Đội ngũ cán bộ quản lý, hạt nhân nâng cao hiệu lực giáo dục nghề nghiệp

Trần Quốc Huy

(Dân trí) - Cán bộ quản lý nhà nước về GDNN hiện có 1.438 người (179 cán bộ thuộc các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội; 458 cán bộ Phòng GDNN thuộc Sở LĐ-TB&XH; 801 cán bộ Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện).

Cán bộ quản lý nhà nước về GDNN hiện có 1.438 người

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam có mạng lưới khá lớn, bao phủ khắp cả nước với đa dạng loại hình và cơ quan chủ quản. Đến nay, cả nước có 1.905 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 440 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN, trung tâm GDNN-GDTX).

Từ khi thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN tại địa phương đã được tăng cường. Hiện nay, 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có đơn vị thực hiện chức năng quản lý GDNN. Trong đó 51/63 địa phương có Phòng Dạy nghề, hoặc Phòng GDNN; 12/63 sở sáp nhập một số phòng chuyên môn và đổi tên gắn với chức năng của các phòng được sáp nhập.

Cá biệt một số địa phương sau khi sáp nhập thì tên phòng không gắn với GDNN nhưng có chức năng quản lý nhà nước về GDNN; 100% các Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN.

Đội ngũ cán bộ quản lý, hạt nhân nâng cao hiệu lực giáo dục nghề nghiệp - 1

Các đại biểu dự Hội nghị nâng cao năng lực cán bộ chủ chốt của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, 12 Bộ; 04 tổ chức chính trị - xã hội có các cơ sở GDNN trực thuộc. Hầu hết nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN đối với các cơ sở GDNN trực thuộc các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội do đơn vị có chức năng tổ chức, cán bộ tham mưu; riêng Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có đơn vị cấp Vụ, Cục thực hiện.

Cán bộ quản lý nhà nước về GDNN hiện có 1.438 người (179 cán bộ thuộc các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội; 458 cán bộ của Phòng GDNN thuộc Sở LĐ-TB&XH; 801 cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện). Trong đó, 23% người có trình độ sau đại học; 18% người là chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính; trình độ ngoại ngữ còn hạn chế (58,9% người trình độ A2 và A1).

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Tổng cục GDNN

Đội ngũ công chức, viên chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hiện có 185 người, trong đó, 64,5% người có trình độ sau đại học; 4,8% người là chuyên viên cao cấp, 36,2% người là chuyên viên chính; 18,3% người có trình độ lý luận cao cấp; 67% người có trình độ ngoại ngữ từ C trở lên; 74% người trình độ tin học từ C trở lên.

Những năm qua, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đã chăm lo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về GDNN trên cả nước và công chức, viên chức của Tổng cục. Ngay sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, Tổng cục đã xây dựng và ban hành chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý GDNN cho 1.000 cán bộ quản lý nhà nước về GDNN và 6.908 cán bộ quản lý cơ sở GDNN.

Đặc biệt, trong 06 tháng đầu năm 2021, lần đầu tiên Tổng cục phối hợp với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ, Đức) tổ chức Hội nghị "Nâng cao năng lực cán bộ quản lý của Tổng cục GDNN" với sự tham gia của Lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các Vụ, đơn vị, cán bộ quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục theo hình thức trực tiếp và 63 đại diện Lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng GDNN của 63 Sở LĐTBXH. Giảng viên là các chuyên gia của tổ chức quốc tế: GIZ, Đại sứ quán Úc, UNESCO, chuyên gia của tổ chức ILO; Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các Vụ, đơn vị chuyên môn của Tổng cục. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và thích ứng với yêu cầu mới, Tổng cục phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cử 25 cán bộ của Tổng cục và giảng viên các trường cao đẳng tham gia khóa học trực tuyến lớp học ảo về dạy học trực tuyến và đào tạo GDNN thông qua học tập kỹ thuật số.

Đây là lực lượng hạt nhân cho chuyển đổi số trong đào tạo GDNN để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, nhà giáo để nhân rộng trong hệ thống GDNN; phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cử 21 cán bộ của Tổng cục và giảng viên các trường cao đẳng tham gia khóa học trực tuyến về "Nâng cao năng lực đào tạo nghề cho Việt Nam".

