Học thạc sĩ ở Mỹ về quê làm dệt dân tộc Jrai

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị (Trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) nhưng trăn trở với những giá trị văn hóa của dân tộc mình đang có nguy cơ mai một, anh Siu Hril đã trở về quê với nhiệt huyết khôi phục nghề dệt truyền thống của ông cha…

Học vì quê hương

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Jrai nghèo làng Brel, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, khi học xong phổ thông anh đã phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền thi vào đại học. Khác với bạn bè chỉ quan tâm đến những ngành thời thượng để dễ kiếm việc làm vừa có lương cao, Siu Hril lại chọn ngành quản trị du lịch Trường Đại học Đà Lạt. Từ khi lớn lên và ý thức được những nét đẹp truyền thống từ bàn tay dệt thổ cẩm của mẹ, anh đã ấp ủ mong muốn được góp chút công sức để bảo tồn, quảng bá những giá trị truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một…

Dù đã có tấm bằng đại học nhưng chưa bằng lòng với vốn kiến thức đã có, Siu Hril xuống TP Hồ Chí Minh xin vào một công ty du lịch lữ hành, vừa làm vừa học thêm ngoại ngữ. Dịp này, dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc Jrai” bằng tiếng Việt và tiếng Anh từ khi còn là sinh viên được anh hoàn chỉnh và bổ sung. Những ý tưởng về bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng dựa vào du lịch sinh thái, văn hóa đã cho anh học bổng du học thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị của Trường Đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ)…

Siu Hril (
Siu Hril (thứ 2 bìa trái) và các học viên lớp dự án dạy nghề dệt thổ cẩm.

Sau khi hoàn thành khóa học, mặc dù có cơ hội ở lại tìm việc làm nhưng Siu Hril vẫn quyết định về nước. Dù bận bịu nhiều công việc - từ hướng dẫn viên tiếng Anh tự do, thiết kế tour cho các công ty tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, cộng tác viên cho Công ty Dịch thuật Choice Translating Inc. North Carolina, Mỹ, chuyên dịch tài liệu học thuật từ tiếng Jrai- Anh, và ngược lại; làm trợ lý nghiên cứu đề tài tiến sĩ về văn hóa, nhạc cụ truyền thống, và lễ hội của người Jrai ở Tây Nguyên cho một sinh viên đang học tiến sĩ tại Trường Đại học Rome (Italia)… nhưng anh luôn dành thời gian để tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm thực hiện niềm khát khao của mình từ những ngày còn trên ghế nhà trường.

Thắp lại niềm hy vọng

Khi Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian của Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) đồng ý tài trợ, anh bắt tay thực hiện ba dự án cộng đồng gồm lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, dạy tạc tượng nhà mồ và nhạc cụ dân tộc…

Nghệ nhân Rơ Lan Pel: “Tôi tin chắc là các học viên sẽ biết dệt thành thạo những sản phẩm cơ bản và tạo ra được nhiều hoa văn tinh tế, đẹp mắt sau khi khóa học kết thúc.”

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống được anh chọn triển khai đầu tiên với mong muốn góp phần bảo tồn và lưu truyền nghề dệt truyền thống của người Jrai đang có nguy cơ mai một. Các học viên tham gia dự án sẽ trở thành những người truyền nghề cho các thế hệ sau. Nghệ nhân dệt thổ cẩm Rơ Lan Pel (làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP.Pleiku) được mời về truyền dạy một cách bài bản với mục tiêu học viên sẽ dệt thành thạo 8 sản phẩm thổ cẩm gồm: Váy nữ, áo nữ, túi, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, khăn địu em bé, áo nam và khố. Ngoài ra các học viên sẽ hiểu được ý nghĩa sâu sắc của 13-15 hoa văn đặc trưng văn hóa dân tộc Jrai sau 6 tháng theo học. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm sẽ do anh Siu Hril và những người cùng thực hiện dự án chịu trách nhiệm…

Cảm kích việc làm của anh, ông Ksor Nhang đã cho mượn nhà làm lớp học và nhận làm 11 bộ khung dệt mới cho các học viên với một phần tiền công rất nhỏ… Nói về khả năng thành công của lớp dệt thổ cẩm, nghệ nhân Rơ Lan Pel tin tưởng: “Các học viên ở đây sẽ biết dệt thành thạo những sản phẩm cơ bản và tạo ra được nhiều hoa văn tinh tế, đẹp mắt sau khi khóa học kết thúc, bởi tất cả đều đã được thắp lại niềm đam mê đối với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình…”.

Theo Nguyễn Giang

Dân Việt