Học sinh đối phó với bài tập Tết, sát ngày đi học mượn vở chép lẫn nhau

Quang Trường

(Dân trí) - "Cứ đến sát ngày đi học trở lại, nhiều bạn mượn vở của con tôi để chép bài, miễn sao đủ bài nộp cho cô. Các con còn chụp bài làm của mình để chia sẻ cho nhau", chị Thảo cho hay.

Mượn vở chép lẫn nhau để đối phó với bài tập Tết

Nhớ lại năm ngoái, trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ dịch kéo dài, Nguyễn Tuấn Anh (khi ấy là học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở Hà Nội) bị giáo viên ngữ văn yêu cầu chép phạt 10 lần 2 bài tập làm văn. Lý do là Tuấn Anh làm thiếu 2 đề trong số 5 đề tập làm văn mà cô giao vào dịp Tết.

Học sinh này cho biết, Tết năm ngoái, em được nghỉ 8 ngày nhưng phải tranh thủ làm bài tập Tết hết 4 ngày. Trước kỳ nghỉ, giáo viên ngữ văn thông báo có "lì xì" cho học sinh. "Năm nào cũng nghe cô nói vậy nên chúng em hiểu ngay là cô sẽ giao bài tập Tết cho cả lớp chứ không phải lì xì gì cả", Tuấn Anh nói.

Ngoài môn ngữ văn, Tuấn Anh còn phải hoàn thành mấy chục trang đề cương toán và học thuộc gần 100 từ vựng của 5 chủ đề tiếng Anh. Môn sinh học, vật lý, hóa học cũng có bài tập Tết nhưng em đánh liều không làm vì những năm trước thầy cô giao bài nhưng không kiểm tra.

Học sinh đối phó với bài tập Tết, sát ngày đi học mượn vở chép lẫn nhau - 1
Tuấn Anh đã bắt đầu làm bài tập Tết năm nay (Ảnh: NVCC).

Được nghỉ Tết từ 27 tháng Chạp, nam sinh "lao vào" làm bài tập, mục tiêu là hoàn thành sớm để được ăn Tết thảnh thơi. Tuy nhiên, đến chiều ngày cuối năm, Tuấn Anh mới chỉ làm xong bài tập toán.

"Năm ngoái, em ăn Tết không ngon vì nghĩ về "đống" đề cương đang làm dở. Mùng 4 Tết, em tiếp tục làm bài nhưng đến ngày đi học trở lại vẫn chưa xong bài tập làm văn, còn từ vựng tiếng Anh thì chỗ nhớ, chỗ quên.

Nếu là ngày thường, em có thể hoàn thành nhưng ngày Tết em bị phân tâm vì vừa học bài vừa có khách đến nhà chúc Tết, ăn uống, hát hò, thỉnh thoảng em lại bỏ bàn học để đi chơi vì không chịu được kiểu ngồi yên một chỗ trong khi mọi người còn lại được vui chơi. Vì vậy, em làm mãi không xong, phải chịu chép phạt", Tuấn Anh cho biết.

Theo Tuấn Anh, năm nào cũng chỉ có vài bạn hoàn thành đầy đủ bài tập Tết, em và đa số học sinh xác định bị phạt để có thời gian chơi Tết. Giáo viên nào dễ tính sẽ bỏ qua, một số thầy cô nghiêm khắc thường yêu cầu học sinh chép phạt.

Hiện tại, Tuấn Anh đã bắt tay vào làm bài tập Tết năm nay. Em được giao học thuộc các mẫu câu, từ vựng tiếng Anh và làm 5 đề trắc nghiệm. Ở môn toán, em được giao làm nốt tập đề cương ôn tập học kỳ 1, bộ đề cương này gồm 2 phần: Phần đầu là ôn tập kiểm tra học kỳ 1 đã được Tuấn Anh hoàn thành trước đó, phần 2 là bài tập Tết. Các môn còn lại không có bài tập.

Học sinh đối phó với bài tập Tết, sát ngày đi học mượn vở chép lẫn nhau - 2
Bài tập Tết môn toán của Tuấn Anh (Ảnh: NVCC).

Có con đang học cấp 2, kỳ họp phụ huynh nào, chị Nguyễn Thu Thảo (Hưng Yên) cho biết, Tết nào con cũng ôm một xấp bài tập về nhà.

"Thầy giáo chủ nhiệm của con cho biết, do không thống nhất được với các giáo viên bộ môn nên các thầy cô vẫn giao bài Tết. Nhà trường từng cấm việc này nhưng chỉ được một năm, những năm sau con tôi vẫn phải "nai lưng" ra làm bài Tết", chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, các thầy cô nên giao bài trước ngày nghỉ khoảng một tuần, nhắc các em nên tranh thủ làm ngay để Tết được nghỉ ngơi. Nghỉ Tết xong, một số thầy cô sẽ thu bài và chấm điểm.

Ngữ văn, toán và tiếng Anh là những môn không bao giờ thiếu bài tập Tết. Các môn còn lại có bài hay không là tùy thầy cô, cùng một môn nhưng có giáo viên giao bài, người lại không giao. Nhiều giáo viên giao rất nhiều bài vở nhưng ra Tết không kiểm tra, chữa bài cho các em.

