Kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội thi vào 10: Tránh diễn đạt sáo rỗng

Nhật Hồng

(Dân trí) - Để viết được bài văn nghị luận xã hội ngắn gọn, thuyết phục người đọc và đạt điểm cao thì học sinh lớp 9 cần nắm vững các kĩ năng viết và trình bày bài văn, đoạn văn.

Thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hướng dẫn học sinh cách xác định đề, tư duy logic, sắp xếp các luận điểm, luận cứ một cách chặt chẽ và lựa chọn dẫn chứng sao cho thuyết phục để tối đa hóa điểm số trong bài nghị luận xã hội (NLXH).

Kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội thi vào 10: Tránh diễn đạt sáo rỗng - 1
Thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Tổng quan kiến thức cần nhớ

Về vị trí của câu nghị luận xã hội, thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết: Tùy theo cấu trúc đề thi của từng tỉnh/ thành phố thì câu nghị luận xã hội sẽ xuất hiện ở vị trí khác nhau.

Với đề thi được chia làm 2 phần là phần Đọc - hiểu văn bản và phần Làm văn, câu nghị luận xã hội thường sẽ là câu đầu tiên của phần Làm văn. Riêng với đề thi của một số tỉnh thành, ví dụ như Hà Nội, câu nghị luận xã hội không đứng độc lập mà sẽ đi kèm với một trong hai ngữ liệu Đọc - hiểu.

Theo thầy Hùng, việc nắm rõ vị trí xuất hiện của câu NLXH trong đề thi giúp học sinh nhận diện được câu hỏi và thực hiện chính xác yêu cầu của đề bài.

Về phân loại, thầy Hùng chỉ ra các dạng đề NLXH thường xuất hiện trong các đề thi vào lớp 10:

Theo yêu cầu về hình thức: Có 2 hình thức chủ yếu. Hình thức thứ nhất là viết bài văn NLXH, dung lượng khoảng 1 mặt giấy thi và được triển khai với cấu trúc đủ 3 phần gồm mở bài - thân bài - kết bài.

Trong đó, các phần phải được tách rời thành các đoạn văn độc lập. Riêng thân bài cần phải trình bày thành những đoạn văn nhỏ. Hình thức thứ 2 là viết đoạn văn NLXH, dung lượng khoảng 12-15 câu văn. Thầy Hùng lưu ý các em học sinh dù là viết bài văn hay viết đoạn văn NLXH thì cũng nên viết ngắn gọn, đầy đủ các phần, các ý.

Theo yêu cầu về nội dung, có thể chia thành các dạng bài sau:

Dạng bài thứ nhất: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Trong đó, đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường ra dưới dạng là một câu danh ngôn, một lời đúc kết, chiêm nghiệm giàu ý nghĩa thực tiễn hoặc hàm chứa một quan điểm nào đó. Vấn đề nghị luận thường là một vấn đề đạo đức, có thể là phẩm chất tốt đẹp, những giá trị sống cao đẹp trong xã hội hoặc một thói xấu cần phê phán. 

Dạng bài thứ 2: Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Đó là những vấn đề thời sự xuất hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Để nhận dạng kiểu bài này, thầy Hùng gợi ý các bạn học sinh có thể đặt các từ "hiện tượng", "thực trạng", "vấn đề" trước nội dung cần nghị luận. Nếu thấy hợp lí thì đó chính là kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Dạng bài thứ 3: Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra từ tác phẩm văn học. Ví dụ, từ bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chúng ta bàn luận về vai trò của lí tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ ngày hôm nay; từ bài Đoàn thuyền đánh cá chúng ta nêu suy nghĩ về vai trò và tầm quan trọng của biển đảo quê hương,...

Các bước làm bài văn nghị luận xã hội

Dù là làm bài văn hay đoạn văn, các em học sinh cũng nên tuân thủ các bước sau đây để làm tốt câu nghị luận xã hội:

Bước thứ nhất: Đọc và tìm hiểu đề

Trong đó các em học sinh cần xác định vấn đề nghị luận. Đó có thể là các vấn đề được nêu lên trực tiếp trong đề bài hoặc nên gián tiếp thông qua một lời nhận định như: câu danh ngôn, tục ngữ. Do vậy chúng ta phải đọc và tìm hiểu ý nghĩa của nhận định đó để rút ra vấn đề cần bàn luận.

Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận có thể được nêu ra dưới dạng câu chuyện ngắn nên khi đọc đề học sinh cần phải đọc kĩ và chú ý đến các từ khóa để xác định đúng vấn đề, tránh bị nhầm lẫn, sai đề.

Sau khi tìm hiểu đề thì cần xác định phạm vi nghị luận. Cụ thể: "Nếu như đề yêu cầu nêu ý kiến của em về sức mạnh của tình yêu thương thì các em chỉ cần tập trung sâu và kĩ vào vấn đề sức mạnh của tình yêu thương, tránh lan man sang các khía cạnh khác như biểu hiện của tình yêu thương hay vai trò của tình yêu thương để bài viết được tập trung và sâu sắc." - thầy Hùng nhấn mạnh.

Bước thứ 2: Lập dàn ý

Với thời lượng làm bài thi gấp rút và có hạn, thầy Hùng lưu ý ngay sau khi đọc và tìm hiểu đề, các em học sinh cần định hình những ý lớn, ý quan trọng, trình tự sắp xếp các ý đó ra sao và gạch nhanh các ý đó ra nháp để bám vào đó triển khai bài viết mạch lạc, đủ ý khi viết bài.

Bước 3: Viết bài

Dựa vào dàn ý được lập ở trên, học sinh có thể dễ dàng triển khai cho từng luận điểm mà không sợ sót hay thiếu những ý quan trọng. Đặc biệt, học sinh chú ý khi làm bài, mỗi luận điểm cần được viết thành một đoạn văn để bài văn nhìn hệ thống hơn và người chấm hay người đọc có thể nhanh chóng nhận ra từng luận điểm.

Bước 4: Đọc và sửa chữa

Sau khi viết xong bài, học sinh cần đọc lại để xem mình còn bỏ sót luận điểm nào không hay có mắc lỗi chính tả, ngữ pháp không, tránh mất điểm vì những lí do đáng tiếc.

Do đó, khi bắt đầu làm một bài văn nghị luận, học sinh cần phân bố thời gian hợp lí cho từng phần để có thể đạt điểm tuyệt đối với dạng bài tập này.

Lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội

Để làm tốt phần nghị luận xã hội, các em cần có vốn kiến thức xã hội phong phú, hiểu biết về thực tế cuộc sống và cả những sự việc từng diễn ra trong lịch sử.

Theo thầy Hùng, muốn có được điều này thì các em nên dành thời gian đọc sách, báo... để tích lũy thông tin. Đồng thời, các em cũng cần có suy ngẫm và quan điểm riêng khi bàn luận về một vấn đề.

Lưu ý quan trọng tiếp theo là dẫn chứng phải chính xác, tiêu biểu và toàn diện. "Khi đưa ra dẫn chứng mà mình tâm đắc thì các em phải dành thời gian để phân tích dẫn chứng. Qua đó giúp nội dung bài viết thêm sâu sắc và phong phú", thầy Hùng dặn dò.

Bên cạnh đó, thầy Hùng nhắc nhở các em học sinh cần tránh một số cách diễn đạt trong bài NLXH. Thứ nhất là tránh việc tuyệt đối hóa vấn đề hay có những nhận xét mang tính "vơ đũa cả nắm". Vì vậy, học sinh không nên dùng lời diễn đạt phủ định hoặc khẳng định tuyệt đối khi bàn luận về một vấn đề nào đó.

Thứ hai là tránh lối diễn đạt sáo rỗng. Cụ thể, học sinh nên tránh mở bài theo công thức, lối mòn và tránh kết bài theo kiểu hô khẩu hiệu. Thay vào đó, trong phần kết các em nên rút những bài học cụ thể, thiết thực của bản thân về vấn đề mà đề bài đưa ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm