nên chỉ biết để con tự chơi, tự học. May là các con chỉ nghỉ hơn 1 tuần rồi lại vào khuôn khổ học tập, nếu kéo dài thì con tôi dễ trở nên nghiện game. Tôi chỉ mong con sớm đi học trở lại để vợ chồng tôi đỡ đau đầu", chị Thanh cho biết.

Những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, lực học của con trai anh Vũ Minh Hoàng (Thanh Hóa) luôn ở mức báo động. Giáo viên chủ nhiệm gọi điện về kêu con "ăn Tết hết tháng Giêng" hay sao mà mãi chưa bắt nhịp trở lại với việc học. Con quên sạch kiến thức của hầu hết các môn, mất thói quen tự học vào mỗi buổi tối, thay vào đó là mải xem phim, chơi game. Buổi sáng, anh Hoàng phải gọi năm lần bảy lượt thì con mới chịu dạy đi học.

Phải làm sao khi con sa vào chơi game, đánh bài trong kỳ nghỉ Tết? - 2
Nghỉ Tết, những đứa trẻ rủ nhau chơi game (Ảnh minh họa: V.T).

Theo anh Hoàng, đó là hậu quả của kỳ nghỉ Tết, con được tự do vui chơi, các thầy cô lại không giao bài tập Tết, con lại càng có nhiều thời gian để "đốt" vào màn hình điện thoại, tivi. Năm nào cũng vậy, con anh phải mất 1 tháng sau Tết để làm quen với việc học tập, nhiều tháng tiếp theo để bỏ dần những tựa game con chơi trong dịp Tết.

Rút kinh nghiệm, năm ngoái, anh Hoàng nhất định chỉ cho con dùng điện thoại mỗi ngày 1 tiếng. Thầy cô không giao bài tập, anh tự giao cho con ở mức độ nhẹ nhàng, mục đích là để con duy trì thói quen tự học. Học bài xong, con vội chạy đi chơi với các bạn trong xóm đến tối mới về.

Tưởng rằng con đã có những tín hiệu thay đổi tích cực khi không đòi bố cho mượn điện thoại nữa, con sẽ cùng bạn bè bày những trò chơi ngày Tết. Tuy nhiên, anh Hoàng vỡ mộng khi biết con sang nhà hàng xóm để tụ tập chơi game cùng các bạn.

"Gần như đứa trẻ nào cũng có điện thoại, chúng truyền tay nhau mỗi đứa chơi một ván. Không có điện thoại, con trai tôi ngồi chờ bạn đánh xong đến lượt mình. Đáng nói, các con chơi toàn những trò bạo lực, kích thích tính nóng nảy, hung hăng. Nhiều lần tôi thấy con mình tức phát khóc vì chơi thua bạn.

Lúc không chơi game nữa, nhóm trẻ con lại xem những video nhảm nhí trên Youtube. Những hoạt động này của các con lặp đi, lặp lại suốt kỳ nghỉ Tết. Có người thấy con mải chơi nên quát, đánh, chúng tôi đành phải khuyên nhau là có mấy ngày Tết cứ để chúng nó chơi", anh Hoàng nói.

"Đốt" tiền lì xì vào trò đỏ đen

Năm ngoái, mới chiều mùng 1 Tết, chị Lê Thị Hồng (Hải Dương) đã phải đi gọi con trai đang tụ tập đánh bài trong đình làng về. Chị nổi giận nhưng không dám quát mắng con vào ngày Tết, chỉ tịch thu hết tiền mừng tuổi của con.

Chị Hồng cho biết, con trai chị mới học lớp 11 nhưng đã 2 cái Tết chị phải đi "túm cổ" con từ sới bạc về. Cứ dịp Tết đến, đình làng ở quê chị Hồng lại trở thành sới bạc, tụ tập đủ mọi lứa tuổi. Những đứa trẻ như con chị Hồng trước kia chỉ đứng xem người lớn chơi, sau thêm một vài tuổi, các cháu cũng nhập hội chơi cùng dù còn ở lứa tuổi học sinh.

Phải làm sao khi con sa vào chơi game, đánh bài trong kỳ nghỉ Tết? - 3

Nhiều học sinh coi đánh bài là thú vui trong dịp Tết (Ảnh minh họa: T.L).