Hiện nay, Tổng cục đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ quản lý của cơ sở GDNN và phối hợp với Tổ chức ILO, tổ chức GIZ xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho CBQL; biên soạn và xuất bản sách về kỹ năng quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu mô hình GDNN của Singapore.  

Đội ngũ cán bộ quản lý, hạt nhân nâng cao hiệu lực giáo dục nghề nghiệp - 2

Tổng Cục GDNN trong một buổi làm việc với Văn phòng IOM và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về phát triển lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN, đặc biệt là cấp tham mưu quản lý nhà nước ở địa phương có nơi bố trí không phù hợp với năng lực sở trường, chuyên môn; số lượng còn thiếu và yếu, phải kiêm nhiệm còn nhiều, yếu về năng lực chuyên sâu về quản lý GDNN, về thanh kiểm tra giám sát; hạn chế về ngoại ngữ, tin học, hội nhập quốc tế.

Một bộ phận làm việc chưa chuyên nghiệp nên thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN còn lúng túng, hiệu quả thực hiện chưa cao, nhất là trong xử lý công việc với khối trường cao đẳng. Vì vậy, hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN chưa cao. 

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý GDNN

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ, để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDNN; để đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả đủ năng lực quản lý và đào tạo, hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp tỉnh theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, có năng lực thích ứng với sự thay đổi trong môi trường 4.0 để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, xin đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý GDNN:

Một là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trong đó:

Chăm lo, phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN; cán bộ quản lý cơ sở GDNN phải là một trong những giải pháp đột phá thực hiện Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm về vai trò quản lý nhà nước về GDNN của UBND cấp tỉnh đối với các cơ sở GDNN của các Bộ, ngành, đoàn thể; phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm cho Sở LĐ-TB&XH trong quản lý nhà nước đối với các cơ ở GDNN địa phương. Hình thành cơ chế chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao trên phạm vi quốc gia.

Xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp đặc biệt chú trọng đối với Sở LĐ-TB&XH, làm cơ sở để đề xuất bố trí đủ số lượng cán bộ đảm đương nhiệm vụ.

Xây dựng và ban hành, áp dụng các chuẩn năng lực cần có cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN. Đầu tư và bổ sung chức năng cho Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN, đội ngũ nhà giáo; tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành quản lý về GDNN; nghiên cứu công nghệ mới trong GDNN, gắn nghiên cứu với chuyển giao công nghệ nhằm hình thành đội ngũ cán bộ có tính chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Hai là, với yêu cầu mới trong quản lý nhà nước về GDNN, đối với cấp tỉnh cần bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách và công chức cho phòng GDNN cố gắng phù hợp chuyên môn, năng lực, sở trường, có kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ sở GDNN. Nghiên cứu cơ chế để phát huy, tranh thủ, tận dụng các chuyên gia, GDNN, các nhà doanh nghiệp, các hiệu trưởng giỏi, có kinh nghiệm của các cơ sở GDNN mạnh trong việc tư vấn chuyên môn trong quản lý nhà nước về GDNN.

Ba là, có kế hoạch tập trung đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về kỹ năng quản trị nhà nước hiện đại, kỹ năng số, kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, hội nhập quốc tế. Khuyến khích tham gia các khóa học, hội thảo trực tuyến do các tổ chức quốc tế, hoặc các nước hỗ trợ để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm mô hình tốt của quốc tế:

Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Tổng cục GDNN cần tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức  nâng cao năng lực làm việc bằng ngoại ngữ nhất là tiếng Anh và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước (cả trực tuyến) về chuyên môn sâu về GDNN, trong đó có cả trình độ tiến sĩ.

Đối với địa phương, tiếp tục tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Anh, kỹ năng số và trình độ chuyên sâu về quản lý nhà nước về GDNN; kiến thức thực tiễn về quản lý cơ sở GDNN. Bố trí đủ điều kiện công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước được liên thông, kịp thời giảm nhân lực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm