Lạnh "thấu xương", thầy cô vẫn lặng lẽ đi xuồng, lội suối để gieo chữ
(Dân trí) - Không để học sinh phải nghỉ học, những ngày giá rét "thấu xương", các thầy cô giáo vẫn lặng lẽ đi xuồng, lội suối để gieo chữ cho các em học sinh nơi miền biên viễn.
Xã Hữu Khuông là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và là xã khó khăn nhất của huyện Tương Dương (Nghệ An). Sau khi sắp xếp và di dời dân lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hiện tại xã Hữu Khuông có 7 bản (Con Phen, Huồi Cọ, Chà Lâng, Pủng Bón, Tủng Hốc, Xàn, Huồi Pủng). Vị trí bản này cách bản kia từ 4 - 7km, cách trung tâm huyện từ 60 - 70km, giao thông đi lại rất khó khăn.
Theo thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hữu Khuông, sau ngày nghỉ thứ 7 được về thăm gia đình, chiều chủ nhật hàng tuần, các thầy cô giáo lại hẹn nhau tại bến xuồng thủy điện Bản Vẽ để cùng trở lại trường. Những ngày rét buốt như thời điểm này, chặng đường về "ốc đảo" lại khó khăn và gian nan hơn với các thầy, cô giáo công tác nơi đây.
Thời tiết giá rét nhưng có những thầy cô ở các huyện như: Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) phải vượt quãng đường hàng trăm km lên đây. Còn các thầy cô khác ở trong huyện Tương Dương cũng phải từ 30 - 70km để đến trung tâm huyện, sau đó tiếp tục đi xe máy vào gửi tại bến xuồng.
"Từ đây, chúng tôi đi xuồng hơn 2 giờ đồng hồ trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, sau đó đi bộ, lội suối khoảng 20 phút nữa mới đến được điểm trường", thầy Sơn chia sẻ thêm.
Trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc xuồng, mọi người như nín lặng, chỉ biết dựa lưng và bám chặt tay vào mạn xuồng giữa thời tiết lạnh giá. Những chiếc chăn bông hay ô được các thầy cô giáo tận dụng để đắp, che chắn nhằm ngăn bớt cái lạnh như "cắt da, cắt thịt". Thầy cô giáo đi xuồng cũng không quên dặn dò nhau cẩn thận tránh bị ngã xuống nước vì nhiệt độ xuống dưới 10⁰C.
Cách đây 11 năm, cô giáo Lương Thị Nhân (SN 1984) đặt chân lên đây công tác. Khi ấy, Hữu Khuông còn lưa thưa mái nhà, người dân sống chật vật trong cảnh cách trở với bên ngoài, thiếu điện, thiếu nước... Cơ sở vật chất của điểm trường còn nghèo nàn, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, chỉ có ngôi nhà cấp bốn xập xệ, mấy chiếc ghế gỗ và tấm bảng đen cũ sờn.
Gia đình ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương), cách xa trường hơn 200km, chiều thứ 6 sau khi dạy xong, cô Nhân đi xuồng máy nhiều giờ đồng hồ để ra bến Thượng Lưu rồi lại tiếp tục bắt xe về nhà.
"Lúc về được tới nhà cũng đã nửa đêm. Ở nhà với con được vài tiếng đồng hồ, ăn bữa cơm với gia đình, chiều chủ nhật tôi lại vội vàng bắt xe lên Hữu Khuông, cho kịp sáng thứ 2 đứng lớp. Gian nan, vất vả nhưng thấu hiểu hết những khó khăn của các em học sinh và người dân nơi đây nên tôi cố gắng vượt qua tất cả", cô Nhân trải lòng.
Công tác đây đã nhiều năm, thầy Hồ Đình Kỷ chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, mùa đông nơi đây nhiệt độ thường xuống rất thấp. Quãng đường vào trường rất xa và khó khăn nhưng các thầy cô luôn luôn hết mình với các em".
Bà Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: "Giai đoạn 2010 - 2015, các giáo viên ở đây rất ít khi được về thăm nhà, trừ khi các ngày lễ, Tết. Ngày đó, sóng điện thoại, internet... chưa có, việc liên lạc về gia đình chủ yếu qua thư tay. Cuộc sống của giáo viên ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi.
Khó khăn vất vả mà các thầy cô giáo ở xã Hữu Khuông phải đối mặt thì không thể kể hết. Năm nay, mùa đông ngoài nhiệt độ xuống thấp thì ở đây còn có kèm theo mưa rất to nên con đường đến trường vốn đã khó khăn nay lại thêm cực hơn".
Tại "ốc đảo" Hữu Khuông, hiện có 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS, trong đó Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS có 19 cán bộ giáo viên, nhân viên, 209 học sinh. Trường Tiểu học có một điểm chính và 3 điểm lẻ với tổng 293 học sinh, 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường Mầm Non có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại 7 điểm lẻ, với tổng số 180 học sinh. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của các dân tộc như: Thái, Khơ Mú và Mông.
Đã biết bao lần các thầy cô giáo lênh đênh trên sóng nước ngược xuôi nơi miền sơn cước này và không thể kể hết sự khó khăn vất vả của các thầy cô giáo gieo con chữ ở "ốc đảo" Hữu Khuông. Những hi sinh thầm lặng ấy đã và đang góp phần mang con chữ để tương lai cho các em được tươi sáng hơn.