Sinh viên bị lừa 8 tỷ vụ Mr Pips hay cơn khát làm giàu nhanh của bạn trẻ?

Hoài Nam

(Dân trí) - Tin vào kênh Facebook, TikTok của Mr Pips (siêu lừa Phó Đức Nam), sinh viên đại học bị lừa 8 tỷ đồng xuất phát từ mong muốn giàu có với siêu xe, hàng hiệu, nhà sang như Nam.

Trong vụ việc Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips) lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng, có trường hợp nạn nhân là sinh viên đại học bị lừa 8 tỷ đồng.

Nạn nhân này là B.N.L., 22 tuổi, ở Quảng Ninh, sinh viên đại học FPT.

Qua trình báo, qua tìm hiểu trên Facebook và TikTok, L. nhắn tin cho Phó Đức Nam qua Facebook để kết bạn và làm quen nhằm mục đích tìm hiểu về các sàn Nam đang đầu tư.

Sinh viên bị lừa 8 tỷ vụ Mr Pips hay cơn khát làm giàu nhanh của bạn trẻ? - 1

Mr Pips xây dựng hình ảnh sang chảnh, giàu có bên ngoài để dẫn dụ "con mồi" (Ảnh: FBNV).

Nghe theo lời Nam, L. đã thực hiện tổng cộng 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam, sau đó bị "cháy" tài khoản. Tổng số tiền L. bị lừa đảo chiếm đoạt là 8 tỷ đồng.

Nạn nhân sinh viên lý giải, thông qua mạng xã hội nên biết Phó Đức Nam là chuyên gia về đầu tư chứng khoán, thường xuyên đăng những video, hình ảnh về siêu xe, đồng hồ và nhà ở đắt tiền. Nhìn thấy vậy, L. nảy sinh mong muốn bản thân mình cũng được như Nam.

"Siêu lừa" Mr Pips có nhiều cách dẫn dụ "con mồi" như cam kết đầu tư không có rủi ro, lợi nhuận cao, thưởng hấp dẫn…

Nam cũng tổ chức những hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế.

"Mồi câu" hấp dẫn nhất Nam sử dụng phải kể đến những khóa đào tạo đầu tư kiếm tiền dễ dàng. Với châm ngôn "đào vàng từ bãi rác" đánh vào cơn khát làm giàu nhanh cũng như đánh thức năng lực bản thân của nhiều người, đặc biệt là nhiều người trẻ.

Không phải chờ đến vụ án "siêu lừa" Mr Pips, thực tế đã có không ít sự việc sinh viên bị lừa đảo khi lao vào dòng xoáy làm giàu nhanh thông qua các khóa đào tạo làm giàu, việc nhẹ lương cao hay cả từ những cuốn sách làm giàu…

Cách đây không lâu, hàng loạt sinh viên ở nhiều trường đại học, cao đẳng tại TPHCM vướng vào đường dây đa cấp trá hình "Team khởi nghiệp 360". Đường dây này đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh, muốn đổi đời của sinh viên để lôi kéo, dẫn dụ nạn nhân.

Tại đây, sinh viên được nhồi nhét khát vọng và con đường làm giàu dễ dàng tham gia các khóa học ngắn ngày. Khi sinh viên đã rơi vào "mê trận" này, nhóm lừa đảo yêu cầu họ nộp tiền để "tiền đẻ ra tiền" cũng những gợi mở kiếm vốn từ vay nợ, cầm đồ hay cả làm hồ sơ du học giả để… lừa tiền từ chính cha mẹ. 

Sinh viên bị lừa 8 tỷ vụ Mr Pips hay cơn khát làm giàu nhanh của bạn trẻ? - 2

Nhiều người bị choáng ngợp trước những hình ảnh ăn chơi sa đọa, khoe sự giàu có của Mr Pips (Ảnh chụp lại màn hình).

Lao vào vòng xoáy làm giàu nhanh này, nhiều sinh viên gửi giấy báo trúng tuyển đi du học giả cho bố mẹ để… "gọi vốn" khởi nghiệp. 

Có trường hợp nữ sinh ở Quảng Ngãi lừa bố mẹ gần nửa tỷ đồng với lý do đi du học ở Phần Lan. Bố mẹ chạy vạy vay tiền, còn vào tận Sài Gòn tiễn con ra sân bay, hàng ngày còn nghe gọi điện về báo tin "bên này con ổn"… Sau này, gia đình mới hay, con mình nào có đi đâu, chỉ là đang trong cơn say làm giàu, vướng vào đường dây lừa đảo.

Chậm giàu vì chạy theo "làm giàu nhanh"?

Sinh viên lao vào vòng xoáy "làm giàu nhanh" là vấn đề được nhiều trường đại học quan tâm trong những năm gần đây. Mỗi đầu năm học, khi đón một lớp tân sinh viên nhập học, nhiều trường đều lên tiếng cảnh báo sinh viên cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ hay các khóa học làm giàu.

Thông điệp này cũng được các trường nhắc lại vào những dịp cuối năm, khi sinh viên đi làm thêm nhắc sinh viên tránh bẫy "việc nhẹ lương cao". 

Trong chương trình tọa đàm "Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh" gần đây tại TPHCM, khi nói về nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại về thực trạng nhiều người trẻ lao vào cơn khát làm giàu nhanh chóng, cơn khát chạy theo hàng hiệu, xe sang hay "check in" sang chảnh...

Ở đó là câu chuyện về không ít người có bằng cấp, có trình độ từ bỏ cách kiếm tiền từ công việc chuyên môn, từ năng lực, giá trị của mình mà chạy theo làm giàu bất chính.

Sinh viên bị lừa 8 tỷ vụ Mr Pips hay cơn khát làm giàu nhanh của bạn trẻ? - 3

Một sinh viên ở TPHCM chia sẻ về quá trình rơi vào vòng xoáy đa cấp "bẩn" vì rơi vào vòng xoáy làm giàu nhanh (Ảnh: Hoài Nam).

Trong cuốn sách "Giải mã kinh tế, đầu tư, gia đình", tác giả Peter Pham, chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế chia sẻ, mong muốn làm giàu của các bạn trẻ là khát vọng chính đáng.

Tuy nhiên, đừng để những ước mơ đó thành áp lực đè nặng khiến cho quá trình phát triển bản thân bị chậm lại. Khi đó, quá trình làm giàu nhanh hóa ra lại làm chậm hóa tiến trình làm giàu của chính bạn.

"Siêu lừa" Mr Pips bị bắt là minh chứng rõ nhất cho việc không thể chạm đến sự giàu khi dùng khả năng đi theo con đường làm giàu nhanh, làm giàu bất chính. 

Theo chuyên gia Peter Pham, mỗi người cần phải hành động mỗi ngày để hoàn thiện bản thân, và sự giàu có phải nằm ở chỗ giá trị bản thân đang tăng lên như thế nào thông qua việc hấp thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và các trải nghiệm…

Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh, người giàu thường đọc nhiều sách và học nhiều nhưng họ không đọc sách làm giàu hay học các khóa học làm giàu. Họ không mong chờ vào những lời động viên làm họ cảm thấy đầy năng lượng mà họ học và làm việc để làm chủ kiến thức, kỹ năng…

ThS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên tại một trường đại học về lĩnh vực kinh tế ở TPHCM cho biết, ở quan điểm cá nhân, khi lên lớp ông thường nhắc sinh viên tránh xa các khóa học làm giàu, tránh xa những người dạy người khác làm giàu và tránh xa cả những cuốn sách dạy làm giàu.

Theo ông, khi chạy theo những thứ đến từ bên ngoài, con người không chỉ dễ bị dẫn dụ, bị lừa bao nhiêu tiền mà hơn hết họ dễ bỏ quên đi việc rèn luyện đạo đức, năng lực cho chính bản thân cũng như rời xa những giá trị, phẩm chất cần thiết...