Nhiều điểm cần tháo gỡ trong kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông

Thu Minh

(Dân trí) - Thông tư 13 (ban hành năm 2020) quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đang gây khó khăn cho cơ sở giáo dục trong việc đạt công nhận kiểm định, công nhận chuẩn quốc gia.

Đó là một số ý kiến của Sở GD-ĐT tại Hội nghị Sơ kết công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 tổ chức ngày 11/12.

24.984 cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015-2020 cho thấy, đã có nhiều hoạt động được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhiều điểm cần tháo gỡ trong kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông - 1
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng chủ trì phần thảo luận tại Hội nghị

Tính đến năm học 2019-2020, 100% Sở GDĐT đã triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó nhiều tỉnh/thành phố có tỷ lệ cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài cao trên 90%, như: Bắc Ninh; Hà Nam; Hưng Yên… 4 tỉnh/thành phố có số lượng trường được đánh giá ngoài lớn (trên 1500 trường) gồm Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Thanh Hóa.

Tính đến tháng 7/2020 có 24.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trên cả nước đã được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 58,70%. Số lượng này tăng gần 6 lần so với mức 4.206 trường (chiếm tỉ lệ 9,75%) được đánh giá ngoài năm 2014. Công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục cũng chuyển biến rõ rệt; đạt tỷ lệ 96% cơ sở hoàn thành tự đánh giá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Lê Mỹ Phong cho biết, các Sở GDĐT và cơ sở giáo dục cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong công tác quản lý giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục.

Qua thực tiễn triển khai, các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm định chất lượng có ý nghĩa và tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc có thêm nhiều cơ sở giáo dục được công nhận kiểm định chất lượng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều trường nâng cao được các tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục;… Người hưởng lợi cuối cùng từ quá trình phấn đấu đạt các mức của tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, trường chuẩn quốc gia chính là các học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác kiểm định chất lượng còn một số hạn chế như: một bộ phận cán bộ quản lý (nhất là quản lý cơ sở giáo dục) chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác kiểm định chất lượng giáo dục; còn một số địa phương triển khai chậm hoạt động này; chất lượng kiểm định viên chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của một số Sở GDĐT còn thiếu và luôn có sự thay đổi nên ảnh hưởng hiệu quả triển khai…

Quy định về cơ sở vật chất có gây khó cho các trường?

Nhiều điểm cần tháo gỡ trong kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông - 2
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, một số địa phương nêu ý kiến về việc một số tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thực hiện theo Thông tư 13 (ban hành năm 2020) quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đang gây khó khăn cho cơ sở giáo dục trong việc đạt công nhận kiểm định, công nhận chuẩn quốc gia. Trong khi đó, đây là một trong những tiêu chí thi đua được không ít địa phương đề ra.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn hữu Độ cho biết, chuẩn kiểm định chất lượng không phải danh hiệu thi đua và không vì đạt danh hiệu thi đua mà hạ chuẩn đánh giá. Chúng ta muốn học sinh được học trong môi trường tốt hơn thì phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng; không vì danh hiệu thi đua mà hạ chuẩn đánh giá.

Một số địa phương gặp khó khăn về quy định diện tích mặt sàn xây dựng, như Hà Nội, TP HCM… Bộ GDĐT đã có quy định đặc thù, cho phép các trường xây dựng trước khi Thông tư 13 có hiệu lực, được áp dụng quy định về diện tích mặt sàn theo văn bản trước. Tất cả các trường được xây dựng sau khi ban hành Thông tư 13 phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo Thông tư này".

Làm rõ nội dung liên quan đến Thông tư 13, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) Phạm Hùng Anh cho biết, Thông tư được ban hành năm 2020, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, các Thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng và ban hành (năm 2018) khi chương trình mới chưa được phê duyệt.

Do đó, tới đây các hạng mục liên quan đến kiểm định chất lượng về tiêu chí cơ sở vật chất sẽ được điều chỉnh lại. Một loạt các văn bản liên quan như: tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học các cấp; quy định về phòng học bộ môn; tiêu chuẩn thư viện; thiết kế mẫu nhà vệ sinh… cũng phải điều chỉnh theo Thông tư 13

"Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì duy nhất hiện nay có Bộ GDĐT đã ban hành được bộ tiêu chuẩn cơ sở vật chất thống nhất trong toàn ngành. Đây là bước tiến tốt, giúp chúng ta có thể xây dựng các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu của tương lai", Cục trưởng Phạm Hùng Anh nói và đề nghị các địa phương, nhà trường tiếp tục nỗ lực triển khai nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đáp ứng các yêu cầu mới của Thông tư 13.