Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải có "sự lột xác" trong hợp tác công tư

Lệ Thu

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 5 năm tới ngành lao động cũng như hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải có một "sự lột xác" thật sự trong lĩnh vực hợp tác công tư.

Trả lời câu hỏi của đại biểu vào chiều 11/11 về hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai như thế nào, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, thị trường lao động là một trong các thị trường quan trọng của nền kinh tế.

"Trong nghị quyết và cả tái cơ cấu 5 năm tới, chúng ta cũng đặt vấn đề này và hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi coi đây là một nguồn lực quan trọng trong phát triển. Nhất là khi chúng ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển", Bộ trưởng nói.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải có sự lột xác trong hợp tác công tư - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  trả lời chất vấn sáng 11/11 (Ảnh: Quốc Chính).

Thời gian tới, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là sẽ rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp nhà nước và người sử dụng. Chú trọng đến các chính sách về vốn, về thuế.

Thứ hai là một số lĩnh vực nhà nước, ngân sách nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn toàn, nhưng có những lĩnh vực và có những ngành nghề thì nhà nước giữ vai trò dẫn dắt và vốn mồi là chủ yếu để huy động các lực lượng toàn xã hội. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ cho doanh nghiệp một số vấn đề như năng lực đào tạo, năng lực dự báo, triển khai nền tảng số về thông tin thị trường lao động để doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án đào tạo và quyết định khi hỗ trợ lao động, hỗ trợ các nền tảng dạy học trực tuyến,...

"Theo hướng đó thì chắc chắn là 5 năm tới ngành lao động cũng như hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải có một sự lột xác thật sự trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho "làn sóng kép" người lao động rời thành phố?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nêu 3 vấn đề: Có một cuộc di chuyển kép của người lao động về quê, không chỉ là người về quê tránh dịch, mà có cả người lao động chân tay đơn thuần bị đào thải trong cuộc cách mạng công nghệ. Vấn đề đào tạo nghề, theo ông Lộc cứ 4 người lao động, chỉ một người được đào tạo, có tay nghề. Vậy làm sao trong thời gian ngắn để người lao động ngang tầm ASEAN?

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình về thực trạng làn sóng kép người lao động rời thành phố.

Bộ trưởng xác nhận, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp…

"Chúng ta có một lực lượng lao động rất dồi dào 55 triệu người nhưng chúng ta cùng lúc phải giải quyết hai bài toán.

Bài toán thứ nhất là chăm lo, nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung, nhất là trong điều kiện hiện nay 65% lực lượng lao động chúng ta có đào tạo nhưng mà chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. So với mặt bằng chung của các nước ASEAN chúng ta tương đối thấp", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, vấn đề thứ hai đặt ra là các xu hướng tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi bản chất của công việc. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế đối với chúng ta trong 5 năm tới sẽ có khoảng 1/3 công việc thay đổi. 40% lao động của chúng ta khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi mà kỹ năng lao động không được nâng lên.

Chính vì vậy trong mục tiêu của chúng ta đặt ra đến hết năm 2025 chúng ta có khoảng 30 đến 35% lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ. Đến năm 2030 phấn đấu là 40% đến 45%. Đây là chỉ tiêu có thể nói rất là cao mà đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Đề cập giải pháp với những vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị có hai hướng:

Thứ nhất, phải đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tay nghề đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới. Việc đào tạo sẽ tiến hành chủ yếu bằng cả hai địa bàn, thông qua doanh nghiệp là chính. Đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung.

Thứ hai, Chính phủ có chủ trương và chính sách nhằm đào tạo, hình thành một lực lượng lao động chất lượng cao, nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20.

"Trọng tâm ở đây như Chính phủ đã chỉ đạo là đào tạo trình độ cao đẳng, chất lượng cao, lấy đây là nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ đã cho phép sẽ hình thành khoảng 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho quyết định là đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng, quốc gia.

Trung tâm vùng về đào tạo và thực hành có chức năng dẫn dắt đào tạo nghề trong tương lai, mà tập trung đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm mà các lĩnh vực của chúng ta đang thiếu mà đòi hỏi chất lượng cao, đặc biệt là thành lập 3 trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung Việt Nam theo tinh thần đó. Đào tạo nghề sẽ tiếp tục theo hướng mở liên thông linh hoạt bao trùm gắn với học tập và nâng cao tay nghề suốt đời", Bộ trưởng cho biết.

Nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực để điều tiết đào tạo nghề

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) về các chính sách trọng tâm và chương trình chuẩn bị cho lực lượng lao động chuyển đổi theo đào tạo 4.0 như thế nào?, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chuyển đổi số trong thời gian tới sẽ làm mất đi nhiều việc làm của chúng ta, nhưng chắc chắn là sẽ mở ra những cơ hội mới nếu chúng ta biết tận dụng. Vì vậy, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp quan trọng cơ bản.

Thứ nhất là chú trọng nâng cao chất lượng của dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực, làm cơ sở để chúng ta điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ hai là bổ sung các quan sát, đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện, rà soát lại các cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là chính sách thúc đẩy liên kết ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường.

Thứ tư là nhấn mạnh các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thể hiện ngay từ khâu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá.

Thứ năm là có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng để chuyển đổi công việc, đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người lao động thất nghiệp, người lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, các quỹ hợp pháp và các nguồn vốn sự nghiệp cho phép.