Đối sánh trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam theo chuẩn quốc tế
(Dân trí) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa phối hợp với Hội đồng Anh và Tổ chức Ecctis của Vương quốc Anh đã tổ chức sự kiện ra mắt Dự án "Đối sánh trình độ theo chuẩn quốc tế (Qualifications Benchmarking)".
Kể từ khi Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên trình độ cao đẳng (bậc 5 của VQF) được đối sánh ngoài khuôn khổ ASEAN mà theo Khung trình độ Anh (RQF) và Khung trình độ Châu Âu (EQF).
Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp tại Việt Nam thông qua xây dựng kết nối với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Vương quốc Anh và châu Âu.
Dự án cung cấp các phân tích so sánh những thành phần cốt lõi của một trình độ như yêu cầu về tuyển sinh đầu vào, chương trình giảng dạy, quá trình đánh giá, chuẩn đầu ra với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được lựa chọn làm chuẩn đối sánh của Vương quốc Anh và châu Âu.
Sự kiện có sự tham dự của Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN; Bà Donna McGowan - Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam; Ông Fabrizio Trifiro - đại diện đến từ Tổ chức Ecctis; Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN; Ông Jesus Lavina - Phó ban Hợp tác phát triển, Tham tán đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam, cùng 70 đại biểu từ các trường cao đẳng tham gia dự án, các trường cao đẳng có ngành, nghề trọng điểm quốc tế và từng tham gia các dự án với Hội đồng Anh và đại diện các đơn vị có liên quan của Tổng cục GDNN, Hội đồng Anh tại UK và Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống kiểm định, bảo đảm chất lượng cho các trường tại Việt Nam, giúp các trường tiếp cận được trình độ các nước tốp đầu ASEAN và tiến tới nhóm các nền kinh tế G20. Vì vậy, ông cũng đánh giá cao sáng kiến và chủ trương của dự án Đối sánh trình độ và cho rằng đây sẽ là bước đầu để Việt Nam và Vương quốc Anh có thể cộng tác công nhận văn bằng của nhau và mở rộng hơn nữa là các nước thuộc EU.
"Sáng kiến này sẽ tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam vừa có thể học tập, làm việc trong môi trường quốc tế và công nhận bằng cấp của Anh; vừa tạo điều kiện cho các em có thể học tiếp trình độ cao hơn tại các cơ sở giáo dục của Anh. Đây là mục tiêu kép của dự án." Phó Tổng cục trưởng bày tỏ.
Dự án Đối sánh trình độ là dự án do EU VET TOOLBOX hỗ trợ và được Hội đồng Anh phối hợp với Tổng cục GDNN và 05 trường cao đẳng tại Việt Nam thực hiện gồm: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng tàu.
Đại diện Hội đồng Anh, bà Donna McGowan đã chia sẻ, dự án Đối sánh trình độ được thiết kế dựa trên những kết quả và thành công của các dự án hợp tác trước đó giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, bà tin tưởng Dự án sẽ mang lại những tác động tích cực, lâu dài cho GDNN Việt Nam.
Dự án được thiết kế nhằm mục đích góp phần thực hiện những cải cách và nỗ lực cải thiện chất lượng và nâng cao tiêu chuẩn trình độ GDNN theo hướng đạt chuẩn quốc tế thông qua nâng cao năng lực của Cục Kiểm định chất lượng GDNN, Tổng cục GDNN và các cơ sở GDNN về đào tạo các trình độ đạt chuẩn chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Đối tác thực hiện dự án từ Vương quốc Anh là tổ chức Ecctis - một tổ chức giáo dục uy tín của Vương quốc Anh và quốc tế về đánh giá trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng. Ecctis đã và sẽ tiếp tục cùng làm việc với các đối tác tại Việt Nam là Tổng cục GDNN và các trường cao đẳng để thực hiện việc đánh giá độc lập và khách quan các chương trình đào tạo được lựa chọn và cũng là ưu tiên tập trung đầu tư của phía đối tác Việt Nam. Là một phần của dự án, Ecctis sẽ cung cấp Báo cáo Đối sánh trình độ, trong đó nêu ra những phát hiện chính từ hoạt động đối sánh và đưa ra kết luận về những cấu phần cốt lõi của trình độ phù hợp tham chiếu theo Khung trình độ quốc gia - trong trường hợp này là Khung trình độ Anh và Khung trình độ Châu Âu (EQF).
Bên cạnh việc giúp Việt Nam xây dựng một trình độ phù hợp của các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn hệ thống giáo dục Anh, dự án sẽ phát triển bộ Công cụ tự đánh giá độc lập và cung cấp khung/bộ tiêu chí đánh giá cho các trường cao đẳng tại Việt Nam nhằm nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng trình độ/chương trình theo hướng đạt được sự công nhận và uy tín quốc tế.
Đồng thời, dựa trên kết quả Đánh giá trình độ/chương trình và kinh nghiệm chuyên môn của tổ chức đánh giá Ecctis của Vương quốc Anh, Ecctis sẽ đưa ra Báo cáo khuyến nghị về xây dựng các chính sách phát triển hệ thống GDNN ở Việt Nam theo định hướng đạt được công nhận quốc tế, tập trung vào các nội dung như chuyển đổi tín chỉ, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thông qua tích cực huy động sự tham gia của ngành trong dạy và học, xây dựng chuẩn đầu ra, đánh giá trình độ và khả năng việc làm cho người học.
Ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế và Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đại diện cho 05 trường tham gia Dự án đã có những chia sẻ mong muốn của nhà trường và cam kết phối hợp để Dự án đạt kết quả tốt nhất.
Phát biểu kết thúc sự kiện, Cục trưởng Nguyễn Quang Việt cho rằng, có thể coi 05 trường cao đẳng với 05 chương trình đào tạo được lựa chọn là những người đi tiên phong trong tiến trình đối sánh trình độ hướng đến kiểm định và công nhận quốc tế.
Ở cấp độ hệ thống, đây cũng là dịp để rà soát, xác lập ban đầu mối liên kết giữa bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam với bậc tương ứng của Khung trình độ Anh và Khung trình độ châu Âu.
Việt Nam cũng mong muốn sẽ đối sánh hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN của Việt Nam theo khung bảo đảm chất lượng châu Âu về GDNN (EQAVET). Ông cũng khẳng định cam kết từ phía Cục Kiểm định chất lượng GDNN, Tổng cục GDNN trong tổ chức thực hiện Dự án.
Sự kiện ra mắt dự án trực tuyến đã mở ra nhiều cơ hội đối thoại và hợp tác giữa các đối tác Vương quốc Anh và Việt Nam. Các đại diện trường tham gia sự kiện bày tỏ sự quan tâm và mong được tiếp nhận kết quả chia sẻ từ dự án để giúp nhà trường thực hiện tự rà soát đánh giá nhằm tiếp cận với chuẩn quốc tế.