Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn

Mỹ Hà

(Dân trí) - Hàng triệu học sinh cả nước sắp bước vào năm học mới. Năm học này, ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức: Thiếu giáo viên chương trình phổ thông mới, giá SGK cao, trường lớp quá tải…

Thiếu hàng nghìn giáo viên 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022 mới đây, nhiều địa phương cho biết thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là với chương trình phổ thông mới.

Điều đáng nói, thiếu giáo viên là việc lớn nhưng Bộ GD&ĐT không giải quyết được mà phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố.

Theo Thứ trường Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn, không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.

Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 1

Cả nước hiện thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là các môn học của Chương trình phổ thông mới (Ảnh: Hải Phong).

Chia sẻ với những khó khăn về thiếu giáo viên mà các địa phương đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần thông cảm cho ngành giáo dục, bởi ngay cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục như lương, biên chế, trường lớp.

Để góp phần ngăn chặn việc thiếu, thừa giáo viên cục bộ, Phó thủ tướng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuyển biến nhanh hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nắm chắc thống kê nguồn lực của ngành.

"Nắm được rồi thì phải cập nhật, có bộ phận xử lý thông tin. Bộ làm sao phải biết từng địa bàn có bao nhiêu trường, lớp, giáo viên, rồi kết hợp với dữ liệu về dân cư sẽ biết chỗ nào thiếu, thừa giáo viên, từ đó mới quy hoạch được", ông Đam nói.

Quá tải trường lớp và chuyện phải bốc thăm để được đi học

Bốc thăm để trẻ được đi học: Có lẽ đây là một trong những câu chuyện hy hữu bậc nhất của Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bởi lẽ có những trẻ em mới 3 tuổi đã vấp cú "trượt tơi tả" trong giáo dục.

Sau sự việc hy hữu này, người thì mắng trường, người mắng ngành xây dựng, ngành giáo dục bởi vì sao để xảy ra tình trạng này. 

Không riêng gì Hoàng Liệt, việc một phường nào đó của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thiếu trường lớp hoặc có những lớp học đến hơn 60 học sinh là chuyện  từ nhiều năm nay.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 2

Chuyện hy hữu, phụ huynh phải bốc thăm để giành suất vào mầm non ở Hà Nội (Ảnh: Th. Hùng).

Gần đây, một số TP lớn như Hà Nội, TPHCM ngày càng có nhiều "siêu phường" do sự phát triển nhanh chóng của những khu đô thị, những tòa chung cư chọc trời thì chuyện quá tải trường lớp là điều dễ hiểu. 

Chẳng hạn theo báo cáo mới nhất của quận Hoàng Mai, Hà Nội, địa bàn quận này hiện có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 đơn nguyên nhà chung cư cũ.

Tổng số học sinh của quận Hoàng Mai hiện có 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái.

Quận Hoàng Mai (Hà Nội) hiện thiếu 36 trường phổ thông. Chiếu theo một số quy định về danh mục vị trí việc làm, toàn quận thiếu 951 cán bộ, giáo viên.

Cùng với việc nhiều chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư không chịu xây trường học đi kèm như quy hoạch ban đầu gây sức ép lên hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục ở các địa bàn này cực lớn.

Không còn cách nào khác, chính quyền địa phương và ngành giáo dục phải gồng mình lên lo việc học hành cho các em và chuyện quá tải đã xảy ra.

Giá sách giáo khoa "dựng đứng", học phí cũng tăng giá

Sau dịch Covid-19, nhiều gia đình tiếp tục lao đao khi xăng tăng giá, giá SGK cao gấp 3 lần, học phí đại học có trường tăng gấp đôi so với mức cũ…

Về giá SGK, theo Bộ Tài chính, hiện giá sách giáo khoa được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá.

Theo đó, giá SGK thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Trong năm học 2022-2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.

Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá SGK, mức giảm phổ biến trong khoảng 5-15% tùy từng cuốn sách.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 3
Bộ Tài chính đề xuất SGK do Nhà nước định giá (Ảnh: Mỹ Hà).

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá sửa đổi, hiện đã đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá SGK gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để SGK có giá cả hợp lý đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo.

