Lòng nhà giáo chúng tôi trong lắm!

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhà giáo chúng tôi có cuộc sống vật chất chật vật, đạm bạc nhưng thanh cao, sáng trong. Thật lòng mà nói, đã theo nghề giáo chúng tôi chẳng hề toan tính thiệt hơn. Lòng nhà giáo chúng tôi trong lắm!

Lòng nhà giáo chúng tôi trong lắm! - 1

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là một ngày đáng nhớ không có được những hình ảnh ấm áp thân mật gần gũi giữa cô và trò vì Covid-19.

Nhiều tâm tư

Năm 2021 quả là năm đặc biệt với lịch sử nền giáo dục nước nhà. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là một ngày đáng nhớ với tôi và đồng nghiệp bởi nó rơi đúng vào mùa đại dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp.  

Đang dạy trực tuyến cho học sinh nên ngày 20-11 nhà giáo địa phương nơi tôi đang dạy đầy tâm tư. Một ngày bình lặng, bình lặng ngay cả trên giấy vì cho đến sát ngày kỉ niệm vẫn chưa thấy bóng dáng công văn của các cấp quản lý giáo dục nói đến.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp nói với nhau rằng vậy có khi lại hay, lại ý nghĩa, gặp mặt nhau trực tuyến cũng vui như tết. Đồng nghiệp chia sẻ, những năm trước, đến gần ngày này, phụ huynh gặp trên lớp, đứng thập thò ngoài cửa lớp, đứng chờ ở cổng trường đưa vội vàng bao thư cho giáo viên, tới nhà quà cáp, phong bao.

Có những món quà, có những người tặng quà chẳng muốn nhận chút nào. Người nhận có những tình huống rất khó xử: Quà là hiện kim bằng cả tháng lương thầy cô, quà đắt tiền, phụ huynh nghèo chạy ăn từng bữa cũng "thưa thầy chẳng đáng là bao"…

Cách nay vài ba năm, còn gần một tuần nữa mới đến ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng tôi đã nhận được tin nhắn của một người bạn đồng nghiệp: "Sáng nay em nhận quà 20-11, về mở ra thấy mà buồn quá!".  Người bạn gửi cho tôi hình ảnh hộp nữ trang nhỏ nhắn, nhưng giá trị rất cao. Không chỉ cô bạn buồn mà tôi cũng buồn bởi nghề giáo của mình đang bị thương mại hóa, thị trường hóa mất rồi. Cô hỏi tôi cách trả lại món quà vô cùng "bất ngờ" và không mong muốn nhận chút nào.

Những món quà đơn sơ như những kỉ vật cuộc đời

Thế hệ 7X chúng tôi là những người được vinh dự tôn vinh thầy cô vào ngày 20-11 đầu tiên. Tôi nhớ những ngày nhà giáo cách nay hơn ba chục năm thật đơn giản, quà chỉ là những bông hoa đồng quê hái vội, nhưng nó là tình cảm yêu quý của chúng tôi dành tặng thầy cô.

Rồi tốt nghiệp sư phạm, tôi về một trường của vùng quê dạy học. Quà tặng ngày nhà giáo của học trò tôi là hoa dại, vài trái dừa, con cá, buồng chuối và những cuốn sổ giấy màu vàng. Dân quê mộc mạc, thiệt tình có thứ gì sai con mang tới tặng thầy cô giáo thứ ấy. Chỉ đơn sơ vậy đó mà ý nghĩa vô cùng, đến giờ tôi vẫn còn lưu giữ như những kỉ vật của cuộc đời theo nghiệp phấn trắng, bảng đen.

Thế nhưng, theo thời gian, những món quà tặng thầy cô đã biến tướng thành phong bì, quà đắt tiền như rượu ngoại, đồ trang sức... Năm trước, một giáo viên dạy tại trường tiểu học đã thẳng thừng từ chối phong bì trị giá cả chục triệu đồng của một phụ huynh.

Lòng nhà giáo chúng tôi trong lắm! - 2

Giáo viên tâm sự: "Điều chúng tôi muốn là học trò luôn nhớ về mình, dành tình cảm ấm áp cho thầy cô, phụ huynh tôn trọng và tin tưởng. Bấy nhiêu đó thôi đã là món quà quý giá và tuyệt vời lắm rồi". (Ảnh minh họa).

Cô giáo chua chát nói: "Buồn thật, phụ huynh giờ đi quà cô bằng phong bì nặng tay kèm theo những lời gửi gắm. Nghề mình bạc bẽo quá!". Cái bạc bẽo mà cô đề cập tới thật chẳng sai chút nào. Với gần hai chục năm trong nghề cô cho biết: "Không phải phụ huynh tặng bao thư với con số nặng trĩu là vô tư đâu, họ sẽ có nhiều đòi hỏi mà sau này nếu không được đáp ứng sẽ làm áp lực cho giáo viên".

Cô giáo này bảo: "Đã nhận quà rồi thì mai mốt họ sẽ đòi hỏi đủ thứ. Nhẹ là cô chuyển dùm chỗ cho con tôi. Rồi còn tới ngày thi thì bỏ nhỏ giáo viên coi ngó dùm". Bán - mua ngay cửa lớp học, ngay với cả người thầy.

Tôi từng được biết một câu chuyện xót xa lòng. Chưa kết thúc năm học, khi nghe tin con mình không nằm trong số 10 học sinh được khen thưởng, phụ huynh có con học lớp 1 đến nhà cô giáo hỏi lí do.

Sau khi nghe giải thích, phụ huynh nói một câu khiến cô giáo tái mặt, chưa bao giờ ngờ tới: "20-11, lễ tết tôi đều tặng tiền, quà cho cô, sao cô lại đối xử với con tôi như vậy?". Sau đó, để "hả họa" sự bực tức, nhằm chia sẻ với đồng nghiệp, cô giáo đã đăng chuyện này lên Facebook, tôi đọc mà giật mình. Thấy không nên, tôi đã gọi ngay cho người bạn cùng trường với cô giáo gỡ bài ngay xuống. May mắn là chỉ mới có một số người bạn thân quen đọc.

Không ít lần, cứ đến ngày 20-11, tôi lại nghe đâu đó hỏi nhau tặng cho thầy cô giáo quà gì. Có những câu tôi nghe đắng ngắt lòng: "Không quà cáp các ông, bà ấy đì con mình cho biết". "Dù nghèo cũng phải có cho xong". "Giờ thầy cô chỉ thích quà nặng tay". "Phải đi quà trước chứ để tới ngày lễ cô giáo đâu còn nhớ đến con mình. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!".

Quan trọng là sự tôn trọng

Năm nay dạy học trực tuyến, dịch bệnh Covid - 19 vẫn phức tạp, nhưng nhiều phụ huynh vẫn tìm mọi cách tặng quà thầy cô giáo. Họ lo lắng khi không tặng quà 20-11, sợ con em mình thiếu sự quan tâm, bị o ép. Chuyện vơ đũa cả nắm giờ có đầy ở nơi này, nơi kia, ai trong nghề vô tình nghe thấy mà không chạnh lòng.

Nói đi cũng phải nói lại, không ít phụ huynh tặng quà thầy cô nhân ngày 20-11 là cái tình, cái nghĩa, là để tri ân cảm ơn giáo viên đã dạy dỗ, tận tâm với con mình. Đó là những món quà nặng hay nhẹ không cần thiết, quan trọng là sự tôn trọng, đó thể hiện sự "tôn sư trọng đạo" của những người làm cha, làm mẹ.

Tôi là một giáo viên với gần 30 năm trong nghề, đã chứng kiến bao thăng trầm của giáo dục và nghề giáo. Tôi vẫn mong những góc khuất mình thấy chỉ có ở một vài nơi, chỉ là hạt cát trong bao la vũ trụ.

Xin đừng tặng những món quà "biến tướng", xin đừng thương mại hóa ngày nhà giáo của chúng tôi. Những món quà chúng tôi mong đợi là kết quả học tập, là sự thành đạt, thành danh của học trò. Điều chúng tôi muốn là học trò luôn nhớ về mình, dành tình cảm ấm áp cho thầy cô, phụ huynh tôn trọng và tin tưởng. Bấy nhiêu đó thôi đã là món quà quý giá và tuyệt vời lắm rồi.

Nhà giáo chúng tôi có cuộc sống vật chất chật vật, đạm bạc nhưng thanh cao, sáng trong. Nhà giáo chúng tôi luôn và mãi mãi tận tụy, nhiệt huyết, cống hiến cho nghề, thương yêu học trò hết mực, phụ huynh cứ yên tâm, tin tưởng, các em luôn được dạy dỗ và đối xử như nhau. Thật lòng mà nói, đã theo nghề giáo chúng tôi chẳng hề toan tính thiệt hơn. Lòng nhà giáo chúng tôi trong lắm.