Gặp gia đình người lính biên phòng hiếu học trên vùng quê nghèo

(Dân trí) -Ở một vùng quê nghèo khó lắm núi nhiều đồi, đời sống còn nhiều khó khăn như xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhưng khi nhắc đến sự học thì ai cũng biết đến và không ngớt lời trầm trồ thán phục một gia đình hiếu học ở thôn gò đồi Văn Hà.

Đó là gia đình ông Nguyễn Ngọc Chồi (57 tuổi) và bà Mai Thị Định (47 tuổi) ở thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông bà Chồi ở thôn Văn Hà, anh cán bộ văn hóa xã tự hào: “Ở cái vùng quê nghèo khó này, nói đến ông Chồi, bà Định thì ai ai chẳng biết. Họ biết đến bởi, ông bà là một gia đình hiếu học có tiếng ở mảnh đất Quảng Bình”.

Con đường làng ngoằn ngoèo dẫn vào nhà ông Chồi những ngày sau Tết vắng vẻ đến lạ. Hỏi ra mới biết, ở vùng đất được mệnh danh là “chó ăn đá gà ăn sỏi” này cứ sáng sáng là người lớn lại vào rừng hái củi kiếm cơm, người già ở nhà đan nón lá kiếm ngày vài chục ngàn đong gạo, còn lũ trẻ thì ngày ngày đến trường gieo ước mơ học chữ thoát nghèo.

Quá trưa, ngồi trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn chất đầy bằng khen, huân huy chương và bảng thành tích học tập, nhấp ngụm trà nóng, ông Chồi bắt kể về cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất anh hùng Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), tháng 6 năm 1974, người lính trẻ Nguyễn Ngọc Chồi nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình.

Năm 1986, ông xây dựng gia đình với bà Mai Thị Định. Ông bà có với nhau hai người con là Nguyễn Tiến Lập (SN 1987) và Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1989). Lớn lên những người con của ông bà đều ngoan hiền, học giỏi. Những năm theo học ở Trường Tiểu học và Trường THCS Quảng Tiến các em đều là học sinh khá giỏi, xuất sắc của trường.

Học xong bậc THCS, Lập và Hương đều vào học Trường THPT Chuyên Quảng Bình. Năm học 2003 - 2004, em Lập thi học sinh giỏi vượt lớp môn Vật lý cấp Quốc gia và đạt giải Nhì. Năm đó em vinh dự được chọn vào đội tuyển Quốc tế môn Vật lý. Năm học 2004 - 2005, Lập tiếp tục đạt giải Ba quốc gia môn Vật lý và được tuyển thẳng vào Học viện Quân sự. 6 năm học ĐH, năm nào em cũng đạt danh hiệu sinh viên ưu tú của khoa Kỹ thuật quân sự. Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng xuất sắc, Lập vinh dự được trao bằng khen và chụp tấm ảnh chung với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Gặp gia đình người lính biên phòng hiếu học trên vùng quê nghèo
Tốt nghiệp trường Học viện quân sự với tấm bằng xuất sắc, em Nguyễn Tiến Lập vinh dự được chụp chung tấm hình với Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong ngày nhận bằng.

Chẳng chịu thua kém anh trai, người em gái Nguyễn Thị Thu Hương cũng rất chăm ngoan và học giỏi. Nếu như Lập là một học sinh đam mê tài năng về Khoa học tự nhiên thì Hương lại là cây bút xuất sắc về mảng Khoa học xã hội. Từ năm từ lớp 1 đến lớp 9, Hương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường và huyện. 3 năm học ở Trường THPT Chuyên Quảng Bình, Hương đều đạt giải Ba môn Văn trong các kỳ học sinh giỏi tỉnh. Tiếp đó, 4 năm theo học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Hương đều là sinh viên ưu tú của trường và được chọn vào học lớp Cử nhân tài năng của trường.

Gặp gia đình người lính biên phòng hiếu học trên vùng quê nghèo
Tấm hình chụp chung của gia đình ông Chồi treo bên những tấm bằng khen sáng ngời của các con.

Hiện tại, Lập và Hương đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Lập hiện đang làm ở Trung tâm kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, thuộc Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc Hà Nội, còn Hương đang làm biên tập viên cho một công ty ở TPHCM. Nói về thành tích học tập đáng nể phục của Lập và Hương, bà Định tự hào: “Để có được thành tích ngày hôm nay, ngoài việc khuyên răn dạy bảo của bố mẹ là cả một quá trình phấn đấu học tập không biết mệt mỏi của các cháu. Tết vừa rồi dù mới ra trường nhưng hai đứa đều đưa tiền cho ba mẹ ăn Tết. Thấy con cái thành đạt và gặt hái được những quả ngọt đầu tiên, vợ chồng tôi rất vui mừng và hạnh phúc”.

Nói về tấm gương gia đình hiếu học giữa vùng quê nghèo, ông Phan Đức Chiêu, Chủ tịch Hội khuyến học xã Quảng Tiến phấn khởi: “Ngoài công việc ở cơ quan và chăm lo cuộc sống gia đình, ông Chồi còn rất nhiệt tình với công tác khuyến học của xã, ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học và tích cực tuyên truyền vận động xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của xã nhà, khơi dậy truyền thống hiếu học của bà con Quảng Tiến. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Chồi và bà Mai Thị Định xứng đáng là tấm gương sáng ngời cho bà con Quảng Tiến noi theo”.

Đặng Tài - Đăng Đức