DMagazine

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa

(Dân trí) - Bươn chải ngoài đường phố hơn 20 năm, chị Thủy thấm thía nỗi tủi hờn của sự nghèo khổ. Mong ước của chị là các con được học tới nơi tới chốn để thoát khỏi cái nghèo…

(Dân trí) - Bươn chải ngoài đường phố hơn 20 năm, chị Thủy thấm thía nỗi tủi hờn của sự nghèo khổ. Mong ước của chị là các con được học tới nơi tới chốn để thoát khỏi cái nghèo…

Hơn 12h trưa, trời Hà Nội nắng gắt tới "cháy da cháy thịt". Những dãy nhà san sát cùng tiếng rú ga, còi xe inh tai của mấy người đi đường ngại chờ đèn đỏ khiến không khí càng ngột ngạt hơn. Người buộc phải lao ra đường tầm này đều kín mít quần áo chống nắng, khẩu trang, kính râm. Họ cố đi dạt vào đoạn có bóng râm để bớt đi phần nào cái bỏng rát của mặt trời.

Chị Thủy ngồi nghỉ bên một gốc cây đối diện cổng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vội lấy cổ tay gạt đi những giọt mồ hôi chuẩn bị lăn xuống mắt. Xung quanh người phụ nữ trung niên là đống đồ lủng liểng: đồ nghề làm khóa, bơm xe, thau chậu, dụng cụ vá xe,… Cái nóng hầm hập bốc lên từ đường nhựa khiến bóng râm của tán cây dường như không còn tác dụng làm mát.

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa - 1

Vừa ăn vội hộp cơm đã nguội ngắt được gói theo từ sáng, chị Thủy lại tất tả khi có khách tới vá xe. "Ngày xưa da không đen như thế này đâu. Nhưng hai mấy năm làm ở ngoài đường, trắng không nổi nữa", chị Thủy cười, vừa chỉ vào phần tay sạm đen vì nắng gió.

Hơn 20 năm, người phụ nữ bươn chải nơi vỉa hè, làm thủ thứ nghề để mưu sinh. Động lực lớn nhất của chị nằm trong cánh cổng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội kia, nơi con gái đang miệt mài với sách vở…

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa - 4

Ở vùng quê nghèo không có công việc ổn định, ngày Kiều Khanh - con gái lớn - được một tuổi rưỡi, vợ chồng chị Thủy quyết định gửi cháu cho ông bà chăm sóc, lên Hà Nội kiếm việc mưu sinh. Anh chị chọn góc vỉa hè trên đường Trần Đại Nghĩa, đối diện cổng trường đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi luôn đông sinh viên qua lại để làm nghề sửa khóa, bơm vá xe.

Ban đầu, người chồng làm chính, chị Thủy chỉ phụ chuẩn bị đồ nghề, dụng cụ. Thế nhưng 4 năm nay, anh đau ốm liên miên, không thể lao động, chị Thủy một mình gồng gánh nuôi 3 con ăn học. Con gái lớn hiện học năm 4 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cháu thứ hai học lớp 6, còn đứa út mới lớp 3. Do ông bà ở quê đều đã già yếu, chị Thủy buộc phải đưa các con lên Hà Nội. Cả gia đình 5 người thuê 2 phòng trọ chật hẹp, giá 1 triệu đồng/phòng.

Hàng ngày, chị Thủy ôm đồ nghề ra vỉa hè từ sáng sớm, tới chập tối khi sinh viên tan học, rời trường hết mới về nhà. Việc sửa xe, bơm vá tưởng khó với phụ nữ, nhưng chị bảo đã quen sau mười mấy năm "học mót" kinh nghiệm từ chồng. Đa số trường hợp không làm khó được chị Thủy. "Ca" nào phức tạp quá, chị sẽ chỉ chỗ để khách tới những quán có đầy đủ dụng cụ hơn.

Ngoài bơm vá xe, sửa khóa, chị Thủy làm thêm cả nghề xe ôm, ship hàng. Có khách gọi, chị lại nhờ cô Cân - người bán cà phê rong cùng ở đoạn vỉa hè này trông hộ đồ nghề, tranh thủ chạy xe kiếm thêm.

Cô Cân là người Hà Giang, quen chị Thủy từ một lần xe đạp bị thủng xăm, được chị vá giúp. "Cùng phận kiếm ăn ngoài đường phố, tôi cũng khổ, nhưng cô ấy khổ hơn rất nhiều", cô Cân nói. Thương chị Thủy vất vả, từ đó, hôm nào cũng đúng 11h trưa, cô Cân lại tấp xe vào đoạn vỉa hè này để chị em chuyện trò cho khuây khỏa. Thỉnh thoảng, cô nấu cơm trưa hoặc mua cái bánh mì đưa chị Thủy, cùng san sẻ cho qua bữa.

"Thủy một nách 3 đứa con, việc gì cũng phải kiếm, việc gì cũng phải nhặt. Có khi người ta bảo chở đi mấy cây số, trả có 10.000-15.000 đồng cũng đi. Có khi một cuốc xe từ đây lên Bệnh viện 108, trả 20.000 cũng phải gom nhặt.

Rồi mới hôm trước, 12h trưa nắng như vậy, chẳng ai buồn ra đường, một cuốc từ Bách Khoa sang tận Đông Anh mà vừa đi vừa về được có 100.000 đồng, trừ xăng xe đi cũng đâu còn mấy. Nhưng vẫn phải đi, vì không làm thì chờ đến bao giờ mới có khách. Người ta mà thuê được đắt đã chẳng gọi đến mình…", cô Cân kể lại.

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa - 5

Mưu sinh ngoài hè phố, chị Thủy từng gặp đủ thứ chuyện. Mấy năm trước, buổi tối sau khi dọn hàng sửa xe, chị cũng dọn hàng nước, bán tới 12h đêm, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng rồi hàng nước bị kẻ xấu phá, liên tục bị rạch trộm ô bạt che nắng, rạch thùng xe lấy hết đồ. Là phụ nữ một thân một mình, chị Thủy đành ngậm ngùi bỏ nghề hàng nước.

Bây giờ, cuộc sống của cả gia đình chỉ dựa vào chiếc máy làm khóa nhỏ, đống đồ sửa xe và những cuốc xe ôm thi thoảng được gọi…

Chị Thủy bảo, mấy năm nay, bất kể nắng hay mưa, mùa hè hay mùa đông rét cắt da cắt thịt, chưa hôm nào chị cho mình được ngơi nghỉ, bởi nếu chị nghỉ, những đứa trẻ ở nhà sẽ không biết trông cậy vào đâu.

"Tôi là lao động chính mà nghỉ thì làm gì có tiền nuôi các cháu. Mệt cũng phải cố, không thể ỷ lại cho ai. Hôm nào ốm thì uống thuốc xong lại dậy đi làm, vì nếu cứ nằm đấy bệnh lại nặng thêm, mà con thì còn đang ăn học...", chị chia sẻ.

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa - 7

Kiều Khanh, con gái lớn của chị Thủy đang là sinh viên năm 4, ngành Kỹ Thuật Hóa Học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Chị Thủy nhớ lại, thời điểm nộp hồ sơ đăng ký vào đại học, khi các bạn cùng lớp đã nộp hết, Kiều Khanh vẫn chưa nộp. Khanh nói với mẹ: "Con không muốn đi đại học đâu, mẹ cho con đi làm hoặc học nghề để con nhanh kiếm tiền. Học 4-5 năm như thế tốn tiền của mẹ, lại mất 5 năm con không kiếm tiền giúp gia đình được…".

Nghe con xin không thi, chị Thủy trào nước mắt. Ban đầu, chị thuyết phục: "Con cứ thi thử để mẹ biết điểm, biết năng lực của con như thế nào thôi".

Sau này, khi biết Khanh thi đỗ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, chị quả quyết ép con đi học: "Con cứ học đi, nếu con thích đi làm thì học xong năm nhất, mẹ sẽ xin nhà trường bảo lưu cho con đi làm, khi ổn định kinh tế rồi quay lại học. 5 năm đại học chỉ như giấc ngủ trưa thôi, hơn cấp III có 2 năm. Có như thế nào mẹ vẫn lo cho con đầy đủ".

Cứ thế, Khanh đồng ý nhập học. Chị Thủy bảo, rất may mắn vì từ đó tới nay, con gái chỉ cặm cụi học, không thấy nói tới chuyện xin nghỉ nữa.

Người mẹ 20 năm vá xe ở Hà Nội trào nước mắt khi con gái đỗ Bách Khoa - 9

Thương mẹ vất vả, suốt năm nhất, năm hai đại học, cứ hết giờ trên lớp, Khanh lại chạy ra cổng trường để phụ mẹ bơm xe. Buổi trưa, hai mẹ con cùng ăn cơm canh được gói theo từ sáng. Đến năm ba, năm tư, cô bé xin đi làm thêm ở quán thạch chè gần đó tới 7-8h tối, lương 20.000 đồng một giờ. Một tuần 3 buổi, Khanh cũng đi gia sư để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Số tiền kiếm được, Khanh đưa mẹ đóng tiền phòng, gom với mẹ đóng học và mua sữa cho em.

Chị Thủy nhắc nhở con không cần đi làm thêm, nên chú tâm vào việc học, nhưng cô bé vẫn một mực muốn giúp đỡ mẹ. Sự trưởng thành của Khanh khiến chị rất hạnh phúc.

Người phụ nữ tâm sự, đã có những giai đoạn chị cảm thấy kiệt quệ. Nhưng động lực khiến chị bừng tỉnh, thoát khỏi sự yếu đuối chính là tương lai của 3 đứa con. Bươn chải ngoài đường phố hơn 20 năm, chị Thủy thấm thía nỗi tủi hờn của sự nghèo khổ, cơ cực. Chị mong các con được học để sau này thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.

"Muốn thoát nghèo chỉ có con đường học thôi. Tôi đã khổ như vậy, phải hy sinh cho con có tư duy, kiến thức để sau này cháu đỡ khổ. Học tới nơi tới chốn, các con sẽ kiếm được công việc ổn định hơn, lương đều đặn, đỡ phải bươn chải vất vả. Nếu không đi học, nhỡ đâu mai này con lại phải sống cuộc đời như tôi?", chị Thủy nói.

Chị cho biết, một năm nữa khi Kiều Khanh tốt nghiệp đại học, nếu con có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ, chị vẫn sẵn sàng vay mượn tiền hoặc tìm mọi cách để Khanh tiếp tục được học. Chưa thời điểm nào, chị Thủy có ý nghĩ sẽ để các con phải nghỉ học…

"Tôi chỉ có ước mong các con thành đạt, sau này cuộc sống của tụi nó đỡ khổ. Mong tôi có đủ sức khỏe để nuôi con ăn học tới nơi tới chốn", chị Thủy rạng rỡ trả lời khi được hỏi về ước mơ của bản thân.

- Vậy còn ước mơ cho riêng chị?

- Nếu sau này các con thành đạt cả rồi, tôi mong sẽ bớt khổ đi một chút…

Nội dung, hình ảnh: Nguyễn Liên

Thiết kế: Tuấn Huy