PGS.TS. Hà Thanh Toàn:

ĐH Cần Thơ sẽ rút đơn kiện tiến sĩ vụ đòi bồi thường 600 triệu chi phí đào tạo

(Dân trí) - Liên quan đến vụ trường Đại học Cần Thơ kiện Tiến sĩ Vũ Thị Nhuận để đòi bồi thường gần 600 triệu tiền chi phí đào tạo do chấm dứt hợp đồng làm việc, chiều 20/6 PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.

photo1-8-1466437927989

PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí chiều 20/6.

Mình là nguyên đơn - bên khởi kiện, vậy tại sao 2 lần tòa xét xử, đại diện nhà trường đều vắng mặt, thưa ông?

Ngày hôm qua, trường có đọc báo và biết ngày hôm nay tòa đưa ra xét xử lần thứ 2. Thực chất giấy triệu tập của Tòa án quận Ninh Kiều đến bây giờ Đại học Cần Thơ vẫn không nhận được. Trường đã yêu cầu phòng thanh tra pháp chế báo với tòa là nhà trường không nhận được giấy triệu tập nên chưa chuẩn bị được thông tin có liên quan nên mới xin hoãn.

Vậy luật sư bảo vệ quyền lợi cho trường nhận được thông tin từ đâu mà sáng nay vẫn có mặt ở tòa, thưa ông?

Vậy hả, sáng nay luật sư Thanh có mặt ở tòa hả, tôi cũng không hiểu sao nữa, để tôi kiểm tra lại.

Tiến sĩ Nhuận cho rằng bà được Chính phủ Nhật cấp học bổng đi du học tại Nhật, toàn bộ chi phí do phía Nhật cấp chứ không phải Đại học Cần Thơ cử đi học bằng tiền của nhà trường hay nguồn ngân sách nhà nước mà do bà tự tham gia dự tuyển học bổng MEXT của Nhật thông qua Trường ĐH Kyushu. Điều này có đúng không, thưa ông?

Đại học Kyushu nhận kinh phí đó của Chính phủ Nhật, như vậy có nghĩa là Chính phủ Nhật cấp cho Đại học Kyushu để cho những người ở nước ngoài đến Nhật học. ĐH Cần Thơ viết đơn đề cử cô Nhuận đi học với tư cách là đại diện cho Bộ GD-ĐT Việt Nam để nhận nguồn ngân sách của chính phủ Nhật cho sinh viên quốc tế.

Nhưng thưa ông, trong đơn của cô Nhuận nêu rõ: “Tôi đi học do trường đại học của Nhật tuyển chọn thông qua thông tin trên trang web của trường đó. Tôi không thuộc đối tượng được Chính phủ Nhật hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam tuyển thông qua Bộ GD&ĐT, cũng không thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước chi trả”. Vậy ông lý giải thế nào về chuyện này?

Hồi nữa coi công văn của Cục Đào tạo nước ngoài trả lời về mặt quan điểm của Bộ thì mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn.

Hiện nay tại Trường ĐH Cần Thơ, đã có bao nhiêu trường hợp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do không thực hiện đúng cam kết? Trường đã kiện bao nhiêu người như cô Nhuận rồi, thưa ông?

Đây là vấn đề vô cùng áp lực cho ĐH Cần Thơ. Vừa qua, chúng tôi đã họp và quyết định kỷ luật cho thôi việc hơn 30 trường hợp đi học và ở luôn bên nước ngoài, hoặc về Việt Nam nhưng không làm việc tại ĐH Cần Thơ mà làm việc tại các công ty…

Khi cho những người này thôi việc đồng nghĩa với việc phải tùy theo học bổng nào mà người đó nhận và bắt buộc phải bồi thường. Cụ thể như dạng học bổng lấy từ kinh phí 322 và 911 của Chính phủ, hay từ kinh phí của Chính phủ các nước cho sinh viên Việt Nam đi học. Trong đó học bổng từ kinh phí của Chính phủ các nước cho sinh viên Việt Nam đi học bắt bồi thường gặp rất nhiều khó khăn và cô Nhuận thuộc trường hợp này.

Hiện nay trường nợ Nhà nước gần 12 tỷ đồng do cán bộ của nhà trường đi học về nhưng không thực hiện đúng cam kết, cho nên nhà trường đã làm thử (khởi kiện) đối với cô này (cô Nhuận - PV), coi khả thi không? Tuy nhiên, đến nay nhà trường vẫn chưa thu được đồng nào, mỗi lần kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước vào thì nói đây là “công nợ” của trường và đề nghị nhà trường thu hồi số tiền này.

Từ các trường hợp như Tiến sĩ Vũ Thị Nhuận, phía trường có rút ra được bài học hay kinh nghiệm gì, thưa ông?

Thực ra kiện cô Nhuận là với mong muốn cô Nhuận nhận ra lỗi của mình và đừng nói đến chuyện này nữa, nhưng cô không biết lỗi. Sắp tới trường sẽ rút đơn kiện vì thực chất mình chỉ muốn huấn luyện, muốn cảnh báo nhưng cô này không hợp tác thì mình sẽ tự động cắt bỏ hết và không nói lại. Tôi biết chắc chắn anh Lình (Hiệu trưởng trường ĐH Y dược Cần Thơ, nơi công tác mới của cô Nhuận - PV) sẽ đuổi việc cổ. Vì trường ĐH Y dược Cần Thơ đang chờ kết quả bên này và coi đạo đức của cô có xứng đáng hay không. Bản thân tôi bây giờ cũng không muốn gặp cô này nữa.

Nếu rút đơn kiện thì nhà trường phải đưa ra nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Trong chuyện này mình chủ động kiện cô ấy. Bây giờ mình nói chưa đủ cơ sở pháp lý, vì hiện nay chưa minh bạch trong việc kinh phí học bổng đó phải bồi thường hay không.

Xin hỏi ông câu cuối cùng, nhà trường căn cứ vào đâu để đòi cô Nhuận bồi thường số tiền gần 600 triệu đồng?

Mình căn cứ mỗi suất học bổng đó trị giá bao nhiêu tiền. Ví dụ mỗi tháng cô ấy nhận được 1 ngàn đô thì 36 tháng tương đương 36 ngàn đô chẳng hạn. Theo quy định sau khi đi học về thì cô Nhuận phải phục vụ 9 năm nhưng cô ấy đã làm được gian 31 tháng nên nhà trường trừ ra và chỉ khởi kiện và đòi số tiền 600 triệu.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Phạm Tâm (thực hiện)