Trong khi chờ Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá SGK.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính việc tăng giá SGK sẽ tác động làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,05 điểm phần trăm.

Nhấn mạnh cần hết sức thận trọng khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập cần tính toán kỹ tác động và có lộ trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu con số, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2030 dự kiến tăng 40 - 90%, tác động đến CPI chung năm 2022 từ 0,55-1,05% là rất lớn.

Cùng với tác động của giá xăng dầu và một số mặt hàng khác cộng hưởng vào sẽ rất khó cho công tác điều hành.

Cho rằng không phải tăng giá dịch vụ giáo dục là giải pháp cuối cùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở nguồn lực ngân sách Nhà nước, có thể đề xuất tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp, trong một thời điểm nhất định.

Với sách giáo khoa, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về giá để quản lý giá phù hợp tình hình thực tế, để mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, mỗi học sinh đều phải mua, do đó việc xã hội hóa biên soạn, in ấn sách cần thiết kế phù hợp, đáp ứng yêu cầu.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 4

Học phí cho con giờ trở thành nỗi lo đối với nhiều gia đình (Ảnh: Mạnh Quân).

"Lạm phát" điểm học bạ và kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ về đâu?

Với con số 99% học sinh cả nước đỗ tốt nghiệp, điểm học bạ cao chót vót "lạm phát" hơn cả giá tiêu dùng, một số ý kiến đặt ra về kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian tới sẽ ra sao.

Theo một số chuyên gia, nếu chỉ vì xét tốt nghiệp thì không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như bây giờ.

Tuy nhiên, kỳ thi này có 3 mục tiêu, nên nhiều ý kiến cho rằng nên giữ và kiến nghị một số thay đổi.

"Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang áp dụng chương trình SGK mới, càng cần một kỳ thi chung để đánh giá chất lượng học tập vì việc đánh giá ở trường phổ thông hiện nay có độ tin cậy rất thấp, điều này thể hiện qua điểm học bạ vừa qua.

Mục tiêu nữa là kết quả thi có thể giúp các trường đại học làm cơ sở xét tuyển. Điều này đã ghi trong nghị quyết đổi mới toàn diện về giáo dục của Đảng.

Vì vậy tôi cho rằng, kỳ thi này vẫn nên có vì nó không chỉ xét tốt nghiệp mà còn nhiều mục đích lớn khác", một chuyên gia giáo dục ở TP Hồ Chí Minh nói.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 5
Việc đánh giá học tập ở trường THPT hiện nay rất đáng lo nên tốt nhất vẫn giữ nguyên kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo chuyên gia này, nhìn lại kết quả học bạ vừa qua so với điểm thi có thể thấy, việc đánh giá chất lượng học tập ở các trường phổ thông hiện nay rất đáng lo.

Vì vậy công bằng mà nói, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT dù sao vẫn đáng tin cậy hơn nhiều so với các kỳ thi khác.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên ở Hà Nội cũng phân tích, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong luật.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội bởi lẽ, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi, tương ứng với đó là 1 triệu gia đình quan tâm lo lắng , giám sát.

Chính vì lẽ đó, kỳ thi chịu sự giám sát của toàn xã hội rất lớn nên những người tham gia vào quy trình của kỳ thi này rất áp lực và kết quả đó có thể tin cậy nhất. Do đó quan điểm chuyên gia này đưa ra, vẫn duy trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

Năm học mới, giáo dục đối mặt với nhiều thách thức lớn  - 6
Phương án thi mới cần đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra và đảm bảo minh bạch (Ảnh: Hải Long).

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí trước đó về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đặc biệt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (có tỉnh đỗ 99- 100%).

Nhiều ý kiến đặt ra, Bộ GD&ĐT có nên trả hẳn kỳ thi tốt nghiệp này về cho các địa phương tổ chức? Lộ trình này sẽ như thế nào?

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị này đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Hiện nay, chúng ta đang tổ chức kỳ thi theo Luật Giáo dục 2019 là thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp.

Vậy nên hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.

Cho dù thi theo cách thức nào, một số người cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố phương án thi sớm, tránh gây hoang mang, giúp các nhà trường và học sinh chuẩn bị tốt nhất cả về kiến thức và tâm lý.