3 ngày Tết, con trai chị chỉ ở nhà buổi sáng, nhận tiền lì xì xong con cùng bạn bè chạy thẳng vào trong đình, hôm nào sân đình hết chỗ, các con rủ nhau về nhà đánh bài. Nhóm bạn dùng chính tiền lì xì để chơi trò đỏ đen.

Bạn nào chơi giỏi, có kinh nghiệm sẽ coi Tết là dịp để kiếm tiền từ hoạt động này. Những bạn non nớt như con chị Hồng thường về nhà với những chiếc vỏ lì xì rỗng ruột.

"Vợ chồng tôi kiêng nặng lời với con đầu năm mới nên bị con bắt nạt. Mấy ngày Tết, tôi cứ lơ là một chút là con đã lẻn đi chơi lúc nào không hay. Nếu không phải vào sới bạc thì các con cũng tụ tập chơi game, nhìn rất phản cảm nhất là khi các con còn là học sinh.

Số tiền các con đánh bài không nhiều, chỉ chơi vào dịp Tết nhưng không ai đảm bảo các con sẽ không sa đà vào cờ bạc, từ chơi ít thành chơi nhiều. Vì vậy, năm ngoái, chồng tôi không kiêng nể gì cả, cho con một trận đòn ngay trong đình làng, khi con đang cầm quân bài chơi với các bạn. Tôi cũng thu hết tiền lì xì của con, không để con tiêu hoang phí vào trò đỏ đen", chị Hồng nói.

Theo chị Hồng, vì con tìm thấy quá nhiều niềm vui trên mạng và trong sới bạc nên có khi còn từ chối đi chúc Tết người thân, hoặc đi chúc Tết nhưng mắt luôn "dán" vào màn hình điện thoại. Con có thể ngồi đánh bài với bạn bè suốt mấy ngày Tết mà không biết tiếc thời gian.

Phụ huynh phải làm gương

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Tết là khoảng thời gian bố mẹ thường bỏ mặc những đứa trẻ vì phải lo quá nhiều việc, thả cho con vui chơi thoải mái.

Phải làm sao khi con sa vào chơi game, đánh bài trong kỳ nghỉ Tết? - 4
PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: Viện Tâm lý Việt Pháp).

Tuy nhiên, nhiều trẻ bị choáng ngợp khi đối diện với kỳ nghỉ Tết vì mọi thứ thay đổi đột ngột, thậm chí chúng còn cảm thấy bị ngắt kết nối và cô đơn hơn. Vì vậy, các con mới lên mạng để kết nối, chơi game hay làm tất cả những gì mà trước đó các con không được phép, nhưng lại làm một cách quá mức.

Việc các con ăn, chơi "thả cửa", ngủ nghỉ không có giờ giấc làm lụi đi các kỹ năng. Khi quay lại trường học, các con lại bị hẫng thêm một lần nữa vì không bắt kịp nhịp độ học tập trong khuôn khổ.

Vì vậy, khi con nghỉ Tết, các bậc phụ huynh cần quy định rằng con được phép chơi game, xem tivi nhưng chỉ trong một khoảng gian, làm gì cũng phải có giới hạn. Trước ngày đi học, các con cần có một vài ngày trở lại cuộc sống bình thường, không đi đâu, làm gì liên quan đến Tết, bỏ dần các trò chơi điện tử.

Về việc con đánh bài trong ngày Tết, trước hết, phụ huynh phải làm gương không cờ bạc cho con, không nên để con đến những nơi mà người lớn đánh bài để tránh tiếp xúc với những hành vi xấu.

"Các con chơi những trò lệch chuẩn trong ngày Tết là do bố mẹ không kéo con tham gia vào các hoạt động tích cực. Bố mẹ phải tạo hoạt động cho các con được làm, qua đó khen ngợi sự thể hiện của con giúp con hứng thú với những hoạt động tích cực, tránh xa tiêu cực.

Ví dụ, bố mẹ giao cho con nhiệm vụ chọn và cắm hoa Tết, khi đó con sẽ mất thời gian trải nghiệm chợ hoa, tìm cách bày trí sao cho đẹp; hoặc bố mẹ mua sẵn nguyên liệu, hướng dẫn con cách nấu một món ăn mới để đãi cả nhà vào dịp Tết", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi