Hơn 70% HS sẽ không đăng ký học hệ 9+ khi trường nghề bị dừng dạy văn hóa?

Trần Lê

(Dân trí) - Đó là nhận định của nhà quản lý khi Bộ GD&ĐT quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dừng tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.

Lãng phí nguồn nhân lực?

Ngày 10/3/2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa ban hành văn bản số 561 về việc dạy chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Hơn 70% HS sẽ không đăng ký học hệ 9+ khi trường nghề bị dừng dạy văn hóa? - 1
Từ năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT không cho phép tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT.

Theo đó, từ năm học 2021-2022, các trường Trung cấp, Cao đẳng (gọi chung là cơ sở GDNN) sẽ không thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT.

Trường hợp người học tại các cơ sở GDNN có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì cơ sở GDNN thực hiện "liên kết" với trung tâm GDTX hoặc trường THPT, trường THCS&THPT trong các khâu chọn, cử và phân công giáo viên giảng dạy, tổ chức chương trình, kiểm tra, đánh giá phê học bạ của học sinh.

Theo ông Lý Văn Chương, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, đề nghị nêu trên của ngành giáo dục gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở GDNN có đào tạo hệ 9+.

Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, để đáp ứng nhu cầu vừa học nghề, vừa học văn hóa của học sinh, nhà trường đã bố trí khu giảng đường riêng với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng việc dạy hơn 1.000 học sinh hệ 9+. Và hiện nhà trường có 1.260 học sinh hệ 9+.

Nếu dừng tuyển sinh lớp 10 GDTX cấp THPT hoặc chuyển công tác quản lý đào tạo của hệ này cho các trung tâm GDTX sẽ khiến đội ngũ nhà giáo tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa nói riêng và các cơ sở GDNN nói chung có đào tạo hệ 9+ dư thừa, không thể bố trí công việc khác; không hiện thực được việc phân luồng học sinh học nghề; đối với các trường THPT khi tham gia giảng dạy GDTX không đủ giáo viên cơ hữu, không có chương trình giảng dạy hệ GDTX…

Hơn 70% HS sẽ không đăng ký học hệ 9+ khi trường nghề bị dừng dạy văn hóa? - 2
Các cơ sở GDNN sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa kiến nghị: Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, tuy nhiên hiện chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Vì vậy, các cơ sở GDNN đủ điều kiện tổ chức giảng dạy văn hóa thì cho phép tiếp tục giảng dạy và quản lý đào tạo chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh 9+ có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT, để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo dạy văn hóa trong khi chờ Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Các cơ sở GDNN không đủ điều kiện tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tại trường thì phối hợp với các trung tâm GDTX để giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Ông Lý Văn Chương thông tin: 24 trung tâm GDTX-GDNN có 313 nhà giáo, còn 29 cơ sở GDNN có khoảng 217 nhà giáo đang dạy chương trình văn hóa.

"Việc dừng tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT sẽ khiến hơn 200 nhà giáo dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN sẽ như thế nào? cơ sở vật chất lâu nay để dành cho học sinh học chương trình văn hóa sẽ phải bỏ không nếu như không sử dụng; đối với học sinh, các cháu còn nhỏ mà phải di chuyển từ cơ sở GDNN đến các trung tâm được kết nối sẽ rất bất tiện, không an toàn...", ông Chương lo ngại.

Học sinh có còn được học 2 trong 1? 

Thống kê cho thấy, hiện nay lưu lượng học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở GDNN ở Thanh Hóa là 8.310 học sinh, sinh viên, trong đó khoảng 6.864 em tốt nghiệp THCS vừa học nghề trình độ trung cấp vừa học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hơn 70% HS sẽ không đăng ký học hệ 9+ khi trường nghề bị dừng dạy văn hóa? - 3

Nhiều cơ sở GDNN có đủ cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho việc dạy văn hóa. 

Thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua khảo sát các phụ huynh hiện có con đang theo học ở các trường đào tạo hệ 9+, 100% mong muốn con em mình học xong 3 năm vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng THPT quốc gia (hệ GDTX). Nếu học văn hóa không được thi THPT thì hơn 70% học sinh sẽ không đăng ký học hệ 9+.

Trong khi đó, hầu hết các cơ sở GDNN có khoa Khoa học cơ bản bảo đảm đủ số lượng, chất lượng về giáo viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy các môn văn hóa theo quy định của Sở GD&ĐT và chịu sự kiểm tra, giám sát về chất lượng của Sở GD&ĐT.

Tại Thanh Hóa, các cơ sở GDNN phần lớn đóng trên địa bàn thành phố, ông Lý Văn Chương đặt câu hỏi: Nếu thực hiện theo đề nghị của ngành giáo dục khi liên hệ với các trung tâm GDTX hoặc trường THPT trên địa bàn, liệu các đơn vị này có đáp ứng được yêu cầu giảng dạy?

Bên cạnh đó, sẽ ảnh hưởng đến việc phân luồng học sinh cũng như kế hoạch tuyển sinh trong thời gian tới của các cơ sở GDNN.

Hơn nữa, số học sinh đang theo học chương trình tại các cơ sở GDNN, nếu không đến Trung tâm GDTX hay các trường THPT thì các cơ sở GDNN không được xác nhận học bạ, như vậy các em sẽ không được đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Thực tế hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh tại các cơ sở GDNN thường đạt trên 90%.

"Theo yêu cầu mới, cho dù mình đủ điều kiện giảng dạy, nhưng phải kết nối với trung tâm GDTX hoặc trường THPT để hoàn thiện về hồ sơ, học bạ, thủ tục. Việc này không những bất cập mà còn phát sinh thêm chi phí về quản lý hồ sơ, học bạ, đóng dấu…", thầy Hùng băn khoăn.

Hơn 70% HS sẽ không đăng ký học hệ 9+ khi trường nghề bị dừng dạy văn hóa? - 4
Học sinh học tại các cơ sở GDNN ra trường có cơ hội cầm trong tay 2 tấm bằng nghề và THPT.

Theo thầy Hùng, sau khi văn bản 561 của Sở GD&ĐT được phát hành, dẫn đến tâm lý của nhiều phụ huynh thắc mắc về việc nhà trường có được phép đào tạo không hệ 9+ nữa không? Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con sau khi học 3 năm tại các cơ sở GDNN phải có bằng trung cấp và THPT.

"Trong thời điểm này chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh. Tuy nhiên, còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học, hiện các trường đang xây dựng kế hoạch tư vấn, phân luồng tại các trường THCS, vì vậy nếu thông tin không rõ ràng thì tâm lý phụ huynh học sinh sẽ không đăng ký vào học tại các cơ sở GDNN", thầy Hùng lo lắng.