Bộ GD-ĐT giải thích nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng đột biến
(Dân trí) - Chiều ngày 17/9, Bộ GD-ĐT thông tin tới báo chí về nguyên nhân vì sao điểm chuẩn đại học năm nay tăng "đột biến" khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt đại học.
Theo Bộ GD-ĐT có 3 nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng:
Thứ nhất, điểm bài thi tiếng Anh và điều này là hợp lý.
Thứ hai, số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên.
Thứ ba, xu hướng chọn ngành của thí sinh (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).
Bộ GD-ĐT thông tin, năm nay số thí sinh dự thi tăng từ 900 nghìn lên hơn 1 triệu, tăng hơn 11% so với năm 2020.
Số thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng tăng 152 nghìn (từ 643 lên 795), tăng 24% so với 2020, chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định.
Số thí sinh đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác tăng 17.000 so với năm trước.
Về điểm thi, số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (tất cả tổ hợp) chiếm 4,7%. Theo Bộ GD-ĐT, đây là điều hết sức bình thường.
Về tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho hay, số mã ngành tuyển sinh từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020. Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9%.
Về điểm chuẩn đại học tăng, Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường top trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh về điểm chuẩn.
Bên cạnh đó, số ngành có điểm chuẩn giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành). Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%.
Theo thống kê, số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265 ngành. Trong đó, khối Kỹ thuật - Công nghệ 70 ngành và Sư phạm 64 ngành đã chiếm tới 50%; khối Kinh doanh & Quản lý 42 ngành, Xã hội Nhân văn là 32 ngành, Pháp luật 10 ngành.
"Đây là tín hiệu cho thấy, xu thế chọn ngành, nghề của thí sinh hiện nay rất kỹ" - Bộ GD-ĐT nhận định.
Số lượng thí sinh đạt trên 27 điểm chỉ chiếm dưới 5%
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, nếu chỉ nhìn vào một vài trường, một vài ngành có số lượng thí sinh tăng cao, sẽ có cái nhìn định tính. Thống kê số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn mà trên 27 chiếm dưới 5%, với con số này không thể nói là điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao với việc thí sinh lựa chọn tập trung vào một số ngành, dẫn tới điểm chuẩn vọt lên.
Thứ trưởng Sơn cho hay, có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt. Việc các trường top trên có điểm cao và có sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.
Với tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong một năm rất đặc biệt, các em có thể dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học để không phải vất vả đi dự thi nhiều lần - đó là thành công lớn của kỳ thi này mà chúng ta cần nhìn nhận.
Về phương hướng tuyển sinh trong năm tới, thứ trưởng Sơn cho rằng: "Hiện nay các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Khi phân tích dữ liệu, con số nói lên rất nhiều và rất hữu ích cho việc xây dựng chính sách. Vì vậy, chúng tôi khuyên các trường nên phân tích dữ liệu thật kỹ, điểm đầu vào, quá trình học thế nào, để từ đó thấy được phương thức nào sẽ phù hợp với trường mình.
Bộ khuyến khích các trường hợp tác liên kết để xây dựng phương án xét tuyển bổ sung vào phương thức xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có việc xây dựng các kỳ thi, bài thi để thí sinh chỉ cần dự thi ít lần, tránh vất vả cho thí sinh".