Những sự kiện giáo dục gây "sốc" tuần qua

M. Hà

(Dân trí) - Một học sinh lớp 1 tử vong thương tâm vì nghi bị bạo hành tại nhà, thầy giáo "đuổi" sinh viên ra khỏi lớp online và cú sốc "lạm phát" điểm chuẩn đại học... là những sự kiện nổi bật tuần qua.

"Choáng" vì điểm chuẩn kỉ lục 30,5 lần nữa được thiết lập

Vài ngày nay, dư luận xôn xao thông tin điểm chuẩn đại học (ĐH) cao kỉ lục.

Cụ thể, điểm chuẩn đầu vào nhiều trường đại học top, ngành hot năm nay cao vút, có ngành tăng tới 9 điểm so với năm trước, khiến thí sinh ngỡ ngàng vì đạt 9 điểm/môn vẫn trượt đại học.

Nếu như năm ngoái, điểm chuẩn tăng đã khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng thì điểm chuẩn đại học năm nay khiến nhiều em gặp cú "sốc" tâm lý.

Những sự kiện giáo dục gây sốc tuần qua - 1

Nếu năm ngoái, điểm chuẩn tăng đã khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng thì điểm chuẩn đại học năm nay khiến nhiều em gặp cú "sốc" tâm lý.

Tiêu biểu, khối C00 ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm nay tiếp tục giữ vững mức điểm chuẩn 30 điểm.

Cũng ở trường này, có những ngành mà điểm chuẩn khối C00 cũng ở mức gần tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).

Đặc biệt, ngành đào tạo đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) năm nay có mức điểm chuẩn là 30,5 khiến nhiều người "choáng". 

Nhìn lại từ năm 2015 khi áp dụng thi THPT Quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT, không ít lần thí sinh đạt điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt nguyện vọng 1. Trong đó, điểm chuẩn cao nhất được ghi nhận vào năm 2017, Học viện An ninh nhân dân có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh dành cho nữ. Muốn trúng tuyển ngành này, thí sinh nữ phải đạt 30,5 điểm.

Như vậy, năm 2021 dù không được đánh giá là có "mưa điểm 10" như năm 2017 nhưng mức điểm chuẩn kỷ lục 30,5 một lần nữa được thiết lập.

Vì sao điểm chuẩn bất ngờ "đội" lên cao?

Ngay sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, thí sinh kêu trời còn chuyên gia mổ xẻ thông tin vì sao điểm chuẩn năm nay "đội" lên cao.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn cao vút như vậy.

Thứ nhất, số lượng năm nay thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến.

Thứ 2, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực; có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển. Điều này dẫn đến áp lực lên tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.

Thứ 3, do tình hình dịch bệnh, bài thi kết quả THPT nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Cá biệt có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 đến 10 điểm) tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Anh văn, Ngữ văn; hoặc Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD)…

Những sự kiện giáo dục gây sốc tuần qua - 2

Chuyên gia lý giải nhiều nguyên nhân điểm cao bất thường.

Dựa trên những gì quan sát được, chuyên gia này cho rằng, việc tăng điểm trúng tuyển năm nay có lý do rất khách quan và cũng là tín hiệu đáng mừng khi việc lựa chọn trường, chọn ngành dần dần đi vào quy luật cung -  cầu, ngành tốt, trường tốt thì điểm sẽ rất cao.

Về phía Bộ GD-ĐT lý giải, sở dĩ điểm chuẩn năm nay tăng cao do điểm bài thi tiếng Anh cao.

Thứ hai, do số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên.

Thứ ba, xu hướng chọn ngành của thí sinh (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, thống kê số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn trên 27 chỉ chiếm dưới 5%.

Với con số này không thể nói là điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao với việc thí sinh lựa chọn tập trung vào một số ngành, dẫn tới điểm chuẩn vọt lên.

Học sinh tử vong thương tâm tại nhà và trách nhiệm của bố mẹ

Những ngày qua, nhiều người ở Hà Nội bàng hoàng vì chỉ trong vòng 9 ngày, hai vụ học sinh tử vong thương tâm gây xôn xao dư luận.

Thông tin một học sinh lớp 5 ở quận Thanh Xuân lấy que sắt chọc vào ổ cắm điện gây tử vong chưa kịp lắng xuống. Chỉ mấy ngày sau, một học sinh lớp 1 đang theo học ở quận Bắc Từ Liêm được cho tử vong tại nhà, nghi do bị bạo hành khiến dư luận bàng hoàng.

Những sự kiện giáo dục gây sốc tuần qua - 3

Học sinh tử vong thương tâm mới học lớp 1 chính thức ở Trường tiểu học Xuân Đỉnh được 3 ngày. 

Qua lời khai của bố đẻ nạn nhân, thời điểm trên, anh này có hành vi bạo hành bé gái. Đến khoảng 15h ngày 16/9 thì nạn nhân có biểu hiện nôn, nên đã được gia đình đưa vào bệnh viện để cấp cứu, tuy nhiên đã không qua khỏi.

Được biết, cơ quan Công an phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng đối tượng, lên Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Bắc Từ Liêm để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Cơ quan công an đang tạm giữ bố nạn nhân để tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.

Nhiều vụ học sinh "hỗn chiến" như phim sau chục ngày khai giảng

Chỉ sau chục ngày khai giảng năm học mới, nhiều vụ học sinh đánh nhau đã xảy ra.

Ở Lạng Sơn, do mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 8 bị nữ sinh lớp 9 bắt quỳ gối trong lớp học rồi bị tát liên tiếp vào mặt, dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Những sự kiện giáo dục gây sốc tuần qua - 4

Nữ sinh "hỗn chiến" như phim gây bức xúc dư luận. 

Tại Thanh Hóa, nữ sinh cấp 2 bị tát, bắt quỳ gối ngay trong sân trường khiến dư luận bức xúc.

Phụ huynh của 2 nữ sinh liên quan đến sự việc trên đã xin lỗi nhau, đồng thời cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý người tát nữ sinh.

Trước đó, tại Ninh Bình, chiều 12/9, mạng xã hội lan truyền video clip hai nhóm nữ sinh mâu thuẫn nên cầm gậy gộc, túyp sắt, mũ bảo hiểm xông vào "hỗn chiến" như trong phim, gây bất bình trong dư luận.

Nguyên nhân vụ việc do các nữ sinh cùng học tại Trung tâm GDNN-GDTT của huyện có mâu thuẫn với nhau. Rất may, vụ ẩu đả không có em nào bị thương và chính quyền phối hợp với Công an huyện đang điều tra làm rõ.

Tranh cãi giảng viên "đuổi" sinh viên ra khỏi lớp online vì nhờ thầy giảng lại

Sự việc hy hữu xảy ra tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Cụ thể, ngày 17/9, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh lớp học online, trong đó có đoạn hội thoại một giảng viên "đuổi" sinh viên ra khỏi lớp sau khi đề nghị thầy giảng lại... vì mưa to quá không nghe rõ.

Thầy giáo nói: "Mưa to quá thì học làm gì, đi ngủ đi hén. Việc to hay không thì anh tự giác lấy tai phone đeo vô chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng nhiều lần".

Khi nam sinh viên này cho biết dù đeo tai nghe nhưng vẫn không rõ, thầy giáo này đáp: "vậy thì làm sao học, nghỉ môn học hôm nay đi".

Sự việc được ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xác minh có thật và giảng viên có ý định nhắc nhở sinh viên tập trung học hơn, do không kiềm chế được cảm xúc nên đã lớn tiếng với sinh viên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm