Những cách giữ kết nối với con khi bố mẹ ở xa
(Dân trí) - Nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn khi phải sống xa con của mình. Để giữ kết nối với con trong hoàn cảnh đó là không hề dễ dàng.
Một số bậc cha mẹ thường xuyên phải đi công tác xa nhà hoặc sau khi ly hôn, bố hoặc mẹ sẽ phải sống xa con của mình. Đó không phải là hoàn cảnh sống lý tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể gần gũi với con cái mình.
Trên thực tế, với một số nỗ lực và kế hoạch, bạn vẫn có thể có mối quan hệ thân thiết với con mình ngay cả khi bạn và con cái phải sống xa nhau.
Giữ liên lạc với vợ/chồng
Một trong những cách quan trọng nhất để đảm bảo bạn có mối liên hệ chặt chẽ với con cái là giữ liên lạc với vợ/chồng của mình, ngay cả khi hai người đã ly dị. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là một trong những cách tốt nhất để bạn biết được có những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con bạn.
Khi trò chuyện với vợ/chồng của mình, bạn sẽ biết khi nào là thời điểm thích hợp để liên lạc với con bạn trong tuần và vào cuối tuần; Con bạn có thông tin gì mới, có niềm vui, nỗi buồn nào mà bạn có thể sẻ chia.
Hãy nhớ rằng, hãy luôn thông cảm cho vợ/chồng của bạn, người đang chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái. Họ đang gánh vác phần lớn gánh nặng khi phải đưa con đến trường đúng giờ, giúp con làm bài tập về nhà, đưa con tham gia các hoạt động sau giờ học và làm tất cả những công việc thường ngày khác.
Nếu như bạn muốn khoảng thời gian ngắn ngủi của mình với con trở nên hoàn hảo nhất có thể thì con bạn cũng vậy. Con bạn có thể không muốn chia sẻ qua điện thoại với bạn bất kỳ tin tức nào dẫn tới việc bố mẹ và con cái xung đột. Chúng có thể tránh nói với bạn rằng chúng bị điểm kém hay chúng có mâu thuẫn với anh chị em trong nhà hoặc bạn bè.
Giữ liên lạc thường xuyên với vợ/chồng ngay cả khi hai người đã ly hôn sẽ giúp bạn có được bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của con bạn khi bạn không thể ở bên con hàng ngày.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hơn bao giờ hết, mọi người có thể duy trì kết nối từ xa. Có rất nhiều cách để giao tiếp, liên lạc, ví như gửi email, nhắn tin, liên lạc qua mạng xã hội, gọi video call...
Với những bậc cha mẹ thường xuyên phải xa con, việc gọi video call sẽ rất hữu ích khi mà cả âm thanh và hình ảnh đều được truyền tải.
Ngay cả một đứa trẻ mới biết đi đã có thể nhận ra bố/mẹ của mình qua màn hình máy tính, điện thoại. Cuộc trò chuyện và có thể nhìn thấy mặt của nhau sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Gửi quà cho con
Trẻ em sẽ luôn thích nhận thư tay và bưu phẩm. Vì thế, các bậc cha mẹ phải sống xa con có thể gửi quà cho con vào các dịp sinh nhật, lễ Tết, thậm chí không phải là dịp gì đặc biệt.
Những bức thư dù ngắn ngủi, những món quà không cần phải đắt tiền nhưng vẫn sẽ khiến con trẻ vô cùng vui vẻ. Đó là cách đơn giản để con biết rằng bạn yêu thương con và luôn nghĩ đến chúng.
Tận dụng tối đa thời gian ở bên con
Khi bạn và con có thể gặp nhau, hãy tận dụng tối đa thời gian đó. Ví như nếu con đáp chuyến bay tới gặp bạn, hãy chủ động đón con ở sân bay.
Đừng gây áp lực cho con bằng hàng loạt những câu hỏi hoặc nhận xét "móc máy" về con và người bố hoặc mẹ mà con đang sống cùng. Hãy tập trung vào con bạn và tận hưởng từng khoảnh khắc quý giá nhất có thể.
Khi bạn được gặp con, hãy hỏi con xem chúng muốn làm gì cùng bạn và đề nghị chúng giúp bạn một số việc để gia đình thêm gắn kết. Để con giúp bạn một số việc là cách tuyệt vời để dạy chúng những kỹ năng thực tế và nâng cao sự tự tin của con cái.
Lưu giữ kỷ niệm
Đừng quên chụp nhiều ảnh và quay video những khoảnh khắc bạn được ở bên con. Điều đó sẽ cho con bạn thấy, bố/mẹ chúng trân trọng khoảng thời gian bên con như thế nào. Sau đó, bạn có thể gửi cho con một album ảnh của con với bạn.
Nếu bạn là bậc cha mẹ đang phải sống xa con, đừng quá buồn phiền, tuyệt vọng. Nếu bạn liên lạc với chúng một cách thường xuyên, luôn quan tâm tới con cái, bạn vẫn có thể là một phần quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc sống của con bạn.
Lưu ý rằng, khi bạn phải sống xa con, đừng mong đợi con bạn chủ động liên hệ với bố mẹ thường xuyên. Đừng mong đợi rằng con bạn sẽ có cùng tần suất liên lạc giống như bạn đang làm với chúng.
Trẻ nhỏ không chủ động liên hệ với bố mẹ không có nghĩa là con không đánh giá cao những gì bạn đang làm hoặc không yêu thương cha mẹ. Chỉ đơn giản là con còn nhiều mối quan tâm khác, bận học và chưa đủ trưởng thành để nhận thức về giá trị của tình thân, sự gắn kết gia đình.