Mục đích của thầy cô là để học sinh củng cố kiến thức, tránh quên bài cũ sau kỳ nghỉ Tết dài. Tuy nhiên, chị Thảo cho rằng, các con học bài cũ theo cách này không hiệu quả. Đã là kỳ nghỉ thì các con phải được nghỉ, không thể vừa chơi Tết vừa lo làm bài. Mang tiếng được nghỉ nhưng con chị vẫn phải ngồi học suốt mấy ngày trước và sau Tết.

"Cứ đến sát ngày đi học trở lại, nhiều bạn mượn vở của con tôi để chép bài, miễn sao đủ bài nộp cho cô. Các con còn chụp bài làm của mình để chia sẻ cho nhau. Môn ngữ văn không thể "cóp" lẫn nhau, chúng lên mạng chép văn mẫu, mỗi đứa xí phần một bài văn mẫu khác nhau để không chép trùng.

Tuy không đến nỗi 3 ngày Tết phải dở bài tập ra làm nhưng tính ra con cũng mất quá nửa thời gian nghỉ mới làm xong. Hơn nữa, không lâu trước kỳ nghỉ Tết, các con đã phải trải qua đợt kiểm tra học kỳ 1, ôn tập rất căng thẳng mà Tết lại phải ôn lại những mảng kiến thức đó", chị Thảo nói.

Con trai chị Thảo cho biết, năm nay, giáo viên tiếng Anh đã giao cho các con học thuộc hàng trăm từ vựng của học kỳ 1 để kiểm tra sau Tết. Thầy giáo toán thì in ra 10 bộ đề kiểm tra, khối lượng bài ngang ngửa đề cương ôn tập học kỳ 1. Giáo viên ngữ văn không giao bài tập cụ thể, chỉ nhắc sẽ có bài trắc nghiệm kiến thức sau Tết.

Thầy cô không giao bài, đã có bố mẹ

Chung nỗi lo với nhiều phụ huynh, chị Vũ Thị Duyên (Nam Định) tự giao nhiệm vụ cho con trai lớp 3 học bài trong kỳ nghỉ Tết.

Do nhà trường cấm giáo viên giao bài tập về nhà nên chị Duyên tự mua sách bài tập, tự ra đề cho con làm.

Học sinh đối phó với bài tập Tết, sát ngày đi học mượn vở chép lẫn nhau - 3
Chồng chị Duyên dạy con trai làm bài tập (Ảnh: NVCC).

"Con tôi học rất yếu, nhất là môn toán. Ngày thường học từ ở lớp đến ở nhà mà con còn học dốt, thì tôi đảm bảo nghỉ Tết hơn một tuần xong là con không còn nhớ kiến thức gì nữa. Vì vậy, tuy giáo viên không giao bài nhưng tôi vẫn tự giao cho con. Mỗi ngày nghỉ, con ngồi đều đặn 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi tối trên bàn học. Thời gian tự học như vậy không phải dài, con vẫn còn thời gian vui chơi", chị Duyên nói.

Chị Duyên cho biết, do không được bố mẹ giao bài nên bạn bè của con suốt ngày chạy nhảy, mang điện thoại đến nhà rủ con chơi game, xem Youtube. Chị Duyên yêu cầu con phải làm xong bài mới được ra chơi với các bạn nhưng thằng bé không chịu ngồi yên học, thỉnh thoảng lại chạy ra hóng chuyện của các bạn. Lẽ ra chỉ phải học khoảng 2 tiếng nhưng vì vậy mà có khi con ngồi cả buổi vẫn chưa làm xong bài mẹ giao.

"Phải thú thật là con học trong ngày nghỉ như vậy không hiệu quả. Tuy nhiên, tôi vẫn phải ép con vào khuôn khổ như vậy để giúp con giữ thói quen học hành, không chểnh mảng khi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết", chị Duyên nói.

Nhiều năm nay, cô Vũ Thị Hạnh - giáo viên tiểu học ở Ninh Bình không giao bài tập cho học sinh vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những ngày nghỉ Tết, cô vẫn nhận được điện thoại hỏi bài của phụ huynh và học sinh.

Theo cô Hạnh, lý do là bố mẹ sợ con quên kiến thức sau kỳ nghỉ dài nên tự giao bài cho con. Mục đích tốt nhưng đã vô tình "cướp" đi kỳ nghỉ Tết của các con.

Hàng xóm nhà cô Hạnh, có em đến chiều 30 Tết vẫn "nước mắt ngắn, nước mắt dài" trên bàn học sau khi bị bố mẹ mắng, thậm chí đánh vì ham chơi, không học bài trong ngày nghỉ. Cô Hạnh đã nhiều lần giải thích nhưng bố mẹ em nhất quyết rằng thầy cô nên giao bài Tết cho học sinh, giúp phụ huynh đỡ phải lo việc này. Nhìn qua vở của học sinh, cô thấy phụ huynh bắt con làm cả bài trong sách nâng cao.

Cô Hạnh cho biết, năm nào cũng có nhiều học sinh uể oải, thiếu tập trung sau kỳ nghỉ Tết. Tình trạng này kéo dài khoảng 2-3 ngày trước khi các em trở lại nhịp học tập bình thường. Tuy nhiên, không vì vậy mà bố mẹ tước quyền nghỉ ngơi của các con. Phụ huynh chỉ nên nhắc con đọc lại bài cũ, làm một số bài tập cơ bản vào 2 ngày cuối kỳ nghỉ, giúp các em củng cố kiến thức, dễ dàng bắt vào nhịp học tập trên lớp